Câu chuyện Phụ nữ kỳ này thuật lại bài của biên tập viên Adam Phillips viết cho loạt bài với chủ đề 'Chân dung những nhân vật đã tạo được biến chuyển trong lề lối suy nghĩ, hành động và sinh hoạt của người Mỹ'. Bài này nói về một phụ nữ hoạt động chính trị tên là Naomi Wolf, tác giả cuốn The Beauty Myth - Huyền thoại Sắc đẹp, The End of America – Tận cùng của nước Mỹ, và các tác phẩm khác.
Bà Naomi Wolf lớn lên trong một gia đình cực kỳ cấp tiến ở San Francisco thuộc tiểu bang California, trong một nền văn hóa mà sự bình đẳng và tôn trọng giữa các phái và chủng tộc được coi là đương nhiên. Bà nói rằng sự kiện đó khiến bà khó lòng trở thành một người hăng say tranh đấu cho nữ quyền.
Bà Wolf nói: “Lúc tôi lớn lên thì tôi có cảm tưởng rằng tất cả chúng ta sẽ được giải phóng khỏi những bó buộc về chủng tộc và phái tính. Tôi tưởng là chuyện đó đã xong rồi!”
Nhưng thất vọng đã đến với bà khi bà đang theo học tại trường đại học Yale hồi đầu thập niên 1980. Bà Wolf nói rằng một vị giáo sư rất được kính nể mà bà hy vọng gây được ấn tượng bằng sự thông minh đã có thái độ tán tỉnh một cách tầm thường và bất xứng, và đến khi bà khiếu nại thì trường đã không có biện pháp gì.
Bà Wolf nói: “Không thể nào đánh giá quá mức sự phẫn nộ của một phụ nữ trẻ tuổi khi người đó trông chờ vào một hệ thống đem lại cơ hội và quyền lợi dựa vào khả năng, mà phải đứng lên chống lại thái độ kỳ thị giới tính nặng nề như thế từ phía một tổ chức. Do đó mà sự bất mãn tôi cảm thấy lúc đó chắc đã hướng tôi đi theo một hướng khác từ một người làm thơ và phê bình văn học bước qua con đường tranh đấu cho nữ quyền nhiều hơn.”
Vào khoảng thời điểm này, bà Wolf cũng bắt đầu nhận thấy một thói quen đáng ngại trong các nữ sinh viên đại học đồng lứa với bà. Đó là nhiều người tỏ vẻ quá quan tâm đến ngoại hình của họ.
Bà Wolf nói: “Động cơ thúc đẩy tôi thực hiện tác phẩm đầu tay của tôi chắc chắn là việc quan sát quanh tôi ở trường Yale, và nhìn thấy không biết bao nhiêu thiếu nữ rất giỏi, có tài, có lý tưởng đã phải chịu đựng các rối loạn về dinh dưỡng và bị ám ảnh về chuyện tập thể dục và sự kiện này đã làm suy yếu đến mức nào khả năng thay đổi thế giới của họ hoặc tận dụng sự tự do của chính họ.”
Nhận định này cuối cùng đã khiến bà Wolf viết cuốn Huyền thoại về cái đẹp: Các hình ảnh về sắc đẹp được dùng để chống lại phụ nữ ra sao. Xuất bản năm 1991, cuốn sách này đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong nước và một kinh điển trong văn chương nữ quyền.
Bà Wolf nói: “Cơ bản lập luận là trong nhiều trường hợp, khi nào phụ nữ đạt được tiến bộ về mặt chính trị, ở phương Tây này, là sẽ có phản ứng liên quan đến các ý thức hệ về phụ nữ, và phản ứng này có thể và mới đây đã xuất hiện dưới hình thức các khái niệm thô sơ và cứng nhắc về cái đẹp.”
Bà Wolf nói rằng trong nhiều buổi thuyết trình trước công chúng, bà thường mời các thành viên trong cử tọa mô tả người phụ nữ đẹp lý tưởng, và trên khắp thế giới bà thường nhận được một câu trả lời.
Bà Wolf nói: “Ấy là một người phụ nữ trẻ tuổi cao, mảnh mai, gốc Âu, thường là tóc vàng, có bộ ngực tròn trĩnh. Đó không phải là hình ảnh của đa số phụ nữ trên thực tế. Đó chỉ là huyền thoại và được dựng lên bởi 3 ngành công nghiệp khổng lồ – công nghiệp mỹ phẩm, công nghiệp dinh dưỡng theo chế độ, và công nghiệp giải phẫu thẩm mỹ – tất cả đều hoạt động nhờ quảng cáo và họ biết là hàng triệu đôla lợi nhuận tùy thuộc vào việc làm cho phụ nữ cảm thấy không hài lòng với ngoại diện của mình.”
Bà Wolf lập luận: “Nhưng tác dụng thực sự của nó là ngăn cản người phụ nữ phát huy tiềm năng của mình trên thế giới. Và tôi tin rằng chúng ta có rất nhiều vấn đề. Hơn một nửa nhân loại cần được giải phóng và hành động như các tác nhân thay đổi.”
Thay đổi chính là tâm nguyện của bà Wolf. Tác giả và diễn giả này nói rằng từ lâu bà đã chán tình trạng những người tranh đấu cho nữ quyền chỉ biết than van về sự bất bình đẳng trong lương bổng, hay không được đại diện đầy đủ trong chính trường hay kinh doanh, mà không có hành động gì để giải quyết sự bất mãn đó. Vì thế vào năm 1997, bà Wolf đã đứng ra thành lập một học viện có tên là Woodhull Institute for Ethical Leadership. Mục đích là rèn luyện cho phụ nữ các kỹ năng để thành lập những cơ sở hoạt động riêng của mình.
Bà Wolf nói: “Dậy cho họ căn bản về tài chính và kinh doanh để họ có thể điều hành cơ sở kinh doanh riêng của mình. Dậây cho họ cách thức ra tranh cử để họ có thể nắm quyền hành trong chính phủ. Dậy cho họ viết những bài xã luận để có thể tạo ảnh hưởng trong các cuộc tranh luận trước công chúng... Và cũng dậy cho họ các tiêu chuẩn đạo đức không những chỉ để đem lại sức mạnh cho phụ nữ trở thành các nhà lãnh đạo đầy tham vọng – mà chúng ta đã có nhiều rồi – mà còn để huấn luyện cho họ trở thành những người tốt, bởi vì như thế thì họ mới thay đổi được các cơ chế.”
Bà Wolf nói rằng động cơ giúp bà viết và hô hào thay đổi là nhiệt tình của bà đối với tự do cá nhân và tự do dân chủ.
Bà Wolf nói: “Tôi thực sự tin rằng không có điều gì trên hành tinh này quan trọng hơn là ý thức tự do, và để mọi người trên khắp thế giới được sống trong tự do ngõ hầu họ có thể có ý thức tự do đó."
Bà Wolf bầy tỏ mối quan tâm cấp thiết đối với các quyền tự do đã được ghi trong Hiến pháp Hoa Kỳ trong tác phẩm bán chạy mới đây nhất của bà có tên là The End of America, Tận cùng của nước Mỹ. Cuốn sách của bà vạch ra kế hoạch 10 bước mà bà cho là các nhà độc tài trong lịch sử đã sử dụng để đè bẹp các chế độ dân chủ tự do, cởi mở.
Đó là đường lối mà bà khẳng định rằng chính phủ Bush đã áp dụng trong thế giới sau biến cố 9 tháng 11. Tuy lời cáo buộc của bà gây nhiều tranh cãi, bà Naomi Wolf vẫn kiên quyết quảng bá nó trong những cuộc phỏng vấn với giới truyền thông và những cuộc diễn thuyết trước công chúng khắp Hoa Kỳ và trình bầy nhiệt tình đặc biệt của bà đối với sức mạnh của các ý kiến.