Cục Quản Lý Thuốc và Thực Phẩm Hoa Kỳ đã cho ngưng nhập khẩu trên 30 thứ thuốc do Đại công ty Ranbaxy ở Ấn Độ sản xuất. Và các nước khác cũng đã bắt đầu mở các cuộc điều tra các loại dược phẩm của Ranbaxy, mặc dù viện bào chế này nói rằng tất cả các dược phẩm của họ sản xuất đều an toàn cho sức khỏe. Thông tín viên đài VOA Carol Pearson tường thuật chi tiết về vấn đề này sau đây.
Hoa Kỳ đang cấm các thứ thuốc do hai xí nghiệp ở Ấn Độ thuộc viện bào chế Ranbaxy sản xuất. Ranbaxy sản xuất các hiệu thuốc generic, tức là các phiên bản của những loại thuốc chính hiệu, và vì vậy giá rẻ hơn các loại thuốc chính hiệu. Thuốc của viện bào chế này sản xuất gồm nhiều loại - như thuốc giúp giảm cholesterol làm xơ cứng động mạch, thuốc chữa tiểu đường cùng với các loại thuốc khác.
Cục Quản Lý Thuốc và Thực Phẩm Hoa Kỳ nêu lên một trong nhiều qui định mà 2 cơ xưởng của Ranbaxy vi phạm trong quá trình sản xuất thuốc, đó là không thực hiện đầy đủ tiến trình khử trùng.
Bác sĩ Douglas Throckmorton thuộc Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ nói như sau.
Bác sĩ Throckmorton nói: "Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ cần bảo đảm là các yếu tố liên quan đến chất lượng sản phẩm của công ty này phải được giải quyết, trước khi cho phép nhập khẩu vào HK bất cứ một thứ thuốc nào khác từ 2 cơ xưởng đó."
Bác sĩ Throckmorton nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ thứ thuốc nào trong các loại thuốc bị cấm có hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên Dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ, Bart Stupak khuyên giới tiêu thụ như sau.
Dân biểu Stupak nói: "Nếu tôi là một người tiêu thụ ở Mỹ và nếu thuốc tôi dùng do viện bào chế Ranbaxy sản xuất thì tôi sẽ vứt nó đi."
Trong khi đó, công ty này nói rằng bệnh nhân nên tiếp tục dùng thuốc do họ sản xuất.
Theo bác sĩ Peter Lurie thuộc tổ chức Public Citizen, một tổ chức hoạt động bất vụ lợi phục vụ công chúng Mỹ, thì trường hợp của Viện bào chế Ranbaxy là một trường hợp điển hình về cách thức mà dược phẩm được sản xuất trong môi trường không đúng qui định, tại các nước đang phát triển, đang ngày càng gia tăng.
Bác sĩ Lurie nói: "Đây là một vấn đề quan trọng ở tầm mức quốc tế và chúng ta chỉ mới bắt đầu cuộc chiến với nó."
Trước đây trong năm nay, Viện bào chế Baxter International ở Mỹ đã phải tạm ngưng sản xuất heparin, một dược phẩm làm loãng máu và được dùng trong tiến trình lọc máu.
81 bệnh nhân đã qua đời sau khi sử dụng heparin. Viện bào chế Baxter nói rằng họ truy nguyên ra một chất làm thuốc bị nhiễm độc do một xí nghiệp ở Trung Quốc sản xuất.
Vấn đề kiểm phẩm chỉ là một trong các cáo giác nhắm vào Viện bào chế Ranbaxy.
Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ nói rằng công ty này còn bán các thứ thuốc giả hoặc các thứ thuốc phiên bản của 1 loại thuốc chữa HIV cho các bệnh nhân ở châu Phi. Các loại thuốc này được mua bằng tiền do Hoa Kỳ viện trợ, nằm trong khuôn khổ của Kế Hoạch Khẩn cấp của Tổng Thống Cứu trợ bệnh nhân bệnh AIDS.
Các quốc gia khác cũng đang duyệt xét lại phương thức sản xuất thuốc của Viện bào chế Ranbaxy.
Đọc nhiều nhất
1