Trong tạp chí nói về những người Mỹ đã có công tạo ra những thay đổi tích cực làm thay đổi cách tư duy hoặc lối sống của chúng ta kỳ này, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ xin được giới thiệu ông Thomas Friedman, một nhà phân tích các chính sách đối ngoại, đồng thời cũng là một nhà báo đã 3 lần đoạt Giải Pulitzer và tác giả một quyển sách thuộc loại bán chạy nhất, đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất của thời đại. Mời quý vị theo dõi một số chi tiết về chân dung nhà báo Friedman qua bài tường trình của biên tập viên đài VOA Rosanne Skirble sau đây.
Ra đời vào năm 1955, ông Thomas Friedman lớn lên trong một gia đình Do Thái tại thành phố Minneapolis ở vùng Trung-Tây nước Mỹ. Ông Friedman nói ảnh hưởng to lớn nhất trong thời thiếu niên của ông là một nhà giáo dạy môn báo chí tại trường trung học mà ông đã theo học. Cô giáo này tên là Hattie Steinberg.
Ông Friedmand nói: “Cô giáo Steinberg đã gây niềm phấn khích nơi tôi đối với nghề làm báo. Lớp học của cô là lớp báo chí duy nhất mà tôi từng theo học. Cùng năm, tôi đến thăm Israel lần đầu tiên trong đời. Thế là đối với cá nhân tôi, báo chí và Israel trở thành hai nỗi đam mê dường như đã hội tụ lại cùng một lúc.”
Thời còn là một cậu bé, Friedman có tính tò mò và rất tự tin khi nói lên quan điểm của mình. Cậu viết cho tờ báo của trường trung học của mình và đã đăng một bài viết dựa trên một cuộc phỏng vấn Tướng Ariel Sharon, người sau này đã trở thành Thủ Tướng Israel.
Năm 1978, sau khi tốt nghiệp đại học và đoạt bằng cử nhân về môn Trung-Đông Học, Friedman bắt đầu sự nghiệp làm báo với Hãng Tin UPI ở London. Một năm sau, ông cộng tác với tờ The New York Times trong tư cách phóng viên tài chính, đặc biệt chuyên tường trình về ngành dầu hỏa.
Nhà báo Friedman dời sang Beirút làm việc hồi năm 1982 trong tư cách Trưởng Đại Diện cho tờ The New York Times tại thủ đô của Libăng . Sau đó, ông thuyên chuyển sang Israel và tiếp tục giữ chức Trưởng Đại Diện Báo Chí của nhật báo The New York Times tại Jerusalem, một chức vụ mà ông duy trì cho tới năm 1988. Trong khi phục vụ tại Trung Đông, nhà báo Friedman phát triển một lối viết mà ông gọi là 'viết tin gọn gàng và không bị bóp méo bởi bất cứ lăng kính nào'.
Ông giải thích lối viết tin này: “Tôi sống theo quy tắc ‘nếu anh không đi, thì anh không biết’. Chúng ta phải tận mắt chứng kiến mọi sự. Ta phải nói chuyện với người khác, lắng nghe những gì họ muốn nói. Chúng ta phải có sự tương tác như thế với người khác.”
Trở lại Hoa Kỳ vào năm 1989, ông Friedman viết một quyển sách có tựa đề: “Từ Beirút sang Jerusalem”, thuật lại kinh nghiệm về cuộc tranh chấp tại Trung Đông. Quyển sách ấy đoạt được Giải Sách Hay Của Toàn Nước Mỹ trong năm, và trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong hơn một năm. Nhà báo Friedman nói lúc đó cũng như bây giờ, ông tin rằng chiếc chìa khóa để mở cánh cửa hòa bình cho Trung Đông là việc thành lập một quốc gia Palestine.
Nhà báo Friedman nói:”Phải đi đến một giải pháp hai quốc gia, với thành phố Jerusalem được chia ra giữa các cộng đồng tôn giáo. Tất cả mọi người đều biết giải pháp cho cuộc tranh chấp đó là gì. Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào có thể huy động quyết tâm chính trị và khả năng lãnh đạo để dẫn chúng ta tới giải pháp ấy.”
Vào giữa thập niên 1990, một lần nữa trở về sinh sống tại Hoa Kỳ, nhà báo Friedman bắt đầu một cột báo ra mắt độc giả mỗi tuần hai lần bàn về các chính sách đối ngoại. Cột báo của ông giờ đây xuất hiện trên 700 nhật báo khác nhau trên thế giới, và đã giúp ông 3 lần đoạt Giải Pulitzer về các bài tường trình quốc tế .
Ông Friedman nói về nghề làm báo của ông: “Tôi có một việc làm lý thú nhất thế giới, tôi được làm một du khách có quyền tỏ thái độ. Tôi được phép đến bất cứ nơi nào tôi muốn đến, nói chuyện với bất cứ ai tôi muốn đối thoại, và viết về bất cứ đề tài gì trên tờ The New York Times. Thật là một công việc tuyệt vời!”
Ông Friedman đã viết 5 quyển sách, về những đề tài trải rộng từ cuộc tranh chấp ở Trung Đông, cho đến xu hướng toàn cầu hóa, và chủ nghĩa khủng bố.
Quyển sách mới nhất của ông mang tên ‘Hot, Flat and Crowded’, xin tạm dịch ‘Oi bức, bằng phẳng và đông đúc’ đã ra mắt độc giả hồi tháng 9 vừa qua, và trở thành sách bán chạy nhất trên danh sách sách bán chạy của tờ The New York Times.
Ông Friedman nói: “Tôi tin rằng quả địa cầu đang ấm dần lên, nó đang trở nên bằng phẳng và đông đúc. Thế giới đang nóng dần vì hiện tượng nhiệt độ địa cầu tăng, nó trở nên bằng phẳng theo cái nghĩa giới trung lưu trên khắp thế giới đang phát triển. Giới này đang tiêu thụ như người Mỹ và sản xuất theo lối người Mỹ. Họ tiêu thụ dầu hỏa, lương thực và năng lượng ở mức độ tiêu xài của người Mỹ, và cuối cùng, trái đất đang ngày càng thêm đông đúc vì dân số thế giới gia tăng.”
Lên tiếng mới đây tại Trung Tâm Nghiên Cứu Woodrow Wilson trước một cử tọa gồm các nhà khoa bảng quốc tế tại thủ đô Washington, ông Friedman kêu gọi nên mở ra cái gọi là cuộc “Cách Mạng Xanh”. Ông nói cỗ máy sẽ đưa chúng ta đến một sự chuyển biến về môi trường trên toàn thế giới sẽ là việc phát triển các công nghệ năng lượng sạch, có thể làm giảm bớt hậu quả xấu do hiện tượng tăng nhiệt địa cầu gây ra.
Nhà báo Friedman giải thích: “Nếu chúng ta muốn có một cuộc cách mạng sạch thực sự, thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là thay đổi các tín hiệu về giá cả, các quy định và tiêu chuẩn trên thị trường năng lượng. Có được những thứ đó, chúng ta sẽ khích lệ khoảng 100 ngàn nhà sáng chế làm việc trong 100 ngàn phòng thí nghiệm xanh, để thử nghiệm 100 ngàn giải pháp xanh có lợi cho môi trường. Sau đó, chúng ta sẽ có 1000 giải pháp được coi là có hứa hẹn. Và trong 1000 giải pháp hứa hẹn, sẽ có 100 giải pháp được đánh giá là có óc sáng tạo cao, trong 100 giải pháp còn lại đó, chúng ta có thể chọn ra 2 giải pháp có tiềm năng trở thành một ‘Microsoft Xanh’, và một ‘Google Xanh’ mới.
Ông Friedman muốn từ bỏ các nhà máy điện sử dụng quá nhiều vốn và thải ra các khí ô nhiễm. Ông viết rằng tương lai của loài người không nhất thiết là một cơn ác mộng, nếu chúng ta suy nghĩ ở tầm mức chiến lược về cách làm thế nào để giảm bớt những tai hại khi chúng ta làm được, thích nghi với những điều chúng ta không thể thay đổi được, và mở ra những phát minh mà bây giờ có nhiều người coi như không thể nào thực hiện được”.
Ông Friedman nói: “Trên thực tế, lập luận của tôi là với Liên Bang Xô-Viết, nước Mỹ đã từng có một cuộc “chạy đua không gian”, để xem Nước nào sẽ là nước đầu tiên đưa người lên mặt trăng. Điều mà chúng ta thực sự cần đến ngày hôm nay là một cuộc chạy đua cho quả địa cầu, chạy đua với Trung Quốc và Ấn Độ và Châu Âu để xem nước nào có thể sáng chế ra những công nghệ năng lượng sạch, cho phép tất cả mọi người chúng ta được tiếp tục sống trên quả địa cầu.”
Ông Friedman nói thêm: “Chúng ta vẫn còn đủ thời gian để làm cái công việc đó. Hãy khởi sự ngay từ bây giờ!”