Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát giá xăng dầu và bù lỗ cho giới doanh nghiệp, đồng thời trì hoãn việc thi hành một quyết định hồi tháng Ba về chuyện chính phủ ngưng bù lỗ và thả nổi giá cả.
Các thông tấn xã DPA và Bloomberg cho hay trong khi xác nhận tin vừa kể hôm thứ năm, một viên chức cấp cao của chính quyền không gọi hành động bù lỗ này là một hình thức trợ cấp. Tin vừa kể cho biết Thứ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú tuyên bố rằng chính phủ không trợ cấp cho giá cả và không dùng từ trợ cấp.
Theo ông, chính phủ sẽ đền bù giá cả căn bản cho giới doanh thương để giới này có thể giữ giá cả ở mức chính phủ mong muốn. Ông Tú cho biết thêm rằng việc giữ mức trần cho giá cả là một biện pháp tạm thời để đương đầu với giá nhiên liệu trên toàn cầu đang gia tăng mau lẹ, một sự kiện đã đẩy mức lạm phát tại Việt Nam lên tới 20% hoặc hơn nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Tuổi Trẻ, Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết hành động tiếp tục kiểm soát giá cả của chính phủ là một nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo ông Hùng, nếu chính phủ để giá xăng dầu trong nước lên sát với giá thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng theo. Ông Hùng nhấn mạnh rằng chính phủ đang đặt ưu tiên cho việc kiềm chế lạm phát nên không thể để giá cả chạy theo thị trường trong một giai đoạn nhất định.
Tin của DPA cho hay Việt Nam là một nước xuất khẩu dầu thô đáng kể, nhưng phải nhập khẩu mọi sản phẩm dầu lửa đã được lọc cho tới khi nào nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Dung Quất hoạt động trong năm 2009.
Lâu nay, chính phủ vẫn đề ra giá cho giới doanh thương bán dầu xăng cho dân chúng tại các trạm xăng, và chính phủ bù lỗ cho giới này trong trường hợp giá bán thấp khiến họ lỗ lã. Năm ngoái chính phủ đã phải chi khoảng 500 triệu đô la để bù lỗ cho giới bán xăng, và năm nay khoản tiền bù lỗ của chính phủ là khoảng hơn 60 triệu đô la mỗi tháng.
Hôm 22 tháng 3, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo là chính phủ khởi sự thi hành một kế hoạch dài hạn nhằm loại bỏ việc trợ cấp và thả nổi giá xăng dầu. Quyết định đình hoãn việc thực hiện kế hoạch này đi ngược lại với lời ông Dũng thường kêu gọi Việt Nam mau tiến tới một nền kinh tế dựa nhiều vào thị trường và bớt sự kiểm soát của nhà nước.
Thứ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nói rằng khó có thể biết sẽ phải tạm ngưng việc hủy bỏ trợ cấp trong bao lâu.