Trong cuộc điều trần hôm qua tại Thượng viện để được chuẩn nhận vào chức bộ trưởng ngoại giao, bà Hillary Clinton đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc đứng đầu nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng bà nói với Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện rằng tiến trình thương nghị do chính phủ Bush đề xướng đang được duyệt lại. Từ Bộ Ngoại giao, thông tín viên David Gollust ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Trong thời gian tranh cử, Tổng thống tân cử Barack Obama đã nói ông sẵn sàng thí nghiệm chính sách ngoại giao trực diện với các lãnh đạo của những nước thù địch, chẳng hạn Bắc Triều Tiên, nếu điều đó giúp giải quyết những vấn đề then chốt.
Thế nhưng trong buổi điều trần trước Thượng vịên, vị bộ trưởng ngoại giao được ông đề cử nói rằng cả Bà lẫn Tổng thống tân cử đều tin là chính sách của 6 nước đối với Bắc Triều Tiên được áp dụng từ năm 2004 đã có hiệu quả như vừa là một công cụ thương thảo, vừa là một đường giây đối thoại song phương với Bình Nhưỡng.
Bà Hillary nói trong cuộc điều trần để được phê chuẩn rằng, Bà và bộ trưởng ngoại giao sắp mãn nhiệm Condoleezza Rice đã có những cuộc thảo luận dài, liên quan đến tiến trình 6-bên mà bà coi là một phần cuộc duyệt xét kỹ lưỡng về chính sách của đội ngũ Obama đối với Bắc Triều Tiên.
Bà nói rằng Tổng thống tân cử không hề có ảo tưởng gì về sự khó khăn trong việc buộc Bình nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân của họ và rằng một “đường lối ngoại giao cứng rắn dựa trên thực tế” cần được áp dụng.
Bà Clinton nói: “Mục tiêu của chúng ta là chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cả chương trình tái chế chất plutonium và chương trình về uranium, là những chương trình người ta có lý do để tin là có tồn tại dù chưa bao giờ được kiểm chứng. Và chúng tôi tin tưởng mãnh liệt là các cuộc hội đàm 6 bên, đặc biệt là vai trò của Trung Quốc bên cạnh những đồng minh gần cận của chúng ta như Nam Triều Tiên và Nhật, là phương tiện giúp chúng ta áp lực đối với Bắc Triều Tiên để họ thay đổi hành vi của họ.”
Trả lời câu hỏi của thượng nghị sĩ Lisa Murkowski của bang Alaska, bà Clinton còn nói chương trình 6 bên cũng có nhiệm vụ chấm dứt vai trò quảng bá vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên. Bà nói chúng ta có 'lý do để tin' rằng Bình Nhưỡng can dự vào một dự án lập lò phản ứng hạt nhân với Syria, ngoài sự hỗ trợ có bằng cớ dành cho một chương trình hạt nhân của Libya đã bị hủy bỏ vào năm 2003.
Những cuộc hội đàm 6 bên trong đó Bắc Triều Tiên cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân của họ đổi lại viện trợ và các nguồn lợi ngoại giao, đã bị đình trệ khi Bình nhưỡng không chịu chấp thuận một chương trình kiểm chứng bản khai báo về khả năng hạt nhân mà họ đã thảo ra hồi tháng 6 năm ngoái.
Hôm qua Bắc Triều Tiên tuyên bố họ sẽ duy trì kho vũ khí hạt nhân nhỏ của họ cho đến khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với họ, và từ bỏ điều họ gọi là một chính sách 'thù địch' đối với quốc gia cộng sản này.
Sự kiện vừa nêu đã gây một phản ứng từ ông Sean McCormack, phát ngôn nhân bộ ngoại giao: Oâng nói Bình nhưỡng phải đáp ứng những cam kết của họ trong cuộc hội đàm 6 bên trước khi nói tới các lợi điểm ngoại giao.
Ông McCormack nói: “Đương nhiên là chúng ta mong tiến trình 6 bên được tiến tới. Nhiệm vụ và trách nhiệm của họ như thế nào theo tiến trình đó, là điều rất minh bạch. Về điểm Bắc Triều Tiên sẽ có nền bang giao bình thường hơn với thế giới kể cả Hoa Kỳ, nếu muốn đạt tới điều đó, Bắc Triều Tiên phải hành động phù hợp với tiến trình 6 bên, và phải có một bán đảo Triều Tiên 'phi hạt nhân'.”
Hôm qua, báo chí Nam Triều Tiên loan tin Bình Nhưỡng muốn Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của họ tới dự lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Barack Obama vào tuần tới. Nhưng các giới chức Hoa Kỳ nói họ không hay biết gì về việc Bắc Triều Tiên có tiếp xúc về vấn đề này, và dù sao, khách nước ngoài được mời tham dự sự cố này sẽ chỉ gồm đại sứ các nước có liên hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
Đọc nhiều nhất
1