Câu chuyện phụ nữ kỳ này thuật lại bài của biên tập viên Faith Lapidus viết về người nữ chủ tịch của một tổ chức bảo vệ quyền lợi của súc vật ở Hoa Kỳ có tên gọi tắt là PETA, cũng trong loạt bài nói về những người Mỹ nổi tiếng đã tạo được sự khác biệt trong lề lối suy nghĩ và sinh hoạt của người dân ở Hoa Kỳ.
Bà Ingrid Newkirk nhớ lại mình đã hết lòng chăm lo cho súc vật hồi bà đang lớn lên ở bên Anh và Ấn Độ vào thập niên 1950 và 1960. Bà đã đem về nhà những con chó và con mèo đi lạc và cứu những con chim non từ tổ rơi xuống. Bà nói bà biết rằng ai đó đánh đập một con ngựa hay đá một con chó là sai trái, nhưng bà không hề liên hệ những con vật mà bà chăm lo với những con vật mà bà ăn hay lông thú mà bà mặc trên người.
Điều đó đã thay đổi khi bà làm nhân viên công lực ở tiểu bang Maryland, và có lần được phái đến một trang trại nơi những người chủ trại đã bỏ rơi súc vật và để cho chúng chết đói. Chỉ có một con lợn con còn sống sót khi bà đến nơi. Bà Newkirk đã dùng tay vốc nước cho chú heo uống, và bà nhớ lại chú heo đã ủn ỉn tỏ lòng biết ơn bà.
Bà Newkirk nói: “Công việc làm nhân viên công lực của tôi là truy tố những người độc ác với con heo đó, nhưng khi tôi lái xe về nhà đêm hôm đó, tôi tự hỏi mình sẽ ăn gì cho bữa tối đây. Và tôi chợt nghĩ, ‘Ở phải rồi, mình đã rã đông những miếng sườn heo.’ Thế là lần đầu tiên trong đời, tôi sực tỉnh. Tôi nhận ra rằng, tôi đã chi tiền ra để một con vật phải chịu đau đớn, bằng những cách kinh khủng trong lò sát sinh, thế mà tôi còn sắp truy tố người khác vì đã độc ác với chú heo mà tôi nhìn thấy, chú heo tôi đã gặp. Thế có phải là sai không. Và từ đó tôi ngừng không ăn thịt tất cả các loài vật nữa.”
Bà sáng lập PETA, mẫu tự đầu của cụm từ tiếng Anh People for the Ethical Treatment of Animals – Những người tranh đấu đòi đối xử nhân đạo với súc vật – vào năm 1980, với sứ mạng rộng lớn hơn là chủ trương ăn chay. Tổ chức này tranh đấu để chấm dứt sự đau khổ của các con vật tại những nông trại nhà máy, trong kỹ nghệ quần áo, trong kỹ nghệ giải trí và trong các phòng thí nghiệm.
Bà Newkirk nói: “Ở thế kỷ thứ 21 này, ta không cần phải thí nghiệm dầu gội đầu, và thuốc làm bóng sàn nhà trên súc vật bằng những phương pháp thô bạo. Nhưng cần phải có phản ứng rộng lớn của quần chúng trước khi ngưng làm việc đó. Thật ra thì chúng tôi đã nhờ các nhà khoa học của PETA đến nói chuyện với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và đã chứng minh với họ rằng có những cách thí nghiệm hiện đại không cần dùng đến thú vật mà lại mau chóng hơn, hữu hiệu hơn nhiều, và áp dụng chính xác hơn với điều kiện con người.”
Bà Newkirk so sánh lập trường không khoan nhượng của PETA về quyền của súc vật với cuộc tranh đấu đòi bình quyền phụ nữ, hoặc với phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ.
Bà Newkirk nói: “Chúng tôi không muốn những sợi dây xiềng dài hơn cho nô lệ, con người muốn được tự do. Súc vật cũng muốn được tự do! Chúng ta vẫn còn nô lệ, chúng ta vẫn có những hành động khủng khiếp, chúng ta chỉ hướng các hành động đó vào một lớp nạn nhân khác. Tôi nghĩ vấn đề nguyên tắc là quan trọng: nếu ta chống lại bạo lực, và nếu ta chống lại việc gây hại một cách vô ích cho người khác, và hoàn toàn tán đồng việc hành xử tử tế và nhân ái, thì ta phải tranh đấu cho quyền của súc vật.”
Trong 28 năm qua, tổ chức PETA đã thuyết phục các nhà thiết kế thời trang lớn không dùng lông thú trong các sản phẩm của họ. Tổ chức cũng giúp chấm dứt việc sử dụng súc vật trong các cuộc thử nghiệm tai nạn xe hơi và hợp tác với các nhà hàng thức ăn nhanh hay các cửa hàng thực phẩm mua thịt của những nhà cung cấp nào có thể chứng minh được là các con vật được đối xử một cách nhân đạo. Nhưng điều khiến bà Newkirk hãnh diện nhất là ảnh hưởng của PETA đối với công chúng.
Bà Newkirk nói: “Tôi nghĩ ảnh hưởng hay nhất là nhìn thấy nhiều người bắt đầu nghĩ về cách đối xử của họ với súc vật, và tự đảm nhận trách nhiệm; họ không chờ đợi chính phủ, mà truy cập website của chúng tôi, gọi cho chúng tôi và hỏi những câu như, Hội có thể cho chúng tôi biết có thể làm gì thay vì mổ một con mèo trong lớp học, có lựa chọn nào khác không. Hoặc tôi có thể mua giầy không phải làm bằng da súc vật ở đâu. Hoặc cách tốt nhất có phải là bắt đầu ăn chay hay không. Đó là những thành quả tuyệt diệu, chỉ riêng số lượng người quan tâm giống như họ đã quan tâm lần đầu tiên đến phong trào môi sinh có lẽ cách đây 20 hay 25 năm, thì nay họ đã quan tâm đến việc bảo vệ súc vật.”
Bà Newkirk nêu ra điểm là công chúng đi đâu thì các cơ sở kinh doanh theo đó.
Bà Newkirk nói: “Các công ty bây giờ nhận ra rằng người tiêu thụ sẽ thích họ hơn nếu họ không làm cho súc vật đau đớn một cách không cần thiết. Có được sự biến chuyển là nhờ từng cá nhân một.”
Trong cuốn sách mới của bà có tựa là 'Making Kind Choices', bà Ingrid Newkirk đã phác họa thêm nhiều cách để mỗi người có thể tiếp tục tạo được sự biến chuyển đối với súc vật.