Đường dẫn truy cập

Chiến dịch xóa bỏ bệnh bại liệt thất bại ở Nigeria


Các chuyên viên y tế lo ngại nếu nước Nigeria xảy ra một dịch bệnh bại liệt lớn vào năm nay thì chiến dịch xóa sạch bệnh bại liệt trên toàn thế giới do Tổ Chức Y Tế Thế Giới phát động sẽ bị ảnh hưởng xấu. Tổ chức của Liên Hiệp Quốc này đã tung chiến dịch đó ra vào năm 1988 và đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn. Vào khoảng thời gian đó, thế giới có khoảng 350,000 trẻ em mắc bệnh bại liệt mỗi năm. Bây giờ con số này chỉ còn có 450. Rất nhiều phần đất trên thế giới ngày nay không còn nghe nói đến bệnh này nữa. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng một phần sự thất bại của chiến dịch khi đem áp dụng tại Nigeria là vì lãnh đạo tôn giáo và chính trị tại miền Bắc nước này không đồng ý để con cháu họ được chủng ngừa bại liệt. Từ trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Geneve, Thông Tín Viên Lisa Schlein tường trình như sau.

Tại hội nghị quốc tế do Tổ Chức Y Tế Thế Giới triệu tập năm nay, Tổng Giám Đốc của tổ chức này là bác sĩ Margaret Chan tỏ ý lo ngại là sự thành công của chiến dịch xóa bệnh bại liệt trên toàn thế giới có thể vuột khỏi tầm tay.

Tại châu Á bại liệt loại 1, do dòng virut nguy hiểm nhất gây ra, giờ đây đã sắp sửa bị tận diệt. Nhưng trong lúc chúng ta thấy số ca giảm bớt kỷ lục ở châu Á thì châu Phi lại chứng kiến một đợt gia tăng lớn lao của dòng virut này, đặc biệt là tại miền Bắc Nigeria. Một số quốc gia khác tại châu Phi trước đây không có ca bại liệt nào thì bây giờ đang phấn đấu để ngăn chận các virut đã bắt đầu xâm nhập lại vào nước họ cách nay hơn 2 năm.

Vào năm 2003, miền Bắc Nigeria ngưng chủng ngừa bại liệt cho trẻ em. Các giáo sĩ Hồi giáo cực kỳ bảo thủ tại đó còn kêu gọi tẩy chay chuyện chủng ngừa này. Họ tố giác các nước phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu đã bỏ thêm một số chất vào thuốc chủng để làm người Hồi giáo không còn sinh con được nữa, hoặc làm người Hồi giáo mắc bệnh AIDS.

Hậu quả là virut gây bại liệt ở Nigeria lây sang cho 23 quốc gia khác trên thế giới trước đây được xem là không còn ca bại liệt nào; kể cả những nước xa xôi như Indonesia hoặc Yemen; làm cho gần 1,500 trẻ em tàn tật suốt đời.

Bác sĩ Bruce Ayleward, Trưởng ban đặc trách chiến dịch xóa bỏ bại liệt trên thế giới, nói với đài VOA rằng vấn đề lớn nhất tại Nigeria là hầu hết các bậc cha mẹ không có cơ hội để quyết định xem có nên cho con cái của mình nhậc vắc-xin hay không. Ông nói rằng các dữ liệu cho thấy chưa tới 4% cha mẹ ở đó không muốn con cái mình chủng ngừa vì cho rằng chuyện này không an toàn.

Bác sĩ Ayleward nói: "Sự chống đối to lớn của cộng đồng trước những lo ngại không đúng về thuốc vắc-xin đã được giải quyết gần xong. Và bây giờ chúng ta cần sự tiếp tay của giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị để làm thế nào tất cả các bậc phụ huynh tin rằng vắc-xin không có vấn đề gì cả. Điều quan trọng hơn nữa là cha mẹ cần bảo vệ con cái trước dịch bệnh mà họ đang gặp hiện nay."

Nigeria có một dịch bại liệt với gần 190 ca trong năm nay. Con số này tương phản rõ rệt với 3 quốc gia hay có dịch bại liệt, là Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan, chỉ có 16 ca mới.

Bác sĩ Ayleward nói rằng 3 quốc gia vừa kể đã thành công tốt đẹp trong việc xóa bỏ bại liệt loại 1, là loại dữ dằn nhất trong các dạng bại liệt.

Bác sĩ Ayleward nói: "Châu Á đang đi đúng hướng để ngăn chận bại liệt trong khi châu Phi có thể nhanh chóng đi đúng hướng nếu các tỉnh trưởng ở các tỉnh quan trọng ở miền Bắc và những người làm việc cho họ có những hành động đúng đắn, giống như họ đã hứa."

Bộ Trưởng Y tế của Nigeria, ông Hassan Lawal nói rằng chính phủ đang trên đường giải quyết vấn đề.

Ông Lawal nói: "Chính phủ liên bang Nigeria đã đặt ra một số kế hoạch. Đầu tiên và trên hết tất cả, là kế hoạch huy động toàn dân bằng cách phát tán thông tin và mở những chiến dịch tuyên truyền đến tận từng người dân để giải thích về chủng ngừa. Kế hoạch này đang được tiến hành một cách năng động để bảo đảm là chuyện chủng người theo định kỳ sẽ được chú trọng và trờ thành một thông lệ."

Còn bác sĩ Ayleward của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì nói rằng rằng ông tin là Nigeria có thể xóa bỏ bại liệt nhanh chóng, một khi chính quyền có cách để thực hiện chủng ngừa cho tất cả trẻ em nào cần đến.

Bác sĩ Ayleward cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào không thực thi đầy đủ các kế hoạch xóa bỏ bại liệt cũng dẫn đến thất bại của chiến dịch xóa bỏ bại liệt trên toàn cầu, và làm cho bệnh này trỗi dậy trở lại.

Bác sĩ Ayleward tin rằng nếu theo đúng kế hoạch, châu Á sẽ xóa bỏ bại liệt trong vòng từ 1 năm đến 1 năm rưỡi sắp tới. Sau đó, nếu Nigeria xúc tiến các chiến dịch chủng ngừa, bệnh bại liệt tại châu Phi có thể lui vào quá khứ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG