Đường dẫn truy cập

Năm nghi can khủng bố 11/9 bị đưa ra xét xử


Sáu năm rưỡi sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, quân đội Hoa Kỳ đã đưa 5 người bị cáo buộc là đồng phạm ra xét xử bắt đầu từ ngày hôm nay tại trung tâm giam giữ ở Vịnh Guantanamo bên Cuba, áp dụng một tiến trình gây nhiều tranh cãi đang được Tối cao Pháp viện Mỹ duyệt xét. Các bị can có thể bị án tử hình. Phái viên Al Pessin của đài VOA có mặt tại chỗ và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hôm nay, các bị can sẽ ra trước một vị thẩm phán của quân đội lần đầu tiên để nghe các cáo buộc được chính thức tuyên đọc. Các bị can sẽ có cơ hội nhận hay không nhận tội và cũng có thể được phép trình bày với tòa về các vấn đề khác, như các điều kiện trong lúc họ bị giam giữ và thẩm vấn.

Các cáo trạng chống lại một tù nhân thứ sáu đã được rút lại hồi tháng trước mà không có lời giải thích, nhưng các chuyên gia nhận xét rằng người này đã khiếu nại là một số bằng chứng chống lại ông ta được thu thập qua việc tra tấn.

Đây sẽ là lần đầu tiên 5 bị can xuất hiện trước công chúng. Họ đã bị chính phủ Hoa Kỳ giam giữ mấy năm, thoạt đầu tại các nhà tù bí mật của CIA, và nay tại Guantanamo. Các phóng viên, luật sư và những người hoạt động cho nhân quyền sẽ được xem phiên xử, nhưng không có âm thanh, video hay hình ảnh nào sẽ được công bố.

Ngoài ra, âm thanh của phiên xử sẽ được phát ra chậm nhiều giây đồng hồ để các giới chức quân đội có thể tắt đi nếu ai đó tiết lộ những chi tiết mật.

Tiến trình xét xử những người này trước một cơ chế được gọi là Các Ủy ban Quân sự được thành lập với mục đích cụ thể là để xét xử các tù nhân trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng hệ thống ban đầu đã bị Tối cao Pháp viện bác bỏ, và Tòa án này hiện đang cứu xét một trường hợp có thể vô hiệu hóa tiến trình đã được duyệt lại.

Tuy nhiên, viên sĩ quan cấp cao đặc trách tiến trình này, Thiếu tướng Thomas Hartmann nói rằng bộ quốc phòng đang bổ sung thêm hàng chục nhân viên vào toán công tác của ông trong nỗ lực xúc tiến các vụ luận tội và xét xử càng nhanh càng tốt.

Phát biểu với các phóng viên ở Guantanamo hồi hôm qua, Tướng Hartmann đã đề cập đến một trong những đề tài chính gây nhiều tranh cãi xoay quanh tiến trình, đó là việc sử dụng bằng chứng mật.

Tướng Hartmann nói: “Mỗi một bằng chứng, mật hay không, trình cho ‘bên tìm hiểu sự thực’ sẽ được xem xét, đối chất, phản bác và tìm hiểu bởi bị cáo và luật sư của đương sự.”

‘Bên tìm hiểu sự thực’ sẽ là một bồi thẩm đoàn quân sự. Tuyên bố của tướng Hartman đã đề ra khả năng là bằng chứng mật có thể được tiết lộ với các thành viên al-Qaida, nhưng sẽ không cho công chúng biết, nhưng việc này có phần chắc sẽ chỉ xảy ra vào giai đoạn sau này trong tiến trình.

Trong các phiên xử của ủy ban này, các bị can bị truy tố, xét xử và được đại diện bởi các luật sư của quân đội Hoa Kỳ, nhưng các luật sư tư nhân đã tự nguyện tham gia toán bênh vực.Những người hoạt động như bà Joanne Mariner của tổ chức Human Rights Watch không tin là tiến trình đó sẽ công bằng, như lời khẳng định của tướng Hartmann.

Họ cho rằng tiến trình của quân đội không bảo vệ quyền của các bị can một cách đầy đủ, nhất là về mặt các bằng chứng thu thập qua việc hành hạ tù nhân. Tướng Hartmann nói rằng quyết định sẽ do thẩm phán tòa án quân sự đưa ra trong mỗi trường hợp.

Là một quan sát viên tại phiên xử hôm nay, bà Mariner nói rằng thân nhân của gần 3,000 nạn nhân của các cuộc tấn công, và công chúng nói chung, xứng đáng được có một tiến trình đáng tin cậy hơn, giống như các tòa án liên bang bình thường.

Chính phủ của Tổng thống Bush chống đối việc sử dụng các tòa án liên bang để xét xử các nghi phạm khủng bố, một phần vì vấn đề bằng chứng mật này. Bị can khét tiếng nhất ra tòa hôm nay là Khalid Sheikh Mohammed, được cho là chủ mưu các vụ tấn công ngày 11 tháng 9.

Những người bị cáo buộc là đồng phạm gồm có Ramzi Binalshibh, Walid Muhammed’Attash, Ali Abdul Aziz Ali và Mustafa al Hawsawi. Các cáo trạng đối với Mohammed al Kahtani được bãi bỏ, nhưng các giới chức nói rằng các cáo trạng này có thể được tái lập sau này. Bị can này được cho là đã hoạch định một trong những vụ cướp máy bay ngày 11 tháng 9.

Năm bị cáo vừa kể có thể bị án tử hình nếu bị kết tội, nhưng nếu bất kỳ ai trong số này được tha bổng thì người đó vẫn có thể bị giam giữ trong tư cách chiến binh địch.

Cả Tổng thống Bush lẫn Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đều nói họ muốn đóng cửa trung tâm giam giữ Guantanamo, nhưng bộ trưởng Gates mới đây xác nhận là ông chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc tìm ra một cách nào khác để đối phó với các nghi phạm khủng bố đang bị giam giữ ở đây.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG