Các nhà khoa học ở Australia vừa tìm ra một phương pháp mới có thể dùng
để chống lại bệnh sốt rét bằng cách xác định những chất protein giúp
cho vi trùng sốt rét cưỡng chiếm hồng huyết cầu. Từ Sydney, thông tín
viên Phil Mercer của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết sau
đây.
Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu y học Walter và
Eliza Hall ở Melbourne tin rằng khám phá của họ là một sự bứt phá quan
trọng trong cuộc chiến chống sốt rét, một chứng bệnh giết chết khoảng
3 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Họ đã nhận diện một cơ chế giúp cho các tế bào hồng huyết cầu bị nhiễm sốt rét dính vào thành mạch máu.
Vi
trùng sốt rét tiết ra một chất giống như keo khiến cho các tế bào có
tính dính chặt, sau đó, chúng làm cho các tế bào này không đi qua lá
lách, là nơi mà các loại vi trùng có thể bị tiêu diệt bởi hệ thống
miễn nhiễm.
Nhờ vào việc xét nghiệm gien của vi trùng sốt rét,
các khoa học gia Australia nhận dạng được 8 loại protein làm cho vi
trùng này 'dính' vào thành của tế bào hồng huyết cầu bị nhiễm bệnh.
Việc loại bỏ một trong các chất protein vừa kể sẽ ngăn không cho tế bào
bám vào thành mạch máu.
Giáo sư Alan Cowman, một thành viên của
toán nghiên cứu ở Melbourne, nói rằng khám phá này có thể trở thành một
loại vũ khí lợi hại để chống bệnh sốt rét.
GS Cowman nói: "Tính
chất dính chặt này có một vai trò quan trọng. Đó là một quá trình quan
trọng trong việc gây ra bệnh sốt rét và nếu chúng ta dùng thuốc men để
nhắm tấn công những protein đó, hay tốt hơn nữa là chúng ta ngăn chận
chúng bằng vắc xin, thì chúng ta có thể ngăn chận chức năng của chúng
và do đó loại bỏ tính chất dính chặt của các tế bào hồng huyết cầu bị
nhiễm sốt rét. Nếu chúng ta loại bỏ tính chất dính chặt đó thì trên cơ
bản là chúng ta có thể loại trừ được tính chất độc hại hoặc khả năng
gây bệnh của loại ký sinh trùng này."
Mỗi năm, có từ 350 đến 500
triệu người trên thế giới nhiễm bệnh sốt rét do muỗi lan truyền. Hầu
hết các nạn nhân là người ở Á Châu, Phi Châu và một số đảo quốc trong
vùng Nam Thái Bình Dương.