Đường dẫn truy cập

Thế giới lạc quan, dè dặt trước kế hoạch bầu cử đa đảng của Miến Ðiện


Chính quyền quân nhân Miến Điện mới đây loan báo rằng cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm nay và cuộc bầu cử quốc hội đa đảng sẽ diễn ra vào năm 2010. Trong khi có một số người nói rằng đây là một diễn tiến rất đáng khích lệ, một số người khác lại chống đối kịch liệt vì cho rằng quá trình soạn thảo hiến pháp có khuyết điểm nghiêm trọng và kế hoạch tổ chức bầu cử chỉ là một thủ đoạn trì hoãn của tập đoàn tướng lãnh Miến Điện trước áp lực của cộng đồng quốc tế. Duy Ái sẽ trình bày thêm các chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Hôm 9 tháng hai vừa qua, chính quyền Miến Điện cho biết rằng: họ sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới vào tháng 5 tới đây và bầu cử quốc hội vào năm 2010. Loan báo này đã được một số người Miến Điện và một số chính phủ của các nước trên thế giới đón nhận với sự lạc quan dè dặt. Họ cho rằng đây có thể là một bước tiến tích cực sau hơn 40 năm Miến Điện bị đặt dưới sự cai trị của quân đội. Trong một bài viết hôm thứ năm trên tờ Irrawaddy - một nhật báo của người Miến Điện lưu vong ở Thái Lan, nhà bình luận Zaw Moe nói rằng "qua các cuộc đầu phiếu này, tập đoàn tướng lãnh cầm quyền ép buộc đất nước đi theo một con đường phi dân chủ để tiến tới dân chủ."

Chính phủ Singapore - đang giữ chức chủ tịch luân phiên của khối ASEAN, cũng đưa ra một thông cáo nói rằng: đây là một "diễn tiến tích cực", tuy tiến trình này cần phải bao gồm nhiều thành phần để thúc đẩy hòa giải dân tộc. Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, cũng tuyên bố với báo chí rằng đây là một "diễn tiến đúng hướng", vì theo ông, tiến trình dân chủ hóa cần phải bắt đầu từ một chỗ nào đó, và giờ đây quá trình này đã có một khởi điểm rõ ràng và chắc chắn. Vị cựu ngoại trưởng Thái Lan này nói thêm rằng: sự bực giọc ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với các tướng lãnh ù lì của Miến Điện là một việc dễ hiểu, nhưng mọi người nên cho họ một cơ hội để thực hiện các cam kết của mình.

Mặc dù vậy, các tổ chức nhân quyền và hầu hết các nhóm đối lập Miến Điện cho rằng: đây là một thủ đoạn trì hoãn của chính quyền trước áp lực của cộng đồng quốc tế sau cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào các nhà sư và dân chúng biểu tình đòi dân chủ hồi tháng 9 năm ngoái.

Bà Debbie Stohard, phát ngôn viên của tổ chức nhân quyền có tên là Mạng lưới ASEAN Thay thế về Miến Điện (Alternative ASEAN Network on Burma), nói rằng các tướng lãnh Miến Điện cần tiến hành một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi và các lãnh tụ của những nhóm sắc tộc chống đối chính phủ.

Bà Stohard nói: "Nếu chế độ này muốn phục thiện và thật sự muốn có thay đổi ở Miến Điện, họ cần phải trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và tiến hành cuộc đối thoại 3 bên, gồm chính phủ, phe đối lập, và các nhóm sắc tộc. Đây là phương cách để tiến tới việc soạn thảo tân hiến pháp, tổ chức trưng cầu dân ý hoặc những cuộc bầu cử mới. Nếu không như vậy thì không thể nào có hiệu quả."

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Liên minh Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo nói rằng "thật là một điều kỳ quặc khi ấn định thời gian tổ chức tổng tuyển cử trong lúc kết quả của cuộc trưng cầu dân ý chưa được rõ." Các nhân vật tranh đấu cho dân chủ Miến Điện cũng nói rằng tình hình từ tháng 9 đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, và các cuộc đầu phiếu diễn ra trong bầu không khí sợ hãi chắc chắc không thể nào có được tính chất công bằng và tự do.

Nhóm Sinh viên Thế hệ 88 và Liên minh Tăng già Toàn Miến - hai tổ chức lãnh đạo cuộc nổi dậy hồi tháng 9 thường được gọi là cuộc "Cách mạng Tăng bào", cũng đã lên tiếng kêu gọi dân chúng bác bỏ bản hiến pháp mới. Trong thông cáo phổ biến hôm thứ hai vừa qua, nhóm Sinh viên Thế hệ 88 nói rằng việc tổ chức trưng cầu dân ý là một mưu toan của tập đoàn tướng lãnh nhằm chính thức hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử năm 1990 mà Liên minh Dân chủ đã giành được thắng lợi áp đảo.

Bà Debbie Stohard của Mạng lưới ASEAN Thay thế về Miến Điện tán đồng nhận định vừa kể và nói thêm rằng điều này còn có liên quan tới Trung quốc - đồng minh thân thiết nhất của chính quyền Miến Điện.

Bà Stohard nói: "Đây chính là một thủ đoạn trì hoãn khác nữa để giảm bớt áp lực quốc tế đối với Miến Điện và đối với Trung quốc trước khi diễn ra Olympic Bắc kinh. Trung quốc lâu nay vẫn hậu thuẫn cho chế độ ở Miến Điện và điều này trên thực tế đã cho phép chính quyền ở Miến Điện trở nên ngoan cố hơn."

Ngoài Trung quốc, Thái Lan cũng là nước láng giềng và là đối tác thương mại hàng đầu của Miến Điện. Và vì thế, lâu nay nhiều người vẫn thường xuyên kêu gọi chính phủ ở Bangkok gây sức ép để chính quyền Miến Điện tiến hành cải cách dân chủ. Một ngày trước khi Miến Điện loan báo việc tổ chức bầu cử, tân Thủ tướng Thái Lan, Samak Sundarawej đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên với ký giả ngoại quốc và tuyên bố rằng nước ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách không áp dụng các biện pháp chế tài Miến Điện. Ông Samak cũng ngỏ lời mời Tổng thư ký Liên hiệp quốc dùng Thái Lan làm căn cứ để tiến hành các cuộc thảo luận về dân chủ với Miến Điện.

Ông Samak nói: "Ông Ban Ki Moon nên đến thăm Thái Lan một lần nữa. Lần trước ông ấy tới đây, tôi không có cơ hội mà cũng chưa có tư cách để thảo luận với ông. Giờ đây, nếu tôi có cơ hội tôi sẽ nói rằng: "Thưa ông Ban Ki Moon, từ Bangkok đáp máy bay đi Rangoon chỉ mất có 35 phút. Nếu ông muốn đi bằng đường bộ thì điều đó cũng dễ thôi. Ông cứ đến Miến Điện để nói chuyện cho dễ."

Hiện chưa có tin về phúc đáp của ông Ban Ki Moon đối với lời mời của Thủ tướng Samak. Tuy nhiên, đặc sứ Liên hiệp quốc về Miến Điện, ông Ibrahim Gambari đang thực hiện chuyến công du 3 nước Á châu là Trung quốc, Indonesia và Singapore để thảo luận về tình hình Miến Điện. Phát ngôn viên Michelle Montas của ông Ban Ki Moon cho biết ông Ban cũng đã họp với các vị Đại sứ của 14 nước thuộc Nhóm Thân Hữu Miến Điện, để tranh thủ sự hậu thuẫn đối với các nỗ lực ngoại giao của đặc sứ Gambari. Trong chuyến viếng thăm mới đây tại Ấn độ, đặc sứ Gambari cho biết ông định quay lại Miến Điện vào tháng 3, nhưng chính quyền Miến Điện nói rằng ông có thể đến thăm nước họ vào tháng tư.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG