Đường dẫn truy cập

Lịch sử Ngày Lễ Mẹ


Ngày vinh danh các bà mẹ, còn gọi ngắn là ngày Lễ Mẹ tại Hoa Kỳ được định vào ngày chủ nhật thứ nhì của tháng 5. Trong Câu chuyện Phụ nữ kỳ này, Minh Phượng ghi lại một vài chi tiết về lịch sử ngày này, cùng với một bản phúc trình xếp hạng các nước có thành tích tốt nhất về tình trạng của các bà mẹ cũng như trẻ em, và nhận xét của một đại diện tổ chức Save the Children về thành tích của Việt Nam trong lãnh vực này.

Ngày Lễ Mẹ rơi vào những ngày khác nhau ở các nước trên thế giới, vì có các nguồn gốc khác nhau.

Theo tự điển bách khoa trên mạng, một trường phái cho rằng ngày lễ này bắt nguồn từ tục lệ tôn thờ mẹ ở Cổ Hy Lạp, thường tổ chức một lễ hội vinh danh Cybele, là một người mẹ vĩ đại của các vị thần Hy Lạp. Lễ hội ngày thường được tổ chức vào tiết xuân phân ở Tiểu Á, và sau cùng ở ngay Roma từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 3 dương lịch.

Ở một vài quốc gia, ngày Lễ Mẹ khởi đầu không phải để vinh danh riêng các bà mẹ mà là để vinh danh người Cơ đốc giáo.

Riêng tại Hoa Kỳ, ngày Lễ Mẹ được định vào ngày chủ nhật thứ nhì của tháng 5. Truyền thống này bắt nguồn một phần từ ngày lễ Mẹ của Anh và du nhập vào Hoa Kỳ qua nhà hoạt động xã hội Julia Ward Howe sau cuộc nội chiến Mỹ. Tuy nhiên, chủ định lúc đó là để đoàn kết phụ nữ chống lại chiến tranh. Năm 1870, bà Howe đã viết bản Tuyên ngôn Ngày của Mẹ như một lời kêu gọi hòa bình và giải trừ vũ khí. Bà Howe đã thất bại trong cố gắng được sự chính thức thừa nhận cho Ngày các Bà mẹ Đấu tranh cho Hoà bình. Khái niệm này chịu ảnh hưỏng của bà Ann Jarvis, một bà nội trợ trẻ tuổi ở vùng núi Appalachian từ năm 1858 đã cố gắng cải thiện vệ sinh qua điều mà bà gọi là những ngày làm việc của các bà mẹ. Bà đã tổ chức phụ nữ trong suốt cuộc nội chiến Mỹ để tranh đấu đòi các điều kiện vệ sinh tốt hơn cho cả hai bên, và năm 1868 thì bà bắt đầu công tác hòa giải hai bên.

Khi bà Jarvis qua đời năm 1907, con gái bà là Anna Jarvis đã bắt đấu cuộc tranh đấu đòi lập một ngày tưởng niệm cho phụ nữ. Ngày Lễ Mẹ đầu tiên đó được cử hành tại tiểu bang West Virginia vào ngày 10 tháng 5 năm 1908 tại nhà thờ nơi bà mẹ Jarvis dậy các lớp học ngày chủ nhật. Nhà thờ này nay được coi là Thánh địa của ngày lễ Mẹ quốc tế. Từ đó, truyền thống ngày lễ Mẹ bắt đầu lan qua 45 tiểu bang Mỹ, và bắt đầu từ năm 1912, một số bang đã chính thức công nhận ngày lễ. Đến năm 1914 thì tổng thống Woodrow Wilson công bố ngày Lễ Mẹ toàn quốc đầu tiên là ngày người dân Mỹ treo cờ để vinh danh những người mẹ có con hy sinh trong chiến tranh.

9 năm sau, ngày lễ Mẹ này bị thương mại hóa đến độ chính bà Anna Jarvis đã trở thành một người chống đối. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, ngày Lễ Mẹ vẫn là một trong những dịp buôn may bán đắt nhất cho giới doanh thương. Theo Hiệp hội Nhà hàng ăn Quốc gia, ngày Lễ Mẹ là ngày dân chúng đi ăn hiệu nhiều nhất ở Hoa Kỳ.

Tại hầu hết các nước, ngày Lễ Mẹ là một khái niệm mới sao chép của văn minh tây phương, mặc dù có nhiều lễ hội vinh danh các bà mẹ trong nhiều nền văn hóa khác nhau ở các nơi, và mang các tên gọi cũng có thể khác nhau, như ngày Phụ nữ chẳng hạn.

Vinh danh, tặng quà, đưa các bà mẹ đi ăn là những thủ tục thông thường nhân ngày lễ Mẹ. Nhưng thực chất tình trạng người mẹ được xã hội đối xử ra sao thì phải căn cứ vào các bản báo cáo, phúc trình của các chính phủ cũng như các cơ quan phi chính phủ.

Save the Children, Cứu vớt Trẻ em, là một tổ chức độc lập về nhân đạo toàn cầu, hôm 6 tháng này đã công bố Chỉ số về các bà mẹ thường niên lần thứ 9, xếp hạng các nơi tốt nhất và tệ nhất cho các bà mẹ và con trẻ. Chỉ số này được nêu bật trong báo cáo về tình trạng các bà mẹ trên thế giới năm 2008, so sánh phúc lợi của các bà mẹ và trẻ em tại 146 quốc gia, số nước cao hơn mọi năm trước.

Các nước Bắc Âu chiếm đầu bảng là những nơi tốt nhất cho các bà mẹ, trong khi các nước ở châu Phi phía nam sa mạc Sahara xếp hạng chót. Thụy Điển đứng đầu danh sách, trong khi Niger đứng cuối danh sách các nước được khảo sát. Hoa Kỳ năm nay xếp hạng thứ 27, tụt một hàng so với bảng xếp hạng năm ngoái.

Nói chung, 10 nước được xếp hạng đầu được điểm rất cao về tình trạng y tế, giáo dục và kinh tế của các bà mẹ và trẻ em, trong khi 10 nước xếp hạng chót là hình ảnh ngược lại, và có thành tích kém trong tất cả các lãnh vực.

Điều kiện của các bà mẹ và trẻ em ở các nước cuối bảng Chỉ số rất u ám. Trung bình, trong 21 bà mẹ thì có 1 bà sẽ chết vì các nguyên do có liên quan đến thai sản. Cứ mỗi 6 trẻ thì có hơn 1 em chết trước 5 tuổi, và khoảng 1 trong 3 em bị suy dinh dưỡng, và cứ 4 em trai thì mới có 3 em gái được đi học tiểu học.

Không thấy Việt Nam được xếp hạng trong danh sách này, chúng tôi đã tiếp xúc với tổ chức Save the Children thì được bà Mary Beth Powers, phụ trách cuộc vận động mở rộng việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trên khắp thế giới và đã đến công tác tại Việt Nam 6 đến 7 lần trong 10 năm vừa qua với tổ chức Save the Children tại Việt Nam, giải thích như sau:

Bà Powers nói rằng Việt Nam không được xếp hạng bởi lẽ tổ chức của bà không có đủ dữ liệu cụ thể về xếp loại thu nhập, và điều mà bản phúc trình muốn nêu bật là sự cách biệt về sự chăm sóc y tế giữa người giầu và người nghèo. Nhưng bà cho biết bản Chỉ số đầy đủ về các bà mẹ có phần nhận xét về Việt Nam.

Theo bà Powers thì điều đáng mừng là tổ chức của bà xếp hạng 71 nước có thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, thì Việt Nam xếp hạng thứ 24. Đó là nhờ tiến bộ đáng kể mà Việt Nam đạt được về tử suất trẻ em, về tỷ lệ trẻ em được đến trường, là những điểm mà tổ chức Save the Children dựa vào để xếp hạng xem nơi nào là nơi các bà mẹ được hưởng các điều kiện tốt về tuổi thọ, về rủi ro chết trong quá trình thai sản, và việc áp dụng các phương pháp tránh thai, vân vân. Và trong các lãnh vực này, thì Việt Nam đạt được thành tích khá tốt.

Bà Powers nhận xét rằng một lãnh vực đáng lo ngại tại Việt Nam là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ này lên tới 25% theo các số liệu mới nhất mà tổ chức ghi nhận được tính đến năm 2006, và tỷ lệ này cao hơn so với nhiều quốc gia tại châu Á.

Về tình trạng chênh lệch trong việc chăm sóc y tế giữa người giầu và người nghèo tại Việt Nam, bà Powers nhận thấy rằng những người nghèo khó ở nông thôn, người thuộc sắc dân thiểu số ở vùng cao nguyên cũng như một số người nghèo ở thành thị không tiếp cận được với các dịch vụ y tế nhiều như các thành phần khá giả, và có đôi khi bởi vì nhân viên y tế không nói được tiếng địa phương. Đó là một số lý do khiến người nghèo bị bệnh tật và tử vong nhiều hơn người giầu có tại nhiều nước chứ không riêng gì Việt Nam.

Trở lại báo cáo về Chỉ số các bà mẹ, nếu nhắm vào phúc lợi của trẻ em thì Italia đứng đầu và Niger vẫn xếp hạng chót trong số 168 quốc gia. Trong khi gần như mỗi trẻ em Ý, cả trai lẫn gái, được chăm sóc y tế và giáo dục tốt thì trẻ em ở Niger có nguy cơ cứ 1 trong 4 em sẽ chết trước khi được 5 tuổi. Tại Niger, 44 phần trăm trẻ em bị suy dinh dưỡng và chưa đầy một nửa số trẻ em trên toàn quốc được đăng ký vào trường tiểu học.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG