Đường dẫn truy cập

Các nhà hoạt động kêu gọi chận đứng bóc lột sức lao động ở Châu Á


Một tháng trước Thế Vận Hội Bắc Kinh, các thành viên công đoàn và giới hoạt động tích cực bênh vực quyền của người lao động đang tiếp tục tăng sức ép đối với các hãng sản xuất quần áo thể thao đòi họ phải cải thiện điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp này. Giới hoạt động tích cực kêu gọi các công ty toàn cầu và Ủy Ban Olympic Quốc Tế hãy tiếp tay với họ để chận đứng các hành động bóc lột sức lao động, hiện vẫn còn lan tràn khắp Châu Á. Thông tín viên đài VOA Claudia Blume gửi về bài tường trình chi tiết sau đây từ Hong Kong.

Phần lớn quần áo thể thao trên thế giới đều được sản xuất tại Châu Á, nơi mà ngành công nghiệp may mặc thể thao cần đến sức lao động của hàng trăm ngàn công nhân. Các nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu thu về hàng tỉ đôla tiền lợi nhuận mỗi năm, từ giầy thể thao đến các loại quần áo sản xuất với chi phí thấp tại các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.

Giới bênh vực người lao động nói chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ nhoi trong số lợi nhuận cực kỳ lớn đó, được nhỏ giọt xuống cho những người đã bỏ sức lao động của họ ra để làm ra những sản phẩm ấy. Lương bổng duy trì ở mức thấp, bất kể tỷ lệ lạm phát cao trong khu vực. Ông Neil Kearney, Tổng Thư Ký Liên Đoàn Vải Sợi, Hàng May Mặc và Đồ Da, nói rằng tại Châu Á, các công nhân phục vụ trong ngành sản xuất đồ thể thao không có một mức lương khả dĩ đủ sống.

Ông Kearney nói: "Hồi tuần trước các công nhân tại Việt Nam nói với tôi rằng một gia đình gồm vợ chồng và 3 đứa con cần có 4 triệu đồng, vào khoảng 240 đôla, chỉ để xoay sở đủ sống. Thế mà người phụ nữ nói chuyện với tôi chỉ mang về có 1 triệu đồng, tức là 60 đôla. Nếu bà làm việc từ 60 đến 80 tiếng một tuần, và người chồng cũng thế, thì mức thu nhập tối đa mà cặp vợ chồng này có thể mang về chỉ lên tới 3 triệu đồng, tức là độ 180 đôla, 25% thấp hơn mức lương tối thiểu chỉ đủ sống."

Một số quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc, không có công đoàn độc lập để tăng sức ép và đòi tăng lương cho công nhân. Ngay cả tại các nước nơi công đoàn được phép hoạt động, như Campuchia, thì các công đoàn đó cũng không có bao nhiêu quyền lực.

Ông Ath Thorn là Chủ Tịch của Liên Đoàn Lao Động Campuchia. Ông nói tổ chức của ông không có sự lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận mức lương tối thiểu là 50 đôla một tháng do chính phủ và các nhà sản xuất ấn định, mặc dù tỷ lệ lạm phát cao tại nước này khiến cho giới công nhân hết sức chật vật với mức lương ít ỏi đó.

Ông Thorn nói: "Chính phủ nói họ không muốn tăng lương cao hơn bởi vì nếu so sánh với các nước trong khu vực, thì mức lương bổng ở Campuchia phải là mức tối thiểu. Họ lo sợ giới chủ nhân sẽ không đầu tư vào Campuchia."

Bà Kristin Blom, một giới chức thuộc Liên Đoàn Lao Động Quốc Tế, gọi tắt là ITUC, nói mức lương thấp chỉ là một trong những vấn đề mà công nhân ngành sản xuất giầy dép và quần áo thể thao phải đối phó.

Bà Blom giải thích thêm: "Chúng ta thấy ngày làm việc của công nhân rất dài, nhiều người phải làm giờ phụ trội. Chúng ta đang nói đến 260 giờ làm việc mỗi tháng, 6 ngày một tuần, 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Như thế là quá nhiều, thế nhưng đó là chuyện bình thường đối với công nhân tại một số nước."

Bà Blom nói điều thường xuyên xảy ra là người công nhân không được trả thêm tiền cho những giờ làm việc phụ trội. Những vấn đề khác gồm có các điều kiện làm việc hết sức tệ hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân.

Tuy vậy, các nhà hoạt động tích cực nói đã có một số tiến bộ trong mấy năm gần đây. Đa số các công ty sản xuất hàng may mặc toàn cầu mướn các hãng độc lập để sản xuất hàng hoá cho họ, điều đó có nghĩa là các công ty không trực tiếp kiểm soát các điều kiện làm việc của công nhân. Tuy nhiên, do sức ép của giới hoạt động tích cực bênh vực quyền người lao động và áp lực của giới tiêu thụ, một số nhãn hiệu hàng may mặc thể thao nổi tiếng thế giới đã tìm cách cải thiện điều kiện làm việc tại các hãng xưởng được họ thuê mướn để sản xuất hàng hóa cho họ.

Bà Caitlin Morris, người đặc trách các chương trình trách nhiệm xã hội của công ty NIKE, chuyên sản xuất đồ thể thao, nói công ty của bà đang tìm cách tạo điều kiện cho những thay đổi tại các hãng may mặc được công ty NIKE mướn.

Bà Morris nói tiếp: "Đối với chúng tôi, một trong những trọng tâm là chuyển từ chức năng để các xưởng sản xuất chỉ tuân thủ mà thôi, sang làm cách nào để xây dựng khả năng với họ. Đặc biệt là làm thế nào để xây dựng các hệ thống quản trị nhân viên khả dĩ có thể thay đổi tương quan giữa ban quản trị với giới công nhân, để ban quản trị các hãng xưởng thực sự bắt đầu coi lao động như một tài sản của công ty, thay vì là một thứ hàng hóa."

Giới bênh vực quyền người lao động cho hay các công ty sản xuất hàng may mặc giờ đây đã nhận thức rõ hơn về nhu cầu cần cải thiện các điều kiện làm việc. Tuy nhiên, theo họ thì chỉ có một số các nhãn hiệu danh tiếng hàng đầu mới có hành động. Để thay đổi tình huống này, Liên Đoàn Lao Động Quốc Tế và các tổ chức bênh vực quyền người lao động khác đã gặp các nhà sản xuất đồ thể thao toàn cầu tại Hong Kong mới đây để thảo luận về những gì mà họ có thể thực hiện.

Giới hoạt động tích cực nói một ví dụ là các công ty toàn cầu có thể hiệp lực với nhau để tăng sức ép đối với các chủ nhân hãng xưởng, trong bối cảnh rất nhiều hãng xưởng cung cấp sản phẩm của họ cho nhiều công ty khác nhau.

Giới hoạt động tích cực lưu ý rằng kỹ nghệ hàng may mặc thể thao là một kỹ nghệ trọng điểm của Thế Vận Olympic. Các công ty có nhãn hiệu toàn cầu chi ra hàng triệu đôla để bảo trợ và được phép liên kết với diễn biến thể thao trọng đại nhất thế giới này. Chiến dịch được đặt tên là Play Fair, tức 'Luật Chơi Công Bằng', là một chiến dịch do các công đoàn quốc tế và các tổ chức lao động khác phát động. Chiến dịch Play Fair kêu gọi các công ty sản xuất đồ may mặc thể thao và Ủy Ban Olympic Quốc Tế hãy hành động để giúp đỡ giới công nhân lao động.

Bà Kristin Blom thuộc Liên Đoàn Lao Động Quốc Tế giải thích: "Điều mà chúng tôi muốn thấy xảy ra nhất là Ủy Ban Olympic Quốc Tế nêu lên những vấn đề như thế trong các hợp đồng mà họ sử dụng đối với thành phố đăng cai Thế Vận Hội, và đồng thời với tất cả các hệ thống cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm cho Thế Vận Hội. Các hợp đồng ấy không hề đề cập đến các điều kiện lao động và đó chính là điều mà chúng tôi muốn thấy thay đổi."

Chiến dịch 'Play Fair' ra đời cách đây 4 năm trước khi diễn ra Thế Vận Hội Athene, tuy nhiên theo bà Blom thì cho tới nay chiến dịch này đã không đạt được bao nhiêu kết quả. Ủy Ban Olympic Thế Giới nói họ chỉ xét tới vấn đề này cho Thế Vận Hội mùa hè năm 2016.

Hồi năm ngoái, một phúc trình do Chiến Dịch Play Fair tung ra, đã tố cáo một số hãng xưởng sản xuất các mặt hàng Olympic ở Trung Quốc đã không tuân thủ luật lao động, khi mướn một số trẻ em vào làm việc, hoặc trả lương cho công nhân dưới mức tối thiểu. Phúc trình này đã thu hút được sự chú ý của giới truyền thông và buộc Ban Tổ Chức Thế Vận Hội Bắc Kinh tiến hành điều tra các công ty liên hệ.

Kết quả là giấp phép sản xuất các hàng hóa Olympic của ít nhất một công ty đã bị tạm thu hồi. Tuy vậy, những người cổ võ cho Chiến Dịch Play Fair nói rằng ban tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh đã chẳng buồn điều tra hoạt động của các hãng xưởng khác cũng sản xuất hàng Olympic và đồ thể thao ở Trung Quốc mà th eo lời họ, có thể cũng có những vi phạm tương tự.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG