Việt Nam dự trù tăng cường các quan hệ thương mại và vận tải với nước láng giềng Trung Quốc qua việc nâng cấp một xa lộ chính và một hải cảng ở miền bắc từ nay tới năm 2020 theo một kế hoạch trị giá nhiều tỷ đô la được đưa ra hôm thứ Năm.
Tin của AFP được hệ thống tin AsiaOne News loan tải cho hay hành lang kinh tế mới này là một phần của một mạng lưới đường xá đang được xây dựng, trong đó có nhiều phần được Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tài trợ, nối liền Trung Quốc với các nước trong khu vực, gồm cả Miến Điện, Thái Lan, Lào và Kampuchea.
Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quyết định liên quan tới kế hoạch xây cất một tuyến đường cao tốc 6 làn xe trị giá 1 tỷ 400 triệu đô la chạy từ Hà Nội tới tỉnh Lạng Sơn ở biên giới để nối liền với một xa lộ chạy tới Nam Ninh trong tỉnh Quảng Châu. Kế hoạch này, một phần của sáng kiến Việt-Trung mang tên 'Hai Hành Lang, Một Vành Đai Kinh Tế', đã được chấp thuận từ năm 2005.
Với sự tài trợ của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Việt Nam hiện đang nâng cấp các tuyến xa lộ và đường sắt tới thị trấn Lào Cai ở biên giới phía tây bắc để có thể gia tốc việc vận chuyển hành khách và hàng hóa tới Côn Minh trong tỉnh Vân Nam ở nam bộ Trung Quốc.
Việt Nam cũng dự trù xây một cảng nước sâu ở Hải Phòng để nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển lên 25 triệu tấn vào năm 2010 và 40 triệu tấn vào năm 2020. Năm nay Việt Nam cũng đang tiến hành việc xây cất một tuyến đường cao tốc 6 lằn xe giữa Hà Nội và Hải Phòng được loan báo trong những kế hoạch trước đây. Một trục lộ dài 114 ki-lô-mét cũng sẽ được xây cất để nối sân bay quốc tế Nội Bài với thành phố cảng Hạ Long.
Những kế hoạch này cho thấy Việt Nam và Trung Quốc đã coi trọng những quan hệ kinh tế trước một dĩ vãng đầy khó khăn giữa hai nước, trong có chuyện Trung Quôc đô hộ Việt Nam cả ngàn năm, tiếp theo sau là những vụ xâm chiếm rồi dành độc lập diễn ra qua nhiều thế kỷ. Hai nước đã giao tranh với nhau trong cuộc chiến tranh biên giới gần đây nhất vào năm 1979.
Một cuộc tranh chấp lãnh thổ về các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong biển Đông vẫn còn đang âm ỉ, và công tác cắm mốc ranh giới trên bộ vẫn chưa hoàn tất. Dù có một dĩ vãng như vậy, hai nước cùng hy vọng những hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn sẽ giúp cho vùng nam bộ của Trung Quốc có thêm những trục lộ để có thể tiếp giáp với các đường biển, đồng thời giúp vùng đồi núi nghèo nàn phía Bắc Việt Nam phát triển kinh tế.
Theo những kế hoạch mới được loan báo này, hai nước sẽ có 3 cặp cửa khẩu quốc tế, 4 cặp cửa khẩu chính và 13 cặp chợ biên giới và khu hợp tác kinh tế tại Lạng Sơn ở Việt Nam.