Đường dẫn truy cập

Chính phủ Úc sẽ không xin lỗi bác sĩ Haneef


Chính phủ Australia cho hay sẽ không xin lỗi bác sĩ Mohamed Haneef, một người Ấn Độ đã bị bắt lầm và bị cáo buộc có liên hệ với những vụ đánh bom ở Anh năm 2007. Sau khi một báo cáo chính thức hồi hôm qua đi đến kết luận rằng các giới chức đã sai phạm những lỗi lầm ở mọi cấp, ông Haneef đã yêu cầu xin lỗi và tìm cách đòi bồi thường ông. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Ông Mohamed Haneef đòi Australia xin lỗi ông về việc ông đã bị bắt lầm và truy tố về một âm mưu đánh bom bất thành ở London và Glasgow hồi năm ngoái.

Vị bác sĩ này bị bắt tại Australia sau khi thẻ SIM trong điện thoại di động của ông bị phát hiện nơi một trong các nghi can bị bắt ở vương quốc Anh.

Các luật sư của ông cho biết ông cũng đòi bồi thường về những thiệt hại do vụ này gây ra, cao điểm là việc ông bị thu hồi thị thực làm việc, mặc dầu các cáo trạng có liên quan đến khủng bố đã được bãi bỏ.

Luật sư của ông là ông Stephen Keim cho biết ông sẵn sàng đi tới cùng để đem lại công lý cho thân chủ của mình.

Luật sư Keim nói: “Tôi vui lòng qua mọi thủ tục mà chính phủ muốn và nếu không thương lượng và đạt được một giải pháp thích đáng thì tôi vui lòng dành một phần trong 7 hay 10 năm nữa để ra trước mọi toà án. ”

Chính phủ Australia đã tỏ ý cho thấy là sẽ không xin lỗi người công dân Ấn Độ vào lúc này.

Bộ trưởng tư pháp, Robert McClelland đã nói rằng làm như thế có thể ảnh hưởng đến việc đòi bồi thường.

Ông McClelland cũng nói rằng nếu như có người phải bầy tỏ sự hối tiếc, thì phải là người tiền nhiệm của ông trong chính phủ bảo thủ trước đây.

Cựu bộ trưởng tư pháp Philip Ruddock, người phụ trách bộ tư pháp vào lúc ông Haneef bị bắt cũng nói rằng ông Haneef không đáng được xin lỗi hay bồi thưòng bởi vì các giới chức chỉ thi hành nhiệm vụ của mình mà thôi.

Nhưng nhiệm vụ đã được thi hành không tốt đẹp lắm, theo một báo cáo chính thức công bố ngày hôm qua. Báo cáo này nhận thấy rằng nhà chức trách Australia đã làm lơ trước các bằng chứng và làm hỏng một cuộc điều tra quan trọng.

Ông Haneef hiện làm việc cho một bệnh viện ở Dubai nhưng chưa loại trừ khả năng có thể trở lại Australia trong tương lai.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG