Đường dẫn truy cập

Giải Tiên Phong Truyền Thông Internews 2008 cho một nhà báo VN


Ngày 5 tháng 6 vừa qua, một buổi lễ đã được tổ chức tại bảo tàng viện NEWSEUM, viện bảo tàng mới nhất tại thủ đô Washington, để vinh danh một số nhà báo đã có những hoạt động truyền thông có tính khai phá, hoặc đã giúp thăng tiến quyền thông tin và được tiếp cận thông tin. Trong số những người được chọn để nhận giải tiên phong về truyền thông năm nay tại Hoa Kỳ, có một nhà báo Việt Nam, đó là ông Hoàng Quốc Dũng, phóng viên tờ Tiền Phong, đồng thời cũng là Phó Chủ Tịch thường trực của Diễn Đàn Nhà Báo Môi Trường Việt Nam. Hoài Hương của ban Việt Ngữ đài VOA đã đến dự Lễ Trao Giải của Internews và tường trình như sau.

Ông Hoàng Quốc Dũng: “Tôi lấy làm xúc động được nghe tên đất nước tôi, Việt Nam, tên của tờ báo mà tôi cộng tác, tờ Tiền Phong, và tên tôi được nhắc đến trong buổi lễ trao giải đêm nay...”

Thưa quý thính giả, đó là phát biểu của nhà báo Hoàng Quốc Dũng khi lên nhận Giải Tiên Phong về Truyền Thông năm 2008 do mạng lưới thông tin Internews trao tặng trong một buổi tiếp tân tổ chức tại bảo tàng viện NEWSEUM hôm thứ Năm 5 tháng 6, có sự tham dự của đông đảo quan khách.

Nhà báo Hoàng Quốc Dũng là phóng viên phụ trách mục Khoa Học và Môi Trường của tờ Tiền Phong, đồng thời cũng là Phó Chủ Tịch thường trực của Diễn Đàn Nhà Báo Môi Trường Việt Nam. Ông được vinh danh về những hoạt động báo chí dẫn đến việc phơi bày sự thật về một đường dây xuyên biên giới buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ sau lễ trao giải, nhà báo Hoàng Quốc Dũng cho biết cảm tưởng khi lên nhận giải.

Ông Hoàng Quốc Dũng nói: "Giải thưởng này nó là vinh dự của cá nhân tôi, nhưng tôi nghĩ rằng đây cũng là vinh dự của nhiều nhà báo môi trường Việt Nam."

Ông Dũng cho biết về những khó khăn trong cuộc điều tra để thực hiện loạt bài phóng sự đã giúp ông đoạt giải tiên phong về truyền thông năm nay.

Ông Hoàng Quốc Dũng nói: "Vụ việc này diễn ra trong một địa bàn rất rộng, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trong khu vực, như Lào, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc, thậm chí ở Mỹ. Không những chỉ ở địa bàn rộng mà nó liên quan tới nhiều đầu mối và nhiều đối tượng, mà những đối tượng đó người ta có quyền hành, người ta có bộ máy và người ta có điều kiện để ngăn cản, thậm chí che dấu thông tin. Cho nên là chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tác nghiệp. Thế nhưng cái cơ bản nhất thì chúng tôi không lo, đó là sự hỗ trợ từ chính phủ về mặt luật pháp cũng như về mặt nghề nghiệp, thì chúng tôi có sự hỗ trợ rất lớn."

Ông Hoàng Quốc Dũng còn là Phó Chủ Tịch thường trực của Diễn Đàn Nhà Báo Môi Trường Việt Nam. Ông cho biết về hoạt động và nhiệm vụ của diễn đàn này như sau.

Ông Hoàng Quốc Dũng nói: "Nhiệm vụ chính của nó là hoạt động về chuyên môn. Nó là nơi để cho các nhà báo viết về môi trường và quan tâm về môi trường ở các báo trung ương và địa phương gặp gỡ nhau để trao đổi thông tin về môi trường, đồng thời gặp gỡ những nhà khoa học, các doanh nghiệp và các quan chức...Ngoài ra, diễn đàn cũng tổ chức các sự kiện như là hội thảo, điền dã, khóa đào tạo báo chí về môi trường về những vấn đề nóng hổi nhất cho nhà báo về môi trường."

Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Internews, bà Kathy Calvin, cho biết ông Dũng là nhà báo Việt Nam đầu tiên được chọn để nhận Giải Tiên Phong về Truyền Thông trong lĩnh vực môi trường. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài ĐÀI VOA tại buổi tiếp tân, bà Calvin nói về ý nghĩa của giải thưởng này.

Bà Calvin nói: "Đây là một giải thưởng có ý nghĩa bởi vì giải này vinh danh sự đóng góp của các nhà báo đã bỏ nhiều công sức nhất để cổ võ cho tính minh bạch, cởi mở và chính xác của truyền thông. Sự kiện đây là một giải về báo chí môi trường thực sự nói rằng các nhà báo môi trường đang phơi bày ra ánh sáng những hoạt động tác hại đến môi trường sinh thái, dù chúng ta đề cập đến một loài động vật, một vùng đất, hay không khí chúng ta đang hít thở, một nguồn nước... Đây là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất mà một nhà báo có thể tác nghiệp, thế cho nên chúng tôi rất tự hào có thể cấp giải truyền thông về môi trường năm nay."

Ông Hoàng Quốc Dũng nói sự kiện ông được Hà Nội cho phép sang Hoa Kỳ nhận giải, là một ví dụ điển hình cho thấy báo chí ở Việt Nam được tương đối tự do trong việc tường trình các vấn đề nhạy cảm như chống tham nhũng và các hành vi tiêu cực khác.

Ông Hoàng Quốc Dũng nói: "Việc mà tôi sang Mỹ đây cũng như việc tôi nhận giải thưởng này là dấu hiệu cho thấy là ở Việt Nam nền báo chí phát triển tương đối mạnh và báo chí có quyền tham gia các vấn đề đấu tranh chống tiêu cực, và vấn đề phát triển xã hội."

VOA: Anh nói báo chí Việt Nam bây giờ phát triển mạnh và không bị ngăn cản trong việc tường trình những vấn đề tiêu cực, thì thưa anh, anh giải thích như thế nào việc hai nhà báo của tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt mới đây?

Ông Hoàng Quốc Dũng nói: "Về mặt luật pháp thì có lẽ không chỉ Việt Nam mà bất cứ nước nào cũng thế, mọi hoạt động đều nằm trong khuôn khổ chế tài của pháp luật. Nếu như anh sai thì anh phải chịu trách nhiệm, trong trường hợp hai nhà báo ở Việt Nam, theo những gì mà tôi biết được thì họ bị xử lý vì họ có một số sai phạm trong việc đưa tin. Nếu mà những sai phạm ấy được khẳng định là đúng thì việc xử lý họ tôi cho là bình thường."

Liên quan tới nhận thức về môi trường ở trong nước, ông Dũng nhận định rằng ở Việt Nam, người ta chỉ mới quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, trong khi theo ông, vấn đề cấp bách hơn là sự suy giảm trong tính đa dạng sinh học.

Ông Hoàng Quốc Dũng nói: "Ô nhiễm môi trường cũng cực kỳ phức tạp, nhưng tôi thì tôi cho rằng ô nhiễm môi trường không phải là vấn đề cấp bách và nóng bỏng, mà cái quan trọng là cái vấn đề về suy giảm đa dạng sinh học. Nếu ô nhiễm môi trường thì sau vài năm, nếu anh không tác động nữa thì lập tức môi trường nó sẽ trở lại cân bằng bình thường. Thế nhưng mà đa dạng sinh học mà anh không để ý, thì có khi phải mất hàng trăm năm, hàng nghìn năm mới khôi phục lại được."

Loạt bài phóng sự của nhà báo về đường dây xuyên biên giới buôn bán động vật hoang dã đã gây được tiếng vang ở nước ngoài và giúp nhà báo đoạt được Giải Tiên Phong về Truyền Thông của Internews, thế nhưng dường như đã không mang lại kết quả nào, bởi vì đường dây bất hợp pháp này vẫn tiếp tục hoạt động mạnh, như theo lời phát biểu của nhà báo sau đây, trong lễ trao Giải.

Ông Hoàng Quốc Dũng nói: "Giải truyền thông cao quý đêm nay là một cột mốc trong một cuộc hành trình dài, nhưng cũng đánh dấu điểm khởi đầu của một cuộc hành trình dài khác, hy vọng sẽ dẫn đến sự chấm dứt của đường dây xuyên biên giới buôn lậu loài khỉ đuôi dài tại Đông Nam Á... Tôi xin nói lên lòng cảm kích của cá nhân tôi đối với mạng lưới thông tin Internews về những hỗ trợ tích cực mà tổ chức này đã dành cho cuộc điều tra chưa đi đến kết cuộc này. Xin cám ơn quý vị."

Dịp này, nhà báo chia sẻ nỗi băn khoăn của ông về vấn đề môi trường ở Việt Nam.

Ông Hoàng Quốc Dũng nói: “Chúng ta bị thất thoát nguồn gene, chúng ta bị mất rừng, rồi chúng ta bị mất các loài động-thực vật quý hiếm, mà không có cái dấu hiệu gì dừng lại cả, cái đấy không thể nào khắc phục được trong 10 năm, 100 năm mà phải hàng nghìn năm.”

Thưa quý vị, Nhà báo Hoàng Quốc Dũng của tờ Tiền Phong, một trong 5 nhà báo quốc tế được mời đến viện bảo tàng NEWSEUM tại thủ đô Washington hôm thứ Năm 5 tháng 6 để nhận Giải Tiên Phong về Truyền Thông năm 2008. Đài VOA xin cám ơn nhà báo Hoàng Quốc Dũng đã dành thì giờ quý báu trong vài ngày có mặt ở thủ đô Washington, để chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG