Đường dẫn truy cập

Phúc trình cho thấy kinh tế Châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng


Một bản phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục trong năm nay, mặc dù kinh tế Hoa kỳ dự kiến sẽ rơi vào suy thoái. Nghiên cứu này cũng cho hay rằng cùng với yếu tố bất ổn của nền kinh tế Hoa kỳ, sự tăng giá thực phẩm và những chính sách nông nghiệp yếu kém sẽ là những thách thức chính đối với khu vực Á Châu.

Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình dương, gọi tắt là UNESCAP cho hay: kinh tế của các nứơc đang phát triển trong khu vực này dự kiến sẽ tăng trưởng với một tỉ lệ thấp hơn chút đỉnh trong năm nay. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình sẽ là 7,7% trong năm 2008, thấp hơn con số 8,2% của năm ngoái.

Kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng ở mức 10,7%, trong khi Ấn Độ tăng 9%. Và người ta có thể trông đợi rằng các nền kinh tế phát triển trong khu vực sẽ tăng trưởng với tỉ lệ 1,6% trong năm nay, so với 2% đã đạt được trong năm 2007. Bà Shamika Sirimanne, một kinh tế gia kỳ cựu của UNESCAP tại Bangkok. Bà nói rằng tuy tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực sẽ chậm lại chút đỉnh trong năm nay, tốc độ này vẫn cao hơn thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á.

Bà Sirimanne nói: “Chúng tôi nghĩ rằng các nền kinh tế này rất có sức bật. Họ có mức nợ thấp, thâm thủng ngân sách nằm dưới sự kiểm soát, nhiều nước có thặng dư mậu dịch, và lại có khoảng 3 ngàn 500 tỉ đôla dự trữ. Thêm một yếu tố nữa là vào lúc này, các nền kinh tế trong khu vực này chỉ bị phô nhiễm rất ít với vụ khủng hoảng phát sinh từ những khoản tiền cho vay mua nhà ở Mỹ.”

Tuy nhiên, bà Sirimanne cũng cảnh báo rằng khu vực này vẫn đương đầu với nhiều điều không chắc chắn, đặc biệt đối với mức độ trì trệ trong nền kinh tế ở Hoa Kỳ. Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh rằng vấn đề thực phẩm tăng giá là một vấn đề nghiêm trọng hơn so với vấn đề nhiên liệu tăng giá, bởi vì thực phẩm chiếm một tỉ lệ lớn hơn nhiều trong chi phí tiêu dùng của người dân.

Ví dụ như tại Ấn Độ, và Indonesia, thực phẩm chiếm gần phân nửa tổng số chi tiêu của người tiêu thụ.Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc nói rằng giá thực phẩm trên thế giới đã tăng vọt lên 23% hồi năm ngoái. Ngũ cốc tăng 42% trong khi các sản phẩm làm từ sữa tăng khoảng 80%.

Phúc trình của tổ chức UNESCAP nhấn mạnh rằng sự xao lãng kinh niên trong nông nghiệp ở Châu Á đã đẩy 218 triệu người lâm vào cảnh cực kỳ nghèo khó.Ông Malcolm Cook là Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện nghiên cứu Lowy ở Australia, nói rằng những người hoạch định chính sách tại một số nứơc ở Châu Á, trong đó có Philipin và Indonesia đã thất bại trong việc cải thiện những phần thiết yếu trong cơ sở hạng tầng ở nông thôn. Ông này nói thêm rằng điều đó đã gây cản trở cho sản lượng nông nghiệp.

Ông Cook nói: “Bảo trì và mở rộng hệ thống tưới tiêu, và cải thiện các hệ thống đường xá để đưa sản phẩm từ ruộng đồng ra thị trường. Đó phải là những mục tiêu chủ yếu của các chính sách nông nghiệp.”

Bản phúc trình kêu gọi chính phủ các nứơc tập trung vaò việc cải thiện năng suất nông nghiệp, như nối kết các vùng nông nghiệp nghèo nàn với các thành phố và thị trường, và taọ điều kiện dễ dàng hơn cho nông dân vay tiền và mua bảo hiểm mùa màng.Sản xuất nông nghiệp tạo ra công ăn việc làm cho 60% dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực này.

Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc nói rằng trong khi các nứơc phát triển trong khu vực như: Australia, Nhật bản, và New Zealand có thể gặp phải tình trạng thị trường tài chính sụt giảm do khủng hoảng tín dụng ở Hoa kỳ, thì các nước đang phát triển ít bị ảnh hưởng hơn.

Các nước như Campuchia, Việt Nam và Bangladesh tham gia ít vaò các thị trường tài chính quốc tế, thì chỉ bị ảnh hưởng rất nhỏ. Tuy nhiên, bản phúc trình cũng cảnh báo rằng nếu nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu, thì các nứơc đang phát triển sẽ gặp tình trạng xuất khẩu bị giảm.

Trong số các dấu hiệu của sự tiến bộ kinh tế trong năm ngoái, bản phúc trình nêu lên sự kiện là Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong một vài tỉnh nghèo ở miền tây Trung Quốc. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các cư dân nông thôn và thành thị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG