Đường dẫn truy cập

Giá trị xã hội của các nước qua việc tài trợ cho đoàn thể thao đi dự Olympic


Đưa đoàn thể thao quốc gia đi tranh tài Olympic là một việc làm rất tốn kém suốt từ khâu chuẩn bị trước đó nhiều năm cho đến khi các tuyển thủ thực sự ra sân thi thố tài năng và những hoạt động tiếp theo sau đó. Trong Mục thể thao kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu về những cách thức mà một số quốc gia tài trợ cho đội tuyển của họ để đi tranh huy chương Olympic. Bài này dựa theo tường trình của thông tín viên Brian Padden của Đài VOA trong loạt bài nói về Olympic.

Hơn 10,000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung về đại hội thể thao lớn nhất hành tinh vào tháng 8 này tại Bắc Kinh để tranh những chiếc huy chương Olympic. Mọi vận động viên đều có chung một ước mơ – đó là huy chương vàng. Thế nhưng cơ hội và điều kiện để biến những giấc mơ đó thành sự thật thì hoàn toàn khác nhau. Việc đào tạo và huấn luyện các vận động viên rất tốn kém, do đó thực tế là vận động viên của các nước giàu có nhiều cơ hội và điều kiện để tiến đến những chiếc huy chương nhiều hơn là ở các nước nghèo. Cách thức mà một nước tài trợ cho chương trình Olympic không những là một yếu tố giúp mang lại sự thành công tại Olympic mà nó còn phản ảnh những giá trị xã hội và chính trị của quốc gia đó.

Tại một số nước, quân đội đảm nhận trách nhiệm chăm lo và thực hiện các chương trình Olympic. Lấy ví dụ tại Pakistan, các lực lượng quân sự thường giữa một vai trò quan trọng trong xã hội. Anh Sadig Umeri một binh sĩ đang phục vụ trong quân đội Pakistan và là nhà vô địch quốc gia môn bắn súng trường. Anh cho biết cảm tưởng khi được đại diện cho đất nước để đi tranh tại Olympic.

Anh Sadig nói rằng anh rất hãnh diện khi được chọn vào đội tuyển Olympic quốc gia. Anh nói việc đoạt huy chương không phải là mục tiêu tối hậu của anh, mà điều đó chỉ là sự may rủi, tuy nhiên anh sẽ phấn đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của đất nước.

Còn tại Kenya thì các chương trình Olympic được chính phủ tài trợ hoàn toàn. Hiệp hội Vận động viên Kenya cho biết ngân sách của họ hiện nay có 1,5 triệu đôla, và họ dự trù sẽ gởi 80 vận động viên đến Olympic Bắc Kinh.

Một trong những hy vọng huy chương vàng của Kenya là Robert Cheruiyot, người đã 4 lần vô địch giải Marathon Boston.

Robert Cheruiyot nói rằng trên đường chạy lúc nào anh cũng nghe tiếng quốc ca Kenya vang lên trong tâm trí anh, và khi anh tập luyện anh cũng luôn nghe bản quốc ca vang bên tai.

Mặc dù rất hãnh diện khi thi đấu cho màu cờ sắc áo của tổ quốc, Cheruiyot cho biết anh chưa nhận được một đồng tài trợ nào của chính phủ. Theo ông David Wallechinsky, tác giả của nhiều cuốn sách nói về Olympic, thì chương trình Olympic tại nhiều nước được quản lý rất yếu kém.

Ông Wallechinsky nói rằng vấn đề cũng giống như mọi thứ khác, đó là khi giao trách nhiệm cho chính phủ thì chắc chắn sẽ xảy ra tham nhũng ở mức độ nào đó. Theo ông Wallechinsky thì các quan chức chính phủ ở nhiều nước thường 'bỏ túi' phần lớn ngân khoản dành cho Olympic, và không còn bao nhiêu tiền thực sự đến được với các vận động viên. Ông nói không phải tất cả các nước đều như vậy, nhưng đó là một hiện tượng khá phổ biến.

Vào lúc cao độ của Cuộc chiến tranh Lạnh, các vận động viên của Liên Xô cũ phải phụ thuộc hoàn toàn vào tiền của chính phủ. Ngày nay Nga đã đi theo đường hướng kinh tế thị trường, các chương trình Olympic nhận một phần tài trợ của ngân sách chính phủ và một phần tài trợ từ các chương trình bảo trợ tư. Tuy nhiên theo vận động viên xe đua xe đạp Sergei Ruban, thì các nhà tài trợ chỉ chú ý đến những môn thể thao thu hút được nhiều khán giả truyền hình, tức là những môn có tính phổ thông cao. Ruban nói rằng các công ty chỉ muốn quảng cáo tên tuổi của họ gắn liền với các vận động viên được nhiều người biết đến.

Ruban nói rằng mọi nhà bảo trợ ngày nay đều quan tâm đến việc bán được sản phẩm của họ, do đó họ chỉ chú ý đến những môn thể thao hoặc vận động viên nào có sức thu hút mạnh trên truyền hình, và rất tiếc là nhiều môn thể thao lại không đáp ứng được những mục tiêu đó; và hậu quả là những môn thể thao nào không tạo được sự thu hút trên truyền hình, thì những môn đó không nhận được tài trợ.

Mỹ là một trong ba nước trên thế giới mà các vận động viên Olympic không được chính phủ tài trợ. Thay vào đó Uûy ban Olympic Mỹ dựa hoàn toàn vào nguồn thu từ việc bán quyền truyền hình và nguồn bảo trợ của các doanh nghiệp. Ông Steve Roush, một nhà quản lý của Uûy ban Olympic Mỹ, nói rằng tổ chức của ông không bị sức ép chính trị, thế nhưng chương trình Olympic tại Mỹ phải cạnh tranh với các đội thể thao chuyên nghiệp trong nỗ lực vận động bảo trợ.

Ông Roush nói rằng tổ chức của ông hiện này ở trong một môi trường cạnh tranh kinh tế rất gắt gao, và do đó các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp hiện nay càng khó xin được hơn. Ông nói rằng chương trình Olympic Mỹ phải cạnh tranh với những liên đoàn thể thao chuyên nghiệp như Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ, Liên đoàn Bóng chày, hay bóng rổ v.v.

Ông Roush nói rằng cũng giống như tại nước Nga hiện nay, các doanh nghiệp bảo trợ cũng chỉ chú ý đến những môn thể thao có tính phổ thông cao. Nhiều nhà vô địch Olympic của những môn thu hút được nhiều khán giả sau đó đã trở thành triệu phú nhờ hợp đồng quảng cáo sản phẩm. Ông nói tiếp rằng còn đối với những môn thể thao ít được chú ý hơn chẳng hạn như môn chạy đường dài, tổ chức của ông cần phải nhờ đến những sáng kiến tư nhân để có tiền hỗ trợ cho các vận động viên.

Ông Keith Hanson và em trai của ông là chủ nhân của các tiệm bán giày ở thành phố Detroit thuộc miền trung tây của Mỹ. Họ đã ủng hộ cho các vận động viên các môn chạy điền kinh bằng cách cung cấp miễn phí nhà ở cho vận động viên, bảo hiểm y tế, ban huấn luyện, giày chạy, bệ xuất phát, và cả công việc làm ngoài giờ tại các cửa hàng của họ.

Ông Hanon nói rằng một điểm hay ở Mỹ là có những cá nhân mạnh dạn đứng ra nhận những trách nhiệm bảo trợ cho Olympic mà nhiều người cứ nghĩ những trách nhiệm đó thuộc về nhà nước.

Nhìn chung hầu hết chương trình Olympic của các nước trên thế giới hiện nay đều mong muốn có được ngân sách dồi dào hơn trong lúc nguồn tài trợ thì hạn chế và còn phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế và hệ thống chính trị nữa.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG