Đường dẫn truy cập

Thiết bị tạo ra điện bằng những cử động của con người, Lý do của màu mắt xanh


Trong câu chuyện 'Khoa Học và Đời Sống' hôm nay, Nguyễn Lê xin giới thiệu với quý thính giả một thiết bị dùng việc đi đứng của con người để tạo điện năng, và lý do khiến cho mắt của nhiều người có màu xanh, dựa trên tường trình của các thông tín viên Brianna Blake và Nancy Steinbach của đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA.

Chẳng bao lâu nữa những máy móc thiết bị chạy bằng điện có thể sử dụng năng lượng do các cử động của cơ thể con người tạo ra. Các nhà khoa học cho biết họ đã chế tạo được một thiết bị có tính cách thí nghiệm có thể tạo ra điện bằng những cử động của một người khi đi lại. Một báo cáo về thiết bị này đã được đăng tải trong số ra mới đây của tạp chí khoa học Science của Hoa Kỳ.

Ông Max Donelan là một giáo sư phụ giảng về khoa động lực sinh lý học tại Đại học Simon Fraser ở Burnaby, thuộc tỉnh bang British Columbia của Canada. Ông và các nhà khoa học khác ở Canada và Hoa Kỳ là người sáng chế ra thiết bị vừa kể.

Ông Donelan nói rằng: mục đích của công trình nghiên cứu do ông thực hiện là tích trữ năng lượng thu giữ được từ cử động đi lại theo một phương cách cho phép tạo ra điện năng mà không cần phải tăng thêm nỗ lực đi đứng.

Thiết bị này được nối với đầu gối của một người. Khi người này di chuyển, thiết bị thu giữ năng lượng mỗi khi người này đi chậm lại. Để làm được điều đó, thiết bị hỗ trợ cho động tác giảm tốc của chân người. Những động tác đi lại của người này giúp đẩy những bộ phận của một cổ máy nhỏ và máy này tạo ra điện năng.

Sử dụng thiết bị này, một người lớn đi nhanh có thể sản xuất được 13 watt điện trong 1 phút. Ông Donelan nói rằng tốc độ đi bộ như thế có thể tạo ra điện năng đủ dùng cho một máy tính xách tay trong 6 phút.

Thiết bị này có thể có nhiều công dụng. Những người chế tạo nói rằng nó có thể giúp những người làm việc ở những nơi hoàn toàn không có điện sử dụng được những máy vi tính nhỏ hay máy điện thoại vô tuyến. Thiết bị này cũng có thể được dùng để chạy những máy móc y tế để cứu mạng con người, như máy điều hòa nhịp tim chẳng hạn. Nó cũng còn có thể được dùng để hỗ trợ cho cử động của các tay máy hay chân máy.

Mẫu máy thử nghiệm của thiết bị này cân nặng vào khoảng nửa kilôgam. Hiện nay giá nó quá cao nên ít người mua nỗi. Nhưng những nhà nghiên cứu hy vọng sẽ chế tạo được một kiểu máy nhẹ hơn và ít đắt tiền hơn.

Ông Donelan nói rằng một kiểu mới được cải tiến của thiết bị này chắc chắn sẽ được đưa ra thị trường trong vòng 1 năm nữa. Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng rằng thiết bị này sẽ hữu ích cho các quân nhân, vì nó có thể cung cấp điện năng cho những máy móc chạy bằng pin bằng cách giúp nạp điện lại cho số pin này khi người lính di chuyển bằng chân.

Những người chế tạo cũng hy vọng là một ngày nào đó thiết bị này sẽ giúp ích cho các nước đang phát triển. Hiện nay vẫn còn gần 25 phần trăm dân chúng trên thế giới không có điện để dùng trong đời sống hằng ngày.

Trong năm 2005, cũng có một thiết bị tương tự được sáng chế bởi Giáo sư Larry Rome của Đại học Pennsylvannia ở Hoa Kỳ. Giáo sư Rome làm ra một cái túi đeo lưng cũng có khả năng tạo ra điện khi người đeo túi bước đi. Thiết bị gắn vào đầu gối của ông Max Donelan không sản xuất được nhiều điện bằng túi đeo lưng của ông Larry Rome. Nhưng cái túi đeo lưng này bắt buộc người sử dụng nó phải mang một trọng lượng từ 20 đến 30 kilôgam.

Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch nói rằng thoạt tiên tất cả mọi người trên thế giới đều có mắt màu nâu, cho đến khi một sự thay đổi trong thứ tự của các gen tạo ra đôi mắt màu xanh đầu tiên. Cũng theo các nhà nghiên cứu này, những người có mắt xanh đều có một tổ tiên duy nhất. Họ đã phát hiện ra rằng những người mắt xanh có liên hệ về mặt di truyền học với con người đầu tiên có mắt xanh. Người ta tin rằng con người đó đã sống cách đây từ 6 đến 10 ngàn năm.

Những phát hiện này được toán nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen ở Đan Mạch công bố trong tạp chí Di truyền học Nhân loại.

Các thành viên của toán nghiên cứu xem xét gen của những cá nhân có mắt xanh ở những nước như Đan Mạch, Ấn Độ, Jordanie và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ thấy rằng hầu hết những người có mắt xanh đã thay đổi thứ tự của các gen nằm gần một gen được gọi là OCA Hai. Trên 99 phần trăm những người được nghiên cứu có cùng sự khác biệt này trong chất liệu di truyền của họ. Một thành viên của toán nghiên cứu, ông Hans Eiberg, nói rằng tất cả những người này đều có cùng sự thay đổi đó ngay tại một nơi như nhau.

Các nhà nghiên cứu nói rằng kết quả của sự thay đổi thứ tự của gen là sự thiếu màu nâu trong mống mắt. Họ nói rằng sự thay đổi này làm ngưng việc sản xuất chất mêlanin trong mắt. Mêlanin là chất tạo ra màu của mắt, da và tóc con người.

Các nhà nghiên cứu nói rằng con người đầu tiên có thứ tự gen bị thay đổi không có mắt màu xanh. Như thế là bởi vì màu mắt của một người là do tổng hợp các gen của cả bố lẫn mẹ truyền cho người đó tạo ra. Một người sẽ không có mắt xanh nếu không được cả bố mẹ truyền cho một loại gen như nhau. Do đó, một đứa trẻ có một gen tạo ra mắt màu nâu và một gen tạo ra mắt màu xanh sẽ có đôi mắt màu nâu.

Con người đầu tiên có đôi mắt màu xanh là sản phẩm của hai người có mắt màu nâu. Nhưng cả hai người này đều có một gen mắt màu nâu và một gen được biến đổi để tạo ra mắt màu xanh. Những loại gen tạo ra mắt màu xanh đó kết hợp với nhau trong con người có mắt xanh đầu tiên.

Toán nghiên cứu người Đan Mạch đoán rằng có lẽ người đó đã sinh sống trong một vùng nằm về phía tây bắc Biển Đen. Họ nói rằng điều này có thể giải thích vì sao phần lớn những người có mắt màu xanh được tìm thấy ở miền bắc Châu Âu và miền nam nước Nga.

Cũng theo các nhà nghiên cứu này thì họ chưa biết vì sao loại gen tạo ra màu mắt xanh đã tồn tại và lan rộng được. Họ ước tính rằng hiện nay loại gen bị thay đổi đó được tìm thấy trong khoảng 300 triệu người và có khoảng 8 phần trăm dân số của thế giới có mắt màu xanh.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG