Một trong những chiếc tàu viễn dương của Hải quân Hoa Kỳ gây nhiều ấn tượng nhất, là chiếc United States, tàu này đã trải qua một giai đoạn phục vụ ngắn ngủi nhưng huy hoàng trong thập niên 1950 và 1960. Ngày nay, tàu này đang thả neo tại một bến cảng ở Philadelphia, trong tình trạng bị bỏ phế. Nhưng như lời tường thuật của thông tín viên Mike O’ Sullivan của đài VOA, những người thực hiện một bộ phim tài liệu về chiếc tàu này hy vọng một ngày nào đó, con tàu sẽ được nhổ neo một lần nữa để phục vụ hành khách.
Thời còn là một cậu bé, nhà làm phim Bob Radler hoàn toàn bị choáng ngợp khi được dẫn đi thăm các bến cảng, nơi một số tàu viễn dương lớn nhất thế giới đang thả neo. Ông kể lại:
"Trong những năm 1950 khi tôi mới độ 6 tuổi, Bố tôi đưa tôi đến một bến tàu tại New York, nơi có nhiều tàu thủy đang nằm thẳng hàng. Tôi trông thấy chiếc Queen Mary, chiếc Isle de France, và chiếc United Sates. Mũi nhọn của chiếc United States và cái cảm giác rằng chiếc tàu đang chạy với tốc độ 60 dặm một giờ trong khi đang thả neo tại chỗ, thật sự đã hấp dẫn tôi. Trông con tàu tân tiến như thể nó thuộc về tương lai. Con tàu dài tương đương với 5 dãy phố, cao khoảng 12 tầng nhà, và tên con tàu được tô ở mũi tàu, đã gây nhiều ấn tượng sâu đậm nơi tôi."
Tàu United States về phần lớn đã chìm vào quên lãng, thế nhưng nhiều người còn nhớ đến quá khứ huy hoàng của con tàu này đã xuất hiện trong bộ phim tài liệu do ông Radler làm đạo diễn.
Ông Radler nói câu chuyện của con tàu này khởi sự với người thiết kế tàu, ông William Francis Gibbs, một người không hề được huấn luyện một cách chính quy để xây tàu. Ông Gibbs là một luật sư không yêu nghề, và vì vậy, ông tự học ngành kỹ sư hàng hải. Ông đã tiến xa hơn trên con đường này với việc thiết kế nhiều tàu chở hàng trong thời Thế Chiến thứ Hai. Lúc bấy giờ, ông Gibbs nhận xét các tàu chở binh lính qua Đại Tây Dương thường chạy quá chậm và dễ bị tấn công. Ông thiết kế tàu hải quân United States như một con tàu có thể phục vụ hữu hiệu cả trong thời chiến lẫn thời bình. Con tàu được xây dựng với sự tiếp tay của Hải Quân Hoa Kỳ. Thân tàu rất dầy và tàu có khả năng chịu đựng khi va phải một tảng băng lớn, hoặc một ngư lôi. Con tàu hầu như không có một tấc gỗ nào, và do đó gần như không thể nào bị cháy. Cấu trúc phía trên thật nhẹ của con tàu biến nó thanh một con tàu đóng bằng nhôm lớn nhất trên thế giới.
Ông Radler nói tiếp về con tàu như sau:
"Con tàu được thiết kế để dùng cho hai chuyện cùng một lúc. Nó được thiết kế để trở thành chiếc tàu chở hành khách sang trọng, hiện đại nhất, an toàn nhất thế giới; nhưng cùng lúc, trong vòng 24 giờ đồng hồ, nó có thể được chuyển thành một con tàu hải quân có khả năng chở từ 14,000 đến 15,000 binh sĩ xuyên Thái Bình Dương với tốc độ nhanh, và trở lại bến mà không phải tiếp liệu xăng, hoặc đồ tiếp tế. Trong lịch sử, chưa từng có một con tàu nào có những khả năng đó."
Tàu United States được đưa vào phục vụ hồi năm 1952. Với thân tàu hẹp và những động cơ mạnh, con tàu có thể đạt được vận tốc ít nhất 43 hải lý một giờ, tương đương với gần 80 km/giờ, khi chạy với chưa đầy phân nửa công xuất của nó. Vận tốc thực sự của con tàu là một bí mật quân sự, tuy nhiên con tàu đã đoạt được giải Blue Riband, một giải thưởng về vận tốc đối với các tàu xuyên Đại Tây Dương, một giải trước đây thuộc về tàu Queen Mary.
Một đoạn phim năm 1952 đã ghi lại được sự reo hò của công chúng khi tàu United States trở về bến ở thành phố New York.
Lời thuyết minh trong đoạn phim này nói rằng: Hầu hết mọi người có mặt đều chú ý theo dõi con tàu sang trọng và mới mẻ lướt nhanh vào cảng New York, đi kèm theo hai bên là một con tàu chữa lửa, và một tàu dẫn đường. Chủ tàu được trao Giải Thưởng về tốc độ, và thủy thủ đoàn được chào mừng nồng nhiệt khi đi diễu hành trên đại lộ Broadway.
Nhưng thời đại hoàng kim của con tàu không kéo dài. Tàu United States không còn được sử dụng từ năm 1969 trở đi, khi càng ngày càng có nhiều người di chuyển bằng đường hàng không.
Đạo diễn Radler khởi sự thực hiện bộ phim tài liệu trong khi còn đang theo học trường điện ảnh trong những năm 1970, lúc bấy giờ ông chỉ thu một số hình bằng máy chụp ảnh. Cho mãi tới sau này, ông mới được phép sử dụng những phim lưu trữ của tổ chức Bảo Tồn Tàu Hải Quân United States, đồng thời ông đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn với những thủy thủ từng phục vụ trên tàu, những hành khách đã đi trên tàu, và thu thêm nhiều đoạn bằng máy quay phim. Bộ phim tài liệu dài một tiếng đồng hồ dự định xuất hiện trên nhiều đài truyền hình Hoa Kỳ vào tháng Năm.
Kể từ năm 1996 trở đi, Tàu United States thả neo tại Philadelphia. Công Ty Tàu Du Lịch Norwegian đã mua lại tàu United States hồi năm 2003, khiến những người yêu con tàu hy vọng rằng một ngày nào đó, con tàu sẽ được sử dụng một lần nữa để phục vụ hành khách.
Ông Radler nói: "Khi công ty tàu du lịch Norwegian cho biết sẽ tân trang tàu United States và biến nó thành một con tàu mới, thành thật mà nói tất cả chúng tôi đều kinh ngạc và vui sướng. Trước đó chúng tôi chỉ cầu mong có mỗi một điều, là xin đừng để cho con tàu bị phá hủy, hãy đặt nó tại một nơi nào đó, biến nó thành một khách sạn hay một điểm du lịch nào đó chẳng hạn, cốt chỉ để bảo tồn một biểu tượng cao quý của Hoa Kỳ mà thôi."
Tân trang tàu United States để dùng vào bất cứ mục đích nào cũng là một công trình vĩ đại, và ngay vào lúc này thì tương lai của tàu United States vẫn chưa được định hình.
Thế nhưng câu chuyện về tàu United States đã khiến nhiều người cảm động. Ông Radler nói: tại một buổi trình chiếu ra mắt bộ phim tài liệu của ông ở miền Tây Hoa Kỳ, cử tọa đã phản ứng với nhiều cảm xúc mạnh.
Ông Radler nói: "Phản ứng rõ nét nhất là một nhân viên chiếu phim đã đến bên tôi và lấy tay lau nước mắt. Ông ta là một người lực lưỡng. Ông nói bộ phim của tôi không phải là bộ phim về một con tàu, mà là một bộ phim về một quốc gia. Đó là một bộ phim nói về những gì mà Hoa Kỳ có khả năng thực hiện, và nếu Hoa Kỳ thực sự quyết tâm làm việc gì, thì không một ai có thể đụng đến. Đây cũng còn là một bộ phim về những gì mà chúng ta đã mất mát trong nhiều năm qua, một bộ phim về các nỗ lực nhằm phục hồi tất cả những gì đã đánh mất."
Nhà làm phim Radler nói: tàu United States là một kỷ vật hầu như đã bị bỏ quên, một tài sản của quốc gia, và lẽ ra không nên bao giờ để cho bị chìm vào quên lãng.