Đường dẫn truy cập

EIA: Việt Nam sử dụng gỗ nhập lậu


Các nhóm bảo vệ môi trường nói rằng ngành đồ gỗ từng giúp Việt Nam thu hoạch 2 tỉ 400 triệu đôla hồi năm ngoái, một phần là do đưa khoảng nửa triệu mét khối gỗ lậu từ Lào.

Theo các cuộc điều tra do một tổ chức bảo vệ môi trường ở bênh Anh, có tên gọi tắt là EIA, hợp tác với một tổ chức phi chính phủ ở Indonesia có tên là Telapak, thì từ 7 năm qua, Việt Nam đã sử dụng gỗ lậu nhập từ Kampuchia, Lào và Indonesia, nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới tăng gấp 10 lần, tính từ năm 2000.

Phúc trình do hai nhóm EIA và Telapak hợp soạn, nói rằng Việt Nam có thành tích khó có nước nào sánh bằng, khi nói đến chuyện sử dụng gỗ lậu.

Các phúc trình trước đây chỉ nói Việt Nam sử dụng gỗ lậu đến từ Kampuchia kể từ cuối thập niên 1990, và đến từ Indonesia kể từ năm 2003. Bước sang năm 2005, Việt Nam mới bắt đầu sử dụng gỗ lậu đến từ Lào.

Theo lời ông Julian Newman, Trưởng ban Nghiên cứu Lâm nghiệp của tổ chức bảo vệ môi trường EIA, thì dựa trên những quan sát dã ngoại, EIA ước tính Việt Nam đốn ít nhất nửa triệu mét khối gỗ của Lào mỗi năm.

Chuyện buôn bán trái phép gỗ giữa Lào và Việt Nam trị giá khoảng 250 triệu đôla một năm, từ đó biến thành những món thu nhập xuất khẩu to lớn cho Việt Nam, quốc gia bây giờ được xem là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng gỗ nhiều nhất thế giới.

Ngoài Việt Nam, Thái Lan và Singapore cũng can dự vào những vụ đốn gỗ lậu tại Lào, nhờ biết thu xếp với các quan chức của Lào, mặc dù từ 10 năm qua, chính phủ Lào có chính sách cấm xuất khẩu gỗ tươi.

Tổ chức EIA đã cho người cải trang thành những nhà thu mua gỗ, ghi lại được những hình ảnh và lời nói cho thấy ông Prakit Sribussaracum, chủ nhân một công ty xuất khẩu hàng gỗ của Thái Lan, nhìn nhận ông có hối lộ cho các quan chức của Lào để được quyền đốn gỗ ở miền Đông của Lào.

Hai tổ chức EIA và Telapak kêu gọi Châu Âu và Hoa Kỳ ban hành những bộ luật cấm nhập khẩu hàng gỗ có xuất xứ từ chuyện đốn gỗ trái phép.

Tuy nhiên, bà Faith Doherty, chuyên viên chính trị của EIA nhìn nhận cũng khó mà xác định xuất xứ của các mặt hàng làm bằng gỗ, vì muốn như vậy phải trải qua những thủ tục rất phức tạp. Nhưng bà nói hiện nay đang có chiến dịch gây sức ép để Việt Nam cải tiến sự minh bạch trong việc kê khai nguồn gốc của gỗ.

Bà cho biết: hiện nay các nước Châu Âu đang yêu cầu đối thoại không chính thức vói Việt Nam để Việt Nam có cơ hội chứng tỏ bằng lời nói là họ có quyết tâm giải quyết các nguồn cung ứng gỗ trái phép.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG