Đường dẫn truy cập

Chó giúp người khuyết tật


Trong loạt bài viết về những nhân vật nổi bật của Mỹ đã tạo được sự biến chuyển trong lối suy nghĩ, sống và hành động, Câu chuyện phụ nữ kỳ này giới thiệu bà Bonnie Bergin, người đi tiên phong trong khái niệm dùng loài chó để giúp cho những người bị khuyết tật, dựa theo bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Mike O’Sullivan gửi về từ Santa Rosa, California.

Vào thập niên 1970, bà Bonnie Bergin nguyên quán ở California và chồng là Jim, đang sinh sống ở Australia và đã làm giáo viên Anh ngữ một năm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng đã đi nhiều nước ở châu Á. Bà Bergin nhận thấy rằng tại các nước đang phát triển, những người bị khuyết tật đã dùng những súc vật như lừa để giúp đỡ họ khi họ phải đi bộ và chở đồ đạc. Biết được những con chó dẫn đường có thể giúp người khiếm thị như thế nào, bà Bergin nghĩ rằng những người bị khuyết tật nặng ở Hoa Kỳ có thể sử dụng chó để giúp trong các công việc hàng ngày. Trở về nhà ở California, trong khi theo họ về giáo dục đặc biệt tại trường đại học tiểu bang ở Sonoma, bà đã theo đuổi ý tưởng đó.

Bà Bergin nói: "Tôi đến gặp những người huấn luyện chó, những người biết rất nhiều về việc huấn luyện và họ cũng nói như thế. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi cũng được bảo là đó là một ý tưởng không hay. Nhưng tôi đã không chịu từ bỏ ý định.”

Khi bà Bergin gặp một người phụ nữ bị khuyết tật nặng tên là Kerry Knaus, thì hai bà quyết định thực hiện ý định. Họ bắt đầu với một chú chó tha mồi lai giống Labrador và Golden tên là Abdul.

Bà Bergin nói: "Bà Kerry đi một chiếc xe lăn chạy bằng điện, và bà là một người sinh động nhất mà tôi đã từng gặp. Và thế là giữa công việc mà chú khuyển này làm, công việc mà bà ấy làm, và công việc mà tôi làm, chúng tôi đã sáng tạo ra khái niệm này. Tôi sẽ hỏi bà ấy rằng bà ấy muốn gì. Hãy cho tôi biết bà ấy muốn chú khuyển làm gì. Và đừng đặt ra giới hạn nào cả, bởi vì tôi không biết những gì có thể làm được, bà ấy cũng không biết, nhưng hãy cứ cho tôi biết các nhu cầu của bà ấy.”

Chú khuyển Abdul đã học mở cửa và đóng cửa. Bật và tắt đèn, mở và đóng tủ lạnh, và dùng mõm để nhặt các đồ vật dưới đất.

Abdul là con chó đầu tiên trong hàng ngàn con chó được huấn luyện để làm việc với những người bị khuyết tật. Tại thành phố Santa Rosa, phía bắc San Francisco, bà Bergin và nhân viên của bà huấn luyện những con chó, tại một trường đại học chuyên khoa nhỏ có tên là trường đại học Bergin chuyên khảo cứu về loài khuyển, họ huấn luyện những người muốn đưa loại chó dịch vụ này đến với cộng đồng của họ.

Bà Bergin nói rằng điều quan trọng là tìm ra con chó thích hợp với công việc. Bà thích loại chó tha mồi giống Golden và Labrador và bà đã tinh lọc các phương pháp tuyển chọn của bà trong nhiều năm. Bà chọn các con chó tùy theo cá tính của chúng.

Bà Bergin nói: "Chúng tôi chọn những con chó có tính trẻ con hơn, thích nghĩ ra hay làm những thứ mà cha hay mẹ muốn. Và đó thường là loại chó tha mồi thuộc nòi Golden hay Labrador. Và rồi chúng tôi không thể chọn những giống chó săn bởi vì loại chó này thường hay ăn con mồi. Nếu nhìn thấy một con mèo hay một con sóc thì chúng sẽ chạy theo, như thế là làm hại cho người bị khuyết tật.”

Bà Bergin nói rằng người và chó là bạn đồng hành tự nhiên và sợi dây liên hệ giữa người và chó đã có từ xưa đến nay.

Bà Bergin nói: "Thực vậy, tôi nghĩ rằng chính vì thế mà chó là chó. Chúng là những con chó săn và qua thời gian đã được thuần hóa dần thành giống chó mà chúng ta có bởi vì chúng có ích và có mục đích và chúng làm việc với sự hợp tác của các bộ tộc và nhóm người mà chúng tiếp xúc với.”

Chương trình huấn luyện nhiều tháng bắt đầu khi những con chó này còn rất nhỏ. Cuối cùng chúng học được cách tuân theo 90 khẩu lệnh và được dậy cách nhận ra những dấu hiệu được in ra – tức là một hình thức biết đọc đơn giản.

Bà Bergin nói: “Những con chó này biết làm rất nhiều thứ. Giới hạn của chúng là con người và sự bất khả năng của con người nhìn ra được những gì chúng có thể làm được, và dậy cho chúng.”

Bà Bergin sẽ không sử dụng những phương pháp mà chó không thích, những phương pháp dựa vào kỷ luật khắt khe và đau đớn, mà nhiều người huấn luyện chó thường làm. Bà tin rằng chó phải được dậy như trẻ em, tạo ra một sự liên hệ giữa người và chó.

Bà nói rằng mối liên hệ đó cũng đem lại một lợi ích nữa cho những người bị khuyết tật.

Bà Bergin nói: “Những người bị khuyết tật thường không được để ý tới. Mọi người thường ra phố và khi nhìn thấy người nào ngồi trong xe lăn thì họ thường không để mắt đến, không chú ý đến họ, không nói chuyện với họ. Nhưng nếu người đó có con chó đi theo thì sẽ được chú ý đến ngay. Sự chú ý đó sẽ giúp những người bị khuyết tật hòa nhập vào xã hội chính mạch.”

Bà Bergin cho rằng chó trở thành phò tá và bạn tốt của người bị khuyết tật.

Bà Bergin nói: "Thực là kỳ diệu. Khi nhìn thấy tác dụng của nó thì thật là kỳ diệu.”

Ngày nay, phong trào dùng chó phụ tá đang lan rộng, được tổ chức của bà Bergin và các tổ chức tương tự quảng bá. Những người tốt nghiệp Học Viện Khuyển Phò tá của bà đang làm việc tại các nước từ Nhật Bản tới Đức quốc, và bà Bonnie Bergin hy vọng nhìn thấy các tổ chức địa phương huấn luyện chó phò tá tại các cộng đồng trên toàn thế giới.









Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG