Một nửa trong số tất cả những người tiêm chích ma túy ở Thái Lan bị coi là nhiễm HIV dương tính. Tuy nhiên, những người hoạt động về bệnh AIDS nói rằng cuộc chiến chống sử dụng ma túy bất hợp pháp của nước này và sự phân biệt đối xử những người dùng ma túy gây khó khăn hơn cho nhiều người trong việc được điều trị để cứu mạng sống. Từ Bangkok, thông tín viên của VOA Aaron Goodman ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.
Thái Lan đã được ca ngợi là nước lãnh đạo toàn cầu trong việc cắt giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV tới gần 80 phần trăm kể từ năm 1991. Ngoài một chương trình rất tích cực khích lệ việc sử dụng bao cao su và ngăn cản các hành vi nhiều rủi ro có thể khiến mọi người có tiếp xúc với virut gây bệnh AIDS, chính phủ còn cung cấp miễn phí trị liệu chống virut, còn gọi tắt là ART.
Hơn 180,000 người bị nhiễm HIV đã nhận được liệu pháp này. Nhưng người ta cho rằng có tới phân nửa trong số từ 100,000 đến 250,000 người tiêm chích ma túy ở Thái Lan bị nhiễm HIV dương tính, và một số người hoạt động về bệnh AIDS nói rằng chính phủ đã không có mấy biện pháp để giúp đỡ họ.
Các tổ chức nhân quyền cho biết trong năm 2003, gần 3,000 người bị nghi là sử dụng ma túy và buôn bán ma túy đã chết trong những vụ giết người phi pháp trong cuộc chiến chống sử dụng ma túy bất hợp pháp của chính phủ Thái Lan. Một số con nghiện đã đi trốn và không có kim chích sạch hay dịch vụ hợp vệ sinh, nhiều người đã bị nhiễm HIV.
Tổ chức Human Rights Watch và nhóm Hành động Chữa trị bệnh AIDS của Thái Lan nói rằng những người sử dụng ma túy có HIV dương tính thường bị từ chối không được cấp ART tại các bệnh viện công cộng. Bà Karyn Kaplan là giám đốc chính sách và phát triển của tổ chức Hành động Chữa trị bệnh AIDS của Thái Lan.
Bà Kaplan nói: “Những người sử dụng ma túy mà chúng tôi làm việc với, nhiều người tiêm chích, gần như tất cả đều có HIV dương tính, vậy mà không có người nào tiếp cận được các dịch vụ mà họ cần đến. Đó là bởi vì chính phủ đã không quan tâm đến vấn đề những người tiêm chích ma túy và HIV mặc dù dịch bệnh này đã tác hại 20 năm nay trong cộng đồng này.”
Những người hoạt động cho nhân quyền cũng nói rằng các cơ quan cung cấp chăm sóc y tế thường chia sẻ hồ sơ bệnh lý với cảnh sát, khiến cho những người sử dụng ma túy không muốn đi tìm sự chữa trị. Và những người nghiền heroin tìm cách chữa trị bằng methadone để cai nghiện cho biết họ thường bị cảnh sát sách nhiễu hoặc bắt bớ. Một bệnh nhân nhiễm HIV ở Mit Sampan, một trung tâm cai nghiện tại Bangkok nói rằng được chữa trị bằng thuốc chống virut thực là một vấn đề khó khăn cho anh ta.
Người này cho biết khi anh ta nói với một viên y tá là anh ta bị nhiễm trùng vì sử dụng kim chích dơ để tiêm thuốc, thì anh ta không được cấp ART. Anh ta nói rằng nhân viên y tế cho biết anh ta phải ngưng sử dụng methadone. Phải cố gắng đến 5 lần anh ta mới được chữa trị khi tìm ra được một bác sĩ nói rằng anh ta có thể sử dụng methadone đồng thời với ART.
Bác sĩ Petchsri Sirinirund là một chuyên gia kỳ cựu về y tế phòng ngừa tại Cục kiểm soát Dịch bệnh của Thái Lan. Bà cho biết những người sử dụng ma túy có HIV dương tính được chữa trị theo chương trình ART dành cho tất cả mọi người tại Thái Lan. Bà cũng nêu ra rằng Sở An toàn Y tế toàn quốc sẽ bắt đầu việc chữa trị bằng methadone được sự tài trợ công khai cho những người nghiền ma túy vào năm tới.
Bác sĩ Petchsri Sirinirund không phủ nhận sự kiện một số cơ quan cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế vẫn từ chối những người sử dụng ma túy có HIV dương tính. Nhưng bà nói rằng chính phủ đã chấp thuận các chương trình để đào tạo nhân viên chữa trị cho các bệnh nhân đó.
Bác sĩ Sirinirund nói: “Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với những người trong mạng lưới HIV để tìm cách cứu xét vấn đề của những người nhiễm HIV, những gì họ cần chúng tôi cải tiến. Nhân viên của chúng tôi phải thông cảm và cũng có một thái độ tích cực đối với họ.”
Ông Paisan Suwannavong là giám đốc tổ chức Hành động Chữa trị bệnh AIDS của Thái Lan. Ông cho rằng chính phủ cần phải có nhiều biện pháp hơn, bởi vì nhiều người vẫn còn chưa nhận được sự chữa trị.
Ông Paisan cho biết ông cảm thấy bực tức khi phải nhìn thấy bạn bè của mình mỗi ngày bị đau yếu và thiếu thốn các dịch vụ mà họ đáng được hưởng. Ông nói rằng chính phủ vẫn nói là họ đối xử với những người sử dụng ma túy như các con bệnh chứ không phải các tội phạm, nhưng đồng thời lại mở cuộc chiến chống người nghiện ngập, sử dụng các chính sách chiến tranh ma túy như những phương tiện để trục lợi chính trị.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng muốn giúp đỡ tất cả các bệnh nhân nhiễm HIV, chính phủ phải chấm dứt những hành động vi phạm nhân quyền đối với những người sử dụng ma túy. Họ cũng nói rằng chính phủ phải có hành động nhằm xóa bỏ thành kiến đối với những người sử dụng ma túy.