Đường dẫn truy cập

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân: Lịch sử có lập lại tại Iraq hay không?


Trong khi các cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đang diễn ra sôi nổi tại một số Tiểu Bang ở Hoa Kỳ để chọn người ra tranh cử Tổng Thống trong năm 2008 thì một số chuyên gia đã nhắc lại một biến cố xảy ra trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam cách đây đúng 40 năm vốn đã làm thay đổi công luận tại Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào năm 1968. Câu hỏi được các chuyên gia này đặt ra hiện nay là liệu những sự kiện có tính cách lịch sử tại Việt Nam có được lập lại trong cuộc chiến tranh Iraq trong năm bầu cử Tổng Thống 2008 hay không.

Mời quí vị nghe nhận định của một số nhà báo tại Hoa Kỳ về những gì đã xảy ra trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, so với những diễn biến hiện nay tại Iraq trong mùa bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2008, qua một số chi tiết do Trần Nam ghi nhận từ các nguồn tin khác nhau.

Trong khi chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày Tết Nguyên Đán của người Việt thì một số báo tại Hoa Kỳ đã nhắc lại một biến cố đã xảy ra cách đây 40 năm tại Việt Nam, cũng vào dịp Tết, vốn đã làm thay đổi dòng lịch sử, và vẫn còn để lại những bài học cho đến ngày hôm nay.

Trong những giờ đầu của ngày 31 tháng Giêng năm 1968, tức là ngày mùng 1 Tết Mậu Thân, khi mà mọi người dân Việt ở miền Nam đang trang trọng đón mừng một cái Tết truyền thống thì các lực lượng trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và quân đội chinh qui Bắc Việt đã đồng loạt mở những cuộc tấn công vào hàng trăm thành phố trên khắp miền Nam Việt Nam, từ Pleiku trên vùng Cao Nguyên cho đến Đà Nẵng trong vùng duyên hải, từ Khe Sanh ở phía Bắc cho đến vùng Đồng Bằng sông Cửu Long ở cực Nam.

Ông Stanley Karnow, một sử gia người Mỹ, đã mô tả cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân như là một cuộc tấn công bất ngờ với một cường độ mãnh liệt trên một phạm vi rộng lớn gây kinh ngạc cho nhiều người vì đây là lần đầu tiên cuộc chiến tranh du kích từ vùng rừng núi và thôn quê hẻo lánh đã tiến vào các khu vực đô thị dân cư đông đúc.

Trong khi các đồn Cảnh Sát, các doanh trại quân đội và các cơ sở công quyền của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc bị tấn công đồng loạt thì về phía đồng minh Hoa Kỳ các căn cứ được phòng thủ kiên cố vẫn an toàn, ngoại trừ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Saigon, nơi mà một tiểu đội đặc công của Việt Cộng đã lọt được vào bên trong khuôn viên, và đã cầm cự với lực lượng phòng thủ trong khoảng 6 tiếng rưỡi đồng hồ. Tuy nhiên, thời gian ngắn ngủi này cũng đủ để hình ảnh cuộc xâm nhập tại đây được phổ biến trên khắp thế giới.

Trong khi đó, cố đô Huế, thành phố lớn vào hàng thứ ba tại Việt Nam, đã bị quân Bắc Việt tiến chiếm ngày từ ngày đầu của cuộc tổng công kích, và chỉ được quân đội miền Nam Việt Nam và các lực lượng Hoa Kỳ tái chiếm sau 25 ngày giao tranh ác liệt với những trận đánh từ nhà này sang nhà khác.

Theo các con số được quân đội Hoa Kỳ đưa ra lúc bấy giờ thì có 216 binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng trong khi tổn thất nhân mạng của đối phương được ước tính là từ 3 đến 5 ngàn người.

Tại những nơi khác ở miền Nam, tổn thất nhân mạng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và quân Bắc Việt đã cao hơn gấp bội so với những tổn thất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Khoảng phân nửa trong số 45 ngàn quân Cộng Sản tham gia trong đợt đầu của cuộc tổng công kích đã bị thiệt mạng vì đạo quân chuyên hoạt động tại các khu vực rừng núi này đã trở thành các mục tiêu trống trải trước hỏa lực hùng hậu trên bộ lẫn trên không của các lực lượng Hoa Kỳ và quân đội miền Nam.

Ngoài những tổn thất nặng nề về nhân mạng, lực lượng xâm nhập còn chịu một thiệt hại quan trọng khác là họ đã không tạo được một cuộc nổi dậy trong dân chúng ở miền Nam như đã dự tính.

Trong một tiểu thuyết nhan đề The Sorrow of War 'Nỗi Buồn Chiến Tranh', nhà văn Bảo Ninh, một cựu chiến binh trong quân đội Bắc Việt, đã mô tả cuộc rút lui đầy đau đớn ra khỏi Saigon trong khi bị các lực lượng Hoa Kỳ trên bộ cũng như trên không truy kích. Họ đã phải tháo chạy và mang theo các đồng đội bị thương trên những chiếc cáng, băng qua những khu vực đồi núi, rừng bụi, và những vùng đất đã bị phi cơ B52 nghiền nát như bột. Trong vòng không đầy 2 tuần lễ họ đã bị bao vây 2 lần, lương thực thiếu thốn và các đơn vị của họ đã bị xé ra từng mảnh.

Tuy nhiên, theo bài phân tích của nhà báo Mike Marqusee, được đăng trên các báo Kuwait Times và The Hindu mới đây thì điều nghịch lý là cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, vốn được xem như là một thất bại nặng nề của Cộng Sản Bắc Việt về mặt quân sự, lại là một thắng lợi của họ về mặt chính trị.

Cuộc tấn công nầy chẳng khác nào một cuộc tấn công có tính cách chiến lược và tâm lý trong năm bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ trong khi đang có những cuộc bầu cử sơ bộ, trong đó các ứng cử viên nhấn mạnh đến chủ trương mang lại hòa bình trong các cuộc vận động tranh cử. Và hiểu theo nghĩa lúc bấy giờ thì hòa bình có nghĩa là tìm cách triệt thoái quân đội Mỹ khỏi Việt Nam.

Trong một bài bình luận với nhan đề Lịch Sử Việt Nam có sẽ được lập lại tại Iraq hay không? ông Gwynne Dyer, một nhà báo độc lập tại London, nhận định rằng năm 1968, cũng giống như năm 2008, là năm có bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ, và cuộc tấn công vào dịp Tết Mậu Thân đã nói cho các cử tri Mỹ biết rằng mặc dù quân Cộng Sản có thể không đủ sức đánh đuổi quân Mỹ ra khỏi Việt Nam nhưng họ có thể theo đuổi cuộc chiến chống Mỹ cho đến cùng. Trước cuối tháng Ba năm 1968 Tổng Thống Lyndon Johnson tuyên bố từ bỏ chiến dịch vận động tái tranh cử và đề nghị mở những cuộc thương thuyết với Bắc Việt.

Khi ông Richard Nixon đắc cử Tổng Thống vào tháng 11 năm đó, ông cũng đã đề nghị như vậy và hứa sẽ triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam mặc dù đến 5 năm sau ông mới thực hiện lời hứa này.

Cũng theo nhà báo Gwynne Dyer thì lúc bấy giờ nhiều người tại các nước Tây phương tin rằng Cộng Sản Việt Nam đã tiên liệu tất cả những điều này, thế nhưng sự thật không phải như vậy. Những năm sau đó, Tướng Trần Độ, một trong những người hoạch định cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân nhận định rằng thành thực mà nói thì chúng tôi không đạt được mục tiêu chính là khích động một cuộc nổi dậy của dân chúng trên khắp miền Nam. Về việc gây ảnh hưởng với công luận Mỹ thì chúng tôi đã không có dự tính đó nhưng nó lại trở thành một kết quả may mắn cho chúng tôi.

Bài học Tết Mậu Thân, kết hợp với học thuyết của các phong trào nổi dậy và được giảng dạy tại tất cả các Trường Tham Mưu Quân Sự, cho thấy rằng các nước Tây Phương đang chiến đấu tại các nước thứ ba có thể thắng trên bất cứ chiến trường nào bằng kỹ thuật siêu đẳng của họ tuy nhiên họ có thể trở thành mục tiêu dễ bị tấn công về mặt chính trị.

Nhà báo này nói rằng các phần tử nổi dậy không cần phải chiến thắng. Họ chỉ cần chứng tỏ rằng họ có thể tiếp tục chiến đấu vô thời hạn thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ chọn giải pháp triệt thoái.

Một biến cố giống như cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, dù cho thất bại về mặt quân sự, cũng có thể là chất xúc tác làm thay đổi dư luận tại Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tranh Iraq.

Câu hỏi được đặt ra là thành phần nào tại Iraq sẽ có thể tìm cách mở một cuộc tấn công kiểu Tết Mậu Thân?

Theo nhà bình luận Gwynne Dyer thì thành phần đó không phải là Ả Rập Sunni, những người mà hầu hết đã chống lại sự chiếm đóng của Hoa Kỳ từ năm 2003 đến năm 2007 nhưng bây giờ lại quay ra hợp tác với Hoa Kỳ để chống lại các lực lượng Al Qaida tại Iraq.

Thành phần này cũng không phải là những người Shia vì bây giờ họ là phe đa số trong chính quyền Iraq, và họ cũng còn cần sự bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ. Và cũng không phải là người Kurd vì họ là nhóm ủng hộ Hoa Kỳ tại Iraq.

Còn giáo sĩ Moqtada Al Sadr và đạo quân Madhi của ông ta, một lực lượng dân quân đông đảo nhất tại Iraq, thì như thế nào?

Bình luận gia này nói rằng với một Iraq có nhiều phân hóa về sắc tộc và tôn giáo, trong đó có nhiều người sẵn sàng theo đuổi các chính sách chia để trị chứ không có được một sự thuần nhất như tại Việt Nam, thì giáo sĩ Al Sadr có thể biểu hiện nguyện vọng và sự bất mãn của những người Shia nghèo khổ vốn có thể chiếm gần phân nửa số dân tại Iraq. Thành phần này không tin rằng chính phủ hiện nay chia sẻ các mục tiêu của họ, và thành phần nầy có thể được khích động để nổi dậy.

Nếu đạo quân Mahdi mở một cuộc tấn công tại Iraq như kiểu Tết Mậu Thân tại Việt Nam thì đạo quân này sẽ chuốc lấy thất bại nặng nề như các lực lượng Cộng Sản tại Việt Nam trong năm 1968, tuy nhiên nếu ai còn nhớ lại lịch sử này thì đều hiểu rằng cuộc thất bại quân sự đó có thể dẫn đến thắng lợi chính trị.

Đối với những người Việt thuộc thành phần tị nạn tại Hoa Kỳ thì họ khó có thể quên được biến cố Tết Mậu Thân với những trận đánh ác liệt trên đường phố Saigon, những nấm mồ tập thể ở cố đô Huế, và những tàn phá trên khắp quê hương miền Nam. Trước thềm Xuân Mậu Tý họ hy vọng rằng những sự kiện lịch sử trong biến cố Tết Mậu Thân sẽ không tái diễn tại Iraq trong mùa bầu cử Tổng Thống năm 2008 tại Hoa Kỳ, để nước Iraq dân chủ non trẻ này không rơi vào hoàn cảnh bi thảm như tại Việt Nam cách đây 40 năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG