Đường dẫn truy cập

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân nói về công việc soạn thảo luật pháp của Iraq


Việc Hoa Kỳ gia tăng quân số tại Iraq gần một năm nay đã giúp quốc gia này đạt được một số tiến bộ quan trọng. Mới đây, đã có 3 dự luật quan trọng được quốc hội Iraq thông qua,nhưng một trong 3 dự luật đó đã bị bác và trả về cho quốc hội thảo luận lại. Để tìm hiểu về sự tiến triển trong lãnh vực làm luật cũng như tình hình an ninh và kinh tế của Iraq, ban Việt ngữ đài VOA đã tiếp xúc với tiến sỹ Đinh Xuân Quân, một chuyên gia về cải tổ hành chính và phát triển hiện đang làm việc tại Baghdad. Mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn với Lan Phương.

Cách nay một năm, Tổng thống Bush đã quyết định gửi quân tăng viện cho Iraq nhắm mục đích ổn định tình hình an ninh để giúp chính phủ nước này có đủ thời giờ tập trung vào việc củng cố nền móng luật pháp hầu xây dựng quốc gia. Theo chuyên gia Đinh Xuân Quân cho biết, quân số của Hoa Kỳ tăng viện đã giúp Iraq trong các lãnh vực sau đây:

"Rõ ràng là trong nhiều tháng qua thì tình trạng an ninh tốt hơn rất nhiều. Nhờ có an ninh các đảng phái mới có thể ngồi với nhau bàn về luật lệ chứ không phải lo về vấn đề an ninh. An ninh giúp rất nhiều cho các đảng phái có thời giờ và không bị chia trí để bàn thảo và thông qua các dự luật. Hiện giờ nhờ có an ninh, không những quốc hội có thể bàn về các dự luật mà kinh tế đã trở lại và dân chúng, nhất là ở thành phố Baghdad, đã tương đối trở lại gần như bình thường."

Trong lãnh vực lập pháp, mới đây quốc hội Iraq đã thông qua 3 dự luật quan trọng. Hai trong 3 dự luật liên quan đến ngân sách và ân xá đã được Hội Đồng Tổng Thống thông qua, còn dự luật thứ ba bị trả về để quốc hội thảo luận lại, liên quan đến bầu cử tại các tỉnh. Trong tư cách là chuyên gia cải tổ hành chính, ông Đinh Xuân Quân giải thích về đạo luật ngân sách mới của Iraq:

"Lần đầu tiên quốc hội có thể thông qua 3 dự luật. Đây là một quốc hội gồm nhiều đảng phái cho nên không nhất trí được trong vấn đề lập pháp. Luật đầu tiên là về ngân sách. Đến tháng 3 rồi mà bây giờ mới thông qua luật ngân sách, nghĩa là quốc hội làm việc rất chậm. Đáng lý ra ngân sách phải được thông qua từ tháng 11 hay tháng 12 để vào năm 2008 là có ngân sách. Dù có thông qua thì cũng là trễ rồi. Điều nên chú ý là: Ngân sách của Iraq là 42 tỉ đô la, tương đương với 80% tổng sản lượng của cả nước Việt Nam với 80 triệu người. Ở bên này chỉ có 25 triệu người, trong khi tổng sản lượng của Việt Nam chỉ từ 48 đến 52 tỉ đô la thôi. Ngân sách Việt nam rất nhỏ trong khi ngân sách ở bên này rất lớn. Như vậy xứ Iraq dư tiền chứ không phải thiếu tiền."

Đề cập đến đạo luật có mục đích giúp Iraq tiến đến việc hòa hợp hòa giải dân tộc bằng cách ân xá cho những cựu đảng viên đảng Baath, chuyên gia Quân cho biết thêm chi tiết:

"Hồi xưa, dưới chế độ Saddam Hussein kéo dài trên 35 năm, đa số người ta phải theo đảng Baath. Có thể một người như giáo viên tiểu học, một người công chức rất là thấp, thế là việc dầu tiên họ không được đi làm việc cho chính phủ hiện nay. Điều thứ hai, một số người bị bắt vì họ đã theo đảng Baath. Nhờ cái đạo luật ân xá này, những người đa số là gốc Sunni theo đảng Baath sẽ được thả và được chính phủ ân xá. Đó là một chuyện quan trọng. Nhưng trên thực tế, nhiều vùng như Basra hay vùng miền nam, nơi có nhiều người Shia thì mặc dù có được ân xá, chưa chắc họ đã tìm được việc làm. Hòa giải hòa hợp dân tộc cần phải có thời gian chứ không phải tự nhiên cứ có đạo luật mà có thể thành ra thực tế được."

Còn về dự luật bị Hội Đồng Tổng Thống Iraq bác và trả về cho quốc hội thảo luận lại liên quan đến việc bầu cử tại các tỉnh. Nói chung, đạo luật này nhắm mục đích tản quyền cho địa phương để thành lập một thể chế liên bang với quyền tự trị cao cho các tỉnh. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, việc chuyển giao đột ngột có thể đưa đến những hậu quả khó lường. Chính quyền trung ương Iraq cần phải giữ một số quyền kiểm soát nào đó đối với chính quyền địa phương, không thể nào một sớm một chiều giao quyền lại ngay lập tức cho các tỉnh, thế nên cần phải có các chương trình được soạn thảo kỹ lưỡng và thời gian chuyển tiếp. Riêng về dự luật chia nguồn lợi dầu hỏa có lẽ sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian nữa vì những lý do sau đây:

"Trước khi được đưa ra quốc hội bàn thảo thì dự luật này cần phải được hội đồng chính phủ đưa lên và chấp thuận. Quí vị cũng biết là chính quyền Iraq rất là mới, rất thiếu nhân sự có kinh nghiệm về chuyên môn. Vấn đề ở đây là chính phủ đang cố gắng họp lại các chuyên viên và chuyên gia về dầu hỏa và điện lực để có thể trình lên chính phủ một dự luật mà tương đối hội đồng chính phủ có thể chấp nhận được và từ đó hội đồng chính phủ mới có thể đưa lên quốc hội thảo luận. Do đó dự luật về chia xẻ nguồn dầu hỏa còn phải đòi hỏi rất nhiều thời gian vì Iraq đi từ một chính quyền tập trung tới một chính quyền liên bang nên phải mất nhiều thời gian vì đây là vấn đề chia xẻ quyền lợi từ trung ương cho tất cả các tỉnh hay tất cả các địa phương nên phải còn nhiều khó khăn mới thông qua được dự luật này."



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG