Đường dẫn truy cập

Nguy cơ quân sự hóa vũ trụ


Mới đây, Ngũ Giác Đài đã bắn rơi một vệ tinh trinh sát bị hỏng. Năm ngoái, Trung Quốc dùng tên lửa phá hủy một trong số những vệ tinh bị trục trặc kỹ thuật của họ. Hai sự kiện này đã làm cho một số chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian. Trong câu chuyện 'Khoa học Không gian' hôm nay, Nguyễn Lê sẽ đề cập đến những bước phát triển có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa vũ trụ, dựa trên tường trình của Thông tín viên đài VOA Aida Akl.

Nhìn theo góc độ lịch sử, các hoạt động không gian trước nay chỉ giới hạn trong lĩnh vực thăm dò khoa học, thương mại, liên lạc và điều hướng quân sự, cũng như thu thập thông tin tình báo và xác minh sự tuân thủ của các quốc gia đối với các điều ước về kiểm soát vũ khí. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng không gian nay đã trở thành một phần không thể tách rời của các hoạt động quân sự, đặc biệt là ở phương Tây. Sau khi diễn ra việc Hoa Kỳ và Trung Quốc dùng tên lửa phá hủy các vệ tinh bị trục trặc kỹ thuật, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng các quốc gia khác cũng có thể phát triển những khả năng chống vệ tinh như thế và sử dụng không gian vào mục đích quân sự.

Bà Theresa Hitchens, giám đốc Trung tâm Thông tin Quốc phòng ở Thủ đô Washington, lo ngại rằng đây có thể là sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang.

Bà Hitchens nói: "Rõ ràng là cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, và rất có thể là có nhiều nước khác nữa, đã tiến hành nghiên cứu về những công nghệ có thể được dùng cho các loại vũ khí đặt trên mặt đất để chống vệ tinh hoặc cho các loại vũ khí đặt trong không gian. Nói như thế không nhất thiết có nghĩa là một nước nào đó đang sắp cho triển khai một thứ vũ khí nào đó, nhưng chắc chắn là cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đang nghiên cứu về những loại công nghệ như la-de chẳng hạn. La-de có thể được dùng để theo dõi các vệ tinh, nhưng đồng thời nó cũng có thể được dùng để phá hủy các vệ tinh. Do đó, công nghệ này đang được các nước chú ý nhiều hơn. Điều chưa được rõ ràng là không biết những động cơ thúc đẩy này có đủ mạnh hay không để bắt buộc các quốc gia phải hoàn toàn đi theo con đường phát triển những khả năng chống vệ tinh."

Trong thập kỷ 1980, Hoa Kỳ và Liên Bang Xô Viết đã thí nghiệm các loại vũ khí chống vệ tinh. Giám đốc Hitchens nói rằng sau đó cả hai nước đều không theo đuổi các chương trình liên hệ nữa vì quá tốn kém cũng như quá khó khăn về mặt công nghệ, và vì không biết chắc về những nhược điểm của các loại vũ khí này, đặc biệt là khả năng có thể vô tình gây ra một cuộc xung đột.

Sự quan trọng của không gian đã tăng lên trong mấy năm vừa qua, với phần lớn các hoạt động thông tin-liên lạc ngày nay phải tùy thuộc vào vệ tinh. Phát biểu trên một diễn đàn mới đây tại Viện Độc lập ở Thủ đô Washington, ông Peter Hayes, một nhà phân tích cấp cao thuộc Cơ quan An ninh Không gian Quốc gia Hoa Kỳ, ghi nhận rằng việc xác định mục tiêu và điều hướng quân sự ngày càng tùy thuộc nhiều hơn vào không gian từ khi nổ ra cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh Ba Tư năm 1991.

Ông Hayes nói: "Trong các cuộc hành quân hiện nay tại Iraq và Afghanistan, chúng ta đã thực hiện một sự đảo ngược gần như hoàn toàn giữa việc sử dụng các loại bom đạn không điều khiển và bom đạn có điều khiển. Hồi năm 1991, chỉ có 7 phần trăm số bom đạn được ném hoặc phóng từ trên không xuống có gắn những thiết bị điều khiển chính xác. Năm 1999, chúng ta tiến hành chiến dịch không tập của NATO trên vùng trời của Kosovo và Serbia. Trong trường hợp đó, số lượng bom đạn được điều khiển chính xác do các lực lượng NATO sử dụng trong cuộc xung đột liên hệ tăng lên khá cao. Chúng ta thấy loại vũ khí có tên là Bom tấn công trực tiếp hỗn hợp--gọi tắt theo tên tiếng Anh là JDAM--được đem ra sử dụng lần đầu tiên. Đây là một thiết bị do hệ thống định vị toàn cầu hướng đẫn được gắn vào các quả bom thông thường để biến chúng thành những quả bom được điều khiển một cách chính xác cao độ đến mục tiêu. Đến năm 2003, tỷ lệ số bom được điều khiển này là 70 phần trăm."

Sự kết hợp những vũ khí đặt trong không gian với những phương tiện chiến tranh quy ước cho phép thực hiện những trận oanh tạc chính xác ở những tầm xa lớn, giúp giảm bớt số binh sĩ cần thiết phải có trên bộ.

Cũng lên tiếng tại Viện Độc lập là ông Jeff Kueter, một chuyên gia thuộc Viện George C. Marshall, một tổ chức nghiên cứu khoa học và chính sách công cũng đặt trụ sở ở Thủ đô Washington. Ông Kueter nói rằng sự kết hợp này là một hiện tượng mới mẻ về phương cách sử dụng không gian.

Ông Kueter nói: "Việc sử dụng các phương tiện trong không gian như các vệ tinh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là nhằm các mục đích ngăn ngừa khủng hoảng. Nhưng ngày nay, chúng đã trở thành những mục tiêu để tấn công, bởi vì những phương tiện đó, nếu bị tấn công và tiêu diệt, có thể giúp cho kẻ tấn công đạt được một lợi thế thật sự ngay trước mắt hay về lâu về dài, tùy theo tầm cỡ của cuộc tấn công. Ngày nay, chúng ta đang hoạt động trong một môi trường đã khác hơn về cơ bản. Các cuộc thảo luận của chúng ta về vấn đề kiểm soát vũ khí phải được hướng dẫn bởi nhận thức đó."

Nhiều nhà phân tích lập luận rằng cái giá phải trả cho sự thành cing hay thất bại trong một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân cao hơn nhiều do tiềm năng gây ra chiến tranh hạt nhân của nó.

Theo Bà Nancy Gallagher, một chuyên gia làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh thuộc Trường Đại học Maryland, nhiều người cho là những tác động của một cuộc tấn công nhắm vào một vệ tinh sẽ chỉ giới hạn trong không gian. Nhưng bà nói rằng vệ tinh có thể bị phá hỏng bằng cách gây nhiễu và bằng cách tấn công vào các trạm vệ tinh mặt đất, và điều này có thể tàn phá các hệ thống điều hướng và thông tin liên lạc toàn cầu.

Bà Gallagher nói: "Còn có một mức độ tấn công khác, đó là nếu quý vị có khả năng phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, quý vị có thể, ít ra về mặt lý thuyết, đưa những vật tạp nhạp lên quỹ đạo thấp. Có thể quý vị sẽ không đủ sức tấn công một vệ tinh cụ thể nào đó. Nhưng quý vị vẫn có thể gây trở ngại cho việc sử dụng không gian. Nếu quý vị bắt đầu nghĩ đến việc dân chúng trên khắp thế giới phải tùy thuộc nhiều đến mức nào vào các vệ tinh, đặc biệt là điều gì sẽ xảy ra nếu quý vị bắt đầu mở những cuộc tấn công có tác động phá hủy rất nhiều vệ tinh và tạo ra rất nhiều mảnh vụn khiến cho quỹ đạo thấp hơn trong không gian không còn sử dụng được nữa, thì điều đó có thể gây ra những hậu quả cực kỳ rộng lớn."

Việc Trung Quốc phá hủy một vệ tinh khí tượng bị trục trặc hồi năm ngoái đã để lại một số rất nhiều những mảnh vụn bay trên quỹ đạo Trái Đất. Vì những mảnh vụn đó có thể phá hủy một cách dễ dàng những vệ tinh khác, nhiều nhà phân thích lo ngại rằng, trong điều kiện chưa có những quy định về việc sử dụng không gian, một cuộc chạy đua vũ trang có thể làm cho không gian không còn sử dụng được nữa.

Sau đây là ý kiến của bà Theresa Hitchens, giám đốc Trung tâm Thông tin Quốc phòng ở Thủ đô Washington:

"Khi người Trung Quốc phá hủy vệ tinh khí tượng của họ, một vệ tinh nhỏ, nặng vào khoảng 1 tấn, thì họ đã tạo ra 2,600 mảnh vụn trong không gian, mỗi mảnh lớn hơn một quả bóng chày. Đó là số mảnh mà chúng ta nhìn thấy được. Theo một số ước tính thì thật ra họ còn tạo ra 150 ngàn mảnh vụn không gian nhỏ bằng một hòn bi mà chúng ta không thể nhìn thấy. Hầu hết các vệ tinh thông tin – liên lạc và vệ tinh quân sự đều nặng vào khoảng 10 tấn hay hơn nữa. Nếu một trong số những vệ tinh đó bị phá hủy, nó có thể tạo ra một số khổng lồ những mảnh vụn trong không gian. Do đó, trong một cuộc chiến tranh nóng trong không gian, quý vị có thể nhanh chóng tiến đến chỗ thực sự làm cho các vệ tinh không hoạt động được trong quỹ đạo liên hệ. Và đó sẽ là một điều kinh khủng thật sự cho nhân loại."

Điều khiến cho bà Hitchens lo ngại là sự cạnh tranh khu vực. Bà nói rằng thí dụ như khả năng chống phá vệ tinh của Trung Quốc có thể thúc đẩy một nước như Ấn Độ phát triển một chương trình tương tự. Rồi tới lượt Pakistan cũng có thể cảm thấy bị bắt buộc phải làm theo gương Ấn Độ. Theo bà Hitchens, điều đó có thể đưa đến việc Iran và các nước khác cũng làm như vậy.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG