Đường dẫn truy cập

Vấn đề kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ


Người gốc Châu Phi, hay người da đen, tại Hoa Kỳ ngày nay đã đạt được những bước tiến thật dài. Từ khi bị đưa đến xứ sở này làm nô lệ, cho đến bây giờ đã có hai ngoại trưởng kế tiếp trong 2 nhiệm kỳ tổng thống Bush là người da đen, và biết đâu chừng trong nay mai, nước Mỹ lại có một tổng thống da đen, vì ứng cử viên tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ đang có khả năng lấn át đối thủ là thượng nghị sỹ từng là Ðệ nhất phu nhân, bà Hillary Cllinton trong cuộc chạy đua giành sự đề cử của đảng Dân chủ để ra tranh ghế tổng thống. Nhưng mới đây vấn đề sắc tộc lại được khơi dậy qua việc báo chí chú mục vào mối liên hệ giữa ứng cử viên Obama với một mục sư đã về hưu, ông Jeremiah Wright, một người được biết đến vì lập trường sắc tộc cực đoan.

Lá thư Mỹ Quốc mời quí thính giả theo dõi câu chuyện sau đây xem người da đen nghĩ như thế nào về điều được gọi là kỳ thị chủng tộc ngay trên chính đất nước họ, và xem làm thế nào mà ứng cử viên Obama đã dùng bài diễn văn của ông xóa đi những ảnh hưởng tiêu cực về mối liên hệ của ông với mục sư này cũng như để thuyết phục dân chúng Mỹ hãy qui về một mối thay vì chia rẽ chỉ vì màu da. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương qua bài viết sau đây.

Đến nước Mỹ sau khi người da đen đã thành công, ở một mức độ nào đó trong phong trào dân quyền đòi bình đẳng, người viết bài này nhận thấy rằng người da đen đã được nâng đỡ rất nhiều, từ tỉ lệ ưu đãi dành cho sinh viên da đen được thu nhận vào các đại học đến những ưu đãi trong thị trường công ăn việc làm, nhất là việc làm tại các cơ sở của chính phủ địa phương, tiểu bang và liên bang. Người da đen được đến bất cứ nơi nào dành cho công chúng như tất cả mọi mọi da trắng và các sắc dân khác sống ở đất nước này. Tại các trường học, các học sinh, sinh viên da trắng, da đen ngồi bên cạnh nhau cùng học tập. Ngày càng có nhiều người da đen kết hôn với người da trắng, và trước công chúng, tuyệt đối không ai dám có một cử chỉ hay lời nói nào có ý xúc phạm tới người da đen.

Giống như mọi sắc dân khác, người da đen ở Mỹ gồm đủ mọi thành phần, trí thức, giàu có, trung lưu hay nghèo khổ. Có những người da đen rất lịch sự, biết điều, nhã nhặn và cũng có những nguiờ da đen hết sức khó chịu, lỗ mãng. Nhưng tại sao thành phần sắc tộc da đen tại Hoa Kỳ cứ than phiền là họ vẫn bị kỳ thị?

Nhiều người nêu lên con số tù nhân da đen trong các nhà giam đông hơn da trắng rất nhiều, rằng người da đen không được chăm sóc sức khỏe chu đáo như người da trắng và nhiều chuyện khác mà người da đen vẫn viện dẫn để chứng minh là họ bị kỳ thị.

Trong tuần lễ trước, ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice trong bài nói chuyện với tờ nhật báo Washington Times có nhắc dến vấn đề chủng tộc tại Hoa Kỳ. Bà nói 'Người Châu Phi và người Châu Âu là những sắc tộc đã cùng tạo dựng nước Mỹ, người châu Âu đến đây do tự ý chọn lựa, còn người Châu Phi đến đậy trong xiềng xích nô lệ. Đó không phải là một thực tế đẹp đẽ cho mấy về chuyện thành lập quốc gia chúng ta'. Và rằng 'Hoa Kỳ còn gặp khó khăn khi phải giải quyết vấn đề chủng tộc bởi lẽ đã có một khuyết tật bẩm sinh của quốc gia nên người da đen đã bị khước từ những cơ hội mà người da trắng được trao ngay từ buổi đầu khi quốc gia này được tạo dựng", và "con cháu của những người nô lệ đó đã không thể nào được cơ hội tốt đẹp ngay từ lúc mới bước vào đời” và theo bà, người ta tiếp tục thấy một số ảnh hưởng của cái di sản đó tồn tại đến ngày nay.

Bà trưng dẫn những kinh nghiệm của cá nhân và của gia đình bà để chứng minh rằng đây là một quốc gia còn nhiều mâu thuẫn, và vấn đề chủng tộc vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận công khai cũng như vẫn nằm sâu trong ý tưởng của mọi người. Nhưng mặt khác, theo bà, nước Mỹ đã thành đạt được những tiến bộ to lớn, và chính vì thế mà bà mới tiến lên được địa vị đứng đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ. Điều bà muốn nhắn nhủ với công chúng là: Trong tư cách một người Mỹ da đen bà muốn mọi người hiểu rằng người Mỹ da đen xưa kia đã yêu mến xứ sở này và tin tưởng vào xứ sở này cho dù xứ sở này xưa kia đã không yêu thương họ và không tin tưởng nơi họ, và đó chính là cái di sản để lại cho người da đen.

Bà không đưa ra lời bình luận gì về cuộc tranh cử của ứng cử viên da đen thuộc đảng Dân Chủ Barack Obama nhưng chỉ nói rằng thật là điều quan trọng khi ông đã đề cập đến vấn đề cnủng tộc vì rất nhiều lý do. Ứng cử viên này đã thu hút được sự ủng hộ đông đảo của cử tri cả da trắng lẫn da đen và đã tránh không đề cập đến vấn đề chủng tộc cho tới mấy tuần lễ gần đây, khi ông Obama bị báo chí nêu lên sự liên hệ của ông với một mục sư da đen, ông Jeremiah Wright, và rất may là mục sư này vừa nghỉ hưu.

Điều làm cho người ta nhớ đến mục sư này nhiều nhất là một số bài giảng đầy tính cách khích động sắc tộc, thậm chí ông còn nói rằng chính phủ Mỹ âm mưu tung ra vi rút HIV để giết hại người da đen.

Mục sư này nói rằng chính phủ đã đầu độc người da đen bằng cách cho họ ma túy, chính phủ đã xây những nhà tù lớn, thông qua luật quá tam ba bận, rồi bắt người da đen hát bài 'Cầu Xin Thượng Đế Ban Phúc Lành cho nước Mỹ'. Ông kêu gọi không bao giờ chấp nhận như thế mà 'Hãy cầu xin Thượng Ðế nguyền rủa nước Mỹ vì họ đã đối xử với người da đen dưới tiêu chuẩn con người!'

Người ta đã ngỡ ông Obama sẽ bị tổn hại uy tín vì mối liên hệ thân thiết giữa ông và mục sư này (Ông là bổn đạo của nhà thờ do mục sư này giảng đạo trong suốt 20 năm, và mục sư đã trở thành một người thân thiết trong gia đình ông), nhưng ông Obama đã khôn khéo biện minh cho sự liên hệ giữa ông với vị mục sư, rằng ông không chấp nhận những lời lẽ cực đoan của mục sư, nhưng vẫn kính nể những việc làm của mục sư như tranh đấu cho người nghèo, cho dân quyền cũng như lòng trắc ẩn của mục đối với các nạn nhân bệnh AIDS, hơn nữa mục sư này chỉ là người hướng dẫn ông đến với tôn giáo chứ không phải là cố vấn chính trị của ông.

Ông Obama đã tìm cách đoàn kết các sắc tộc sinh sống tại Hoa Kỳ lại với nhau qua một bài diễn văn đọc tại Philadelphia rằng 'chúng ta có thể chấp nhận một loại chính trị nuôi dưỡng chia rẽ, xung đột và chua cay hay là nhân dân Mỹ có thể tiến theo một chiều hướng khác để nói rằng vào lúc này chúng ta muốn nói về những trường học bị dột nát đang cướp đi tương lai của con em chúng ta, da đen cũng như da trắng, Á châu cũng như gốc gác Trung Mỹ, nam Mỹ hay da đỏ thổ sinh'.

Ông nói tiếp: Bây giờ, tôi muốn nói đến hàng người chờ đợi nơi các phòng cấp cứu, da trắng, da đen, gốc Tây Ban Nha từ Trung nam Mỹ đến, những người không có bảo hiểm y tế. Bây giờ tôi muốn nói về những xưởng máy bị đóng cửa từng có thời cung ứng một cuộc sống no đủ cho nam cũng như nữ thuộc đủ mọi chủng tộc, và những căn nhà hiện phải đem rao bán của những người Mỹ thuộc mọi tôn giáo, ở mọi khu vực, mọi giai tầng xã hội, và ông tiếp tục nhắc đến những vấn đề khó khăn, kể cả cuộc chiến Iraq mà người dân Mỹ đang phải đối diện.

Trong một nhận định đưa ra trên tờ New York Times số ra ngày 25 tháng 3, cây bút Bob Herbert đưa ý kiến 'quốc gia này có thể hãnh diện về bước tiến thật dài kể từ năm 1968 (khi tiến sỹ Martin Luthe King, dẫn đầu phong trào tranh đấu cho dân quyền bị ám sát) nhưng vẫn còn hàng triệu người phẫn nộ hay sợ hãi trước hố sâu của ngộ nhận. Gạt bỏ chính trị sang một bên, bài diễn văn của thượng nghị sỹ Obama là một nơi tuyệt vời để từ đó chúng ta bắt đầu công việc khó khăn hầu bắc nhịp cầu bước qua hố sâu chia rẽ'.

Và mức độ ủng hộ của cử tri dành cho Thượng nghị sỹ này vẫn cao, cũng như số tiền mà ông gây quĩ tranh cử vẫn ở mức kỷ lục, một dữ kiện nữa để chứng minh rằng nước Mỹ đã tiến một bước thật xa trong việc khắc phục vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG