Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 100 năm thành lập FBI


Thứ Bảy, 26 tháng 7, là ngày kỷ niệm 100 năm thành lập của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ. Vào lúc mới thành lập, cơ quan này chỉ có 34 điều tra viên nhưng bây giờ là một bộ máy khổng lồ với 13,000 điều tra viên đặc biệt, cộng với 23,000 người đứng sau lưng để yểm trợ. Dịp này Thông Tín Viên Gary Thomas giới thiệu đến quí vị cơ quan thi hành công lực danh tiếng nhất của Hoa Kỳ.

Vào lúc ra đời năm 1908, cơ quan này chỉ mang tên Cục Điều tra, chứ chưa có chữ Liên bang phía sau, và lúc bấy giờ chỉ là một bộ phận lu mờ, ít được người ta biết đến, và trực thuộc Bộ Tư pháp.

Thế rồi 16 năm sau đó, vào năm 1924, một người đàn ông 26 tuổi tên là J. Edgar Hoover được chọn làm người đứng đầu cơ quan. Ông Hoover bắt đầu tổ chức lại để loại bỏ những chuyện tai tiếng của cơ quan, từ chuyện tham nhũng đến chuyện bè phái chính trị.

Ông John Fox, nhà sử học chính thức của FBI, nói: “Ông ấy dành hết thời giờ để cải tổ cơ quan, biến công việc thi hành công lực của chính phủ liên bang thành một cái nghề, thay vì là một chức vụ chính trị.”

Dưới thời kỳ cầm quân của ông Hoover, hay là dưới triều đại Hoover, cơ quan đã thêm chữ Liên bang vào phía sau để trở thành Cục Điều tra Liên bang, hay FBI. Dần dần, FBI đã trở thành một cơ quan nổi tiếng với nhiều vụ điều tra hình sự gay cấn, kết hợp giữa óc quan sát, suy luận, kỹ thuật chuyên môn, và giảo nghiệm y khoa.

FBI đã phá nhiều vụ án nghiêm trọng, truy tầm những tay anh chị lặn thật sâu để trốn tránh luật pháp, trong đó có tay cướp ngân hàng John Dillinger, đã bị nhân viên FBI bắn gục trước một nhà hát ở Chicago vào năm 1934.

Nhưng có lẽ uy tín của FBI được đặt vào tính cách chuyên môn, không khoan nhượng, và không bị mua chuộc.

Giám Đốc Hoover còn làm tăng thêm uy tín của FBI trong giới báo chí, và trong đầu óc của quần chúng, đến cái độ cơ quan này nhiều khi đã trở thành một huyền thoại.

Cho đến tận bây giờ, nhiều nhân viên vẫn còn nhắc đến ông Hoover một cách kính nể, cho dù họ chưa bao giờ phục vụ dưới quyền ông.

Stan Pimentel, một nhân viên FBI đã về hưu nói: “Ông Hoover chịu trách nhiệm trước Quốc Hội. Ông ấy chịu trách nhiệm trước Bộ Trưởng Tư pháp. Nhưng trong thực tế, có thể nói ông ta là hiện thân của FBI. Quyền hạn của ông ấy rất lớn, và ông có thể làm hầu hết những gì ông muốn.”

Trong điều kiện làm việc khép kín, FBI cũng không tránh khỏi những vụ tranh cãi, ví dụ như cách đây không lâu, sử dụng thiết bị điện tử để nghe lén; hoặc trong thập niên 1960, cài người vào các tổ chức dân sự để theo dõi hoặc gây rối, kể cả tổ chức tranh đấu dân quyền của cố Mục sư Martin Luther King, Jr.

Theo lời ông Ed Miller, 85 tuổi, cựu Trưởng Ban Tình báo Quốc nội của FBI, Giám đốc Hoover chú ý đến vấn đề dân quyền của người Mỹ, nhưng ông cũng lo ngại các nhóm tranh đấu dân quyền lúc bấy giờ có thể bị cộng sản hoặc các tổ chức chống chiến tranh xâm nhập.

Vẫn theo lời ông Miller, cựu Trưởng Ban Tình báo Quốc nội của FBI, Giám đốc Hoover không có thù oán cá nhân gì với Mục sư King, nhưng ông chỉ không thích khi nhận được báo báo về những vụ ngoại tình của Mục sư King.

Ông Ed Miller nói: “Giám đốc Hoover bận tâm về Mục sư King, không phải vì ông ta không ưa ông King, nhưng vì những thông tin liên quan đến vấn đề đạo đức của ông King.”

Sau khi Giám Đốc Hoover qua đời năm 1972, FBI cởi mở hơn với thế giới bên ngoài và báo cáo nhiều hơn cho Quốc Hội.

Ông Hoover không còn đó để chứng kiến những ngày đau buồn của FBI, ví dụ như ngày mà tòa án kết tội ông Robert Hanssen, một nhân viên điều tra của FBI làm gián điệp cho chính phủ Nga.

Các nhân viên FBI ngày nay được đào tạo chuyên nghiệp hơn thời ông Hoover, và từ khi bước sang thế kỷ thứ 21, FBI chú trọng nhiều hơn đến những vi phạm về an ninh quốc gia, nhất là các hoạt động chống khủng bố.

Ông John Fox, sử gia chính thức của FBI nói rằng qua những sai sót của FBI dưới triều đại Hoover, các nhân viên điều tra bây giờ học được bài học rõ ràng là phải vừa bảo vệ sinh mạng, vừa bảo vệ an ninh, vừa bảo vệ dân quyền.

Ông Fox nói: “Giám đốc Hoover để lại cho chúng tôi một vài dấu hiệu cảnh báo, chỉ cho chúng tôi thấy những chỗ chúng tôi có thể phạm sai lầm, những chỗ mà chúng tôi cần cảnh giác để có thể vừa bảo vệ quyền tự do của công dân, và bảo đảm an ninh cho họ. Tôi cho rằng đó là di sản của ông Hoover, và là một di sản tốt để nhớ.”


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG