Gần 18% đại biểu quốc hội trên toàn thế giới là phụ nữ, theo một cuộc nghiên cứu mới công bố tuần này nhân dịp Liên đoàn Liên quốc hội nhóm họp tại Nam Phi. Bản phúc trình nói rằng nhiều rào cản ngăn phụ nữ vào quốc hội không còn nữa, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để phụ nữ đạt được vị thế bình đẳng với nam giới. Từ Cape Town, phái viên Terry Fitzpatrick của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.
Bản phúc trình về bình đẳng giới tính trong chính sự nói rằng phụ nữ đang đạt được tiến bộ chậm nhưng vững chắc. Năm 1945, chỉ có 3% đại biểu quốc hội trên toàn thế giới là phụ nữ. Con số này nay lên tới gần 18%. Nhà nghiên cứu Julie Ballington, thuộc Liên đoàn Liên quốc hội, đã thực hiện cuộc thăm dò toàn cầu. Bà Ballington nói rằng một số thắng lợi lớn phụ nữ đã đạt được đã diễn ra tại những nước đang phục hồi sau chiến tranh.
Bà Ballington nói: "Nhiều quốc gia sau thời kỳ xảy ra xung đột đã đạt được thành tích rất tốt về vấn đề đưa người đại diện vào quốc hội. Lý do là vì tất cả các luật lệ và cơ chế được viết lại từ đầu. Phụ nữ cũng tham gia vào các cuộc đấu tranh giải phóng ở nhiều nước.”
Rwanda đứng đầu thế giới về danh sách bình đẳng giới tính: 49% đại biểu quốc hội của họ là phụ nữ. Tính theo khu vực, các nước Bắc Âu có trung bình 41% đại biểu là phụ nữ. Châu Mỹ có tỷ lệ trung bình là 20%. Tỷ lệ trung bình ở châu Phi và châu Á là 17% và ở các nước Trung Đông là 10%.
Phó chủ tịch quốc hội Nam Phi, bà Gwen Mahlangu, nói rằng sự hiện diện ngày càng nhiều của các nữ chính trị gia đang làm thay đổi bản chất cuộc tranh luận chính trị.
Bà Mahlangu nói: “Phụ nữ thường luôn đem theo gia đình. Bất kỳ làm chuyện gì, phụ nữ cũng nghĩ tới gia đình. Họ nghĩ tới con cái.”
Bà Mahlangu nói rằng sự kiện này đã khiến cơ quan lập pháp tập trung chú ý vào các vấn đề xã hội như sự bình đẳng về lương bổng, nghỉ hộ sản, quyền lợi lúc về hưu và bạo hành trong gia đình.
Bà nói tiếp: “Một khi quý ông hiểu đượcmột số vấn đề mà phụ nữ phải đối phó, ta sẽ thấy được sự thay đổi trong thái độ.”
Mặc dầu tỷ lệ các nhà lập pháp thuộc nữ giới đang gia tăng ở mức 1% mỗi năm, phụ nữ vẫn còn là thiểu số. Theo nhà nghiên cứu Julie Ballingon, sự kiện này khiến ảnh hưởng của họ bị thu hẹp.
Bà Ballingon nói: “Ta sẽ thấy rằng phụ nữ thường có khuynh hướng tập trung vào những ủy ban xử lý những vấn đề về xã hội hay y tế, giáo dục, và ít có đại diện hơn trong các ủy ban xử lý các vấn đề như tài chính, ngoại vụ...Vì thế cần phải có thêm phụ nữ trong quốc hội để dành thời giờ tham gia nhiều ủy ban hơn.”
Vẫn còn nhiều rào cản ngăn trở phụ nữ được bầu hoặc ngay cả ra ứng cử. Trong số các rào cản đó có việc quốc hội phải làm việc nhiều giờ mà không có các cơ sở chăm sóc con trẻ; thiếu nguồn tài chính để thực hiện các cuộc vận động chính trị hữu hiệu; và tập quán không muốn để cho phụ nữ giữ các chức vụ nhiều quyền lực.
Các nhà khảo cứu nói rằng có phần chắc là các nữ chính trị gia sẽ không đạt được sự bình đẳng với nam giới nếu không giải quyết được những vấn đề vừa kể.