Đường dẫn truy cập

HRW: Việt Nam tăng mạnh đàn áp các nhà đối kháng ôn hòa trong năm 2007


Tổ chức quốc tế theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vừa công bố phúc trình thường niên về tình trạng nhân quyền trên khắp thế giới. Trong phần dành riêng nói về Việt Nam phúc trình nói rằng trong năm 2007 việc đàn áp các nhà đối kháng ôn hòa tại Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất so trong vòng 20 năm qua.

Phúc trình nhận định rằng: 'Được sự hậu thuẫn quốc tế sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào cuối năm 2006, chính phủ Việt Nam mạnh bạo triệt tiêu mọi lực lượng đối lập với Đảng Cộng Sản Việt Nam, bắt giữ hàng chục nhà hoạt động cho dân chủ tự do, các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn độc lập, các nhà xuất bản ẩn danh, và các thành viên thuộc các tôn giáo không được thừa nhận'.

Phúc trình của Human Rights Watch đã xem xét tình trạng nhân quyền tại 75 nước trên thế giới và đã nêu lên nhiều thách thức đối với nhân quyền cần được chú ý, trong đó có những hành động vi nhân quyền tàn bạo tại một số nước châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ La Tinh, cùng với hành động mạnh bạo đàn áp, triệt tiêu các lực lượng đối lập tại Miến Điện, Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Libya, Iran, Ả Rập Saudi và Việt Nam.

Ngoài ra phúc trình này còn nêu lên những vụ vi phạm nhân quyền trong 'cuộc chiến chống khủng bố' mà tổ chức này ghi nhận được tại các nước Pháp, Pakistan, Anh và Hoa Kỳ.

Nhận xét về vấn đề nhân quyền năm 2007 của Việt Nam, phúc trình của Human Rights Watch nói rằng: 'Đây là một bước lùi lớn so với sự nhượng bộ của chính phủ Việt Nam vào năm 2006, khoảng thời gian trước khi Việt Nam đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương'.

(Nguồn: Human Rights Watch’s website)

Sau đây là toàn văn của phần nói về Việt Nam trong bản phúc trình thường niên của HRW về tình trạng nhân quyền trên thế giới trong 2007 vừa qua:

2007 đánh dấu mức leo thang cao độ nhất trong việc đàn áp các nhà đối kháng ôn hoà, so với 20 năm qua. Được hậu thuẫn của quốc tế sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào cuối năm 2006, chính phủ Việt Nam mạnh bạo triệt tiêu mọi lực lượng đối lập với đảng cộng sản Việt Nam bằng hình thức bắt giữ hàng chục nhà hoạt động cho dân chủ tự do, các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn độc lập, các nhà xuất bản ẩn danh và các thành viên thuộc các tôn giáo không được thừa nhận. Đây là một bước lùi lớn so với sự nhượng bộ của chính phủ Việt Nam vào năm 2006, khoảng thời gian trước khi Việt Nam đứng ra tổ chức cuộc họp thượng đỉnh của Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương và cũng là thời điểm mà các nhà hoạt động độc lập và các đảng phái đối lập xuất hiện.

Từ khi cuộc đàn áp tái phát, đã có hơn 20 người bị tuyên án tù giam. Trong năm 2007, trên gần 40 nhà đối lập bị bắt giữ. Phần đông các bản án điều chiếu theo điều 88 của bộ luật hình sự về những hoạt động tuyên truyền chống chính phủ. Vào tháng 3, Linh mục Nguyễn Văn Lý, một trong người khởi xướng Khối 8406, đã bị kết án tù 8 năm. Trong những nhân vật bị tuyên án tù giam có Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà hoạt động cho công nhân Trần Quốc Hiền và ít nhất 5 thành viên khác của phía đối lập. Các thành viên của các giáo hội tự do cũng bị bỏ tù. Lê Trí Tuệ thuộc Công Đoàn Độc Lập, đã mất tích vào tháng 5 sau khi đã trốn sang Cam Bốt và xin Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) quy chế tị nạn. Người ta cho rằng ông đã bị bắt cóc và bị đưa về giam ở Việt Nam.

Trước chuyến công du sang Hoa Kỳ của Chủ tịch nước, Nguyễn Minh Triết, vào tháng 6, Việt Nam đã phóng thích tù nhân chính trị Nguyễn Vũ Bình, người đã bị giam trong 5 năm qua, và Luật sư Lê Quốc Quân, người đã bị bắt giữ vào tháng 3 năm 2007 và kết án với tội danh âm mưu lật đổ chính phủ sau khi tham gia vào chương trình nghiên cứu sinh của Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy, gọi tắt là NED) tại Hoa Kỳ. 11 nhân vật bị tù vì lý do an ninh quốc gia đã được phóng thích trong đợt ân xá vào tháng 10 năm 2007, song chính phủ Việt Nam đã không tiết lộ danh tính của họ.

Mặc cho những hành vi miệt thị các giá trị nhân quyền mà Việt Nam cam kết tôn trọng, Việt Nam vẫn được đắc cử trở thành thành viên Hội Đồng Bảo AN Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ 2 năm vào tháng 10 vừa qua.

BẮT GIỮ MÀ KHÔNG XÉT XỬ

Pháp luật Việt Nam tiếp tục cho phép chính phủ Việt Nam bắt giữ tùy tiện mà không cần xét xử. Sắc lệnh bắt giữ hành chính 31/CP đã bị hủy bỏ vào năm 2007, nhưng thay vào đó là một luật mới hà khắc hơn. Quy định 44 cho phép quản thúc tại gia hay đưa vào các viện bảo trợ xã hội, các trại cải tạo hoặc các bệnh viện tâm thần những người bị tình nghi có hành vi đe dọa an ninh quốc gia mà không cần xét xử. Luật sư Bùi Thị Kim Thành, người đã từng giúp dân oan kiện tụng về đề tài đất đai bị tước đoạt, đã bị bắt hồi tháng 11 năm 2006 và bị buộc phải vào bệnh viện tâm thần. Bà đã được phóng tích và xuất viện vào tháng 7 năm 2007.

TÙ GIAM VÀ TRA TẤN

Hàng trăm tù nhân tôn giáo và chính trị phải chịu lao tù dưới những điều kiện hết sức khắc nghiệt khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Các tù nhân bị biệt giam, phòng giam thiếu vệ sinh, và có nhiều bằng chứng đầy tính thuyết phục chứng minh rằng có sự tra tấn và đối xử tồi tệ với các tù nhân chính trị : Đánh đập và cho điện giật. Có rất nhiều tù nhân người Thượng, ngay cả những người ở lứa tuổi 30, đã chết không lâu sau khi được trả tự do vì bệnh tật. Nguyên do là điều kiện khắc nghiệt và tệ nạn ngược đãi khi còn ở trong tù.

QUYỀN TỰ DO PHÁT BIỀU Ý KIẾN, THÔNG TIN VÀ HỘI HỌP

Mọi phương tiện truyền thông đều bị chính phủ hay đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát. Tội hình sự được áp dụng cho các nhà xuất bản, chủ website và người sử dụng internet nào gieo rắc các thông tin chống đối chính quyền, đe dọa an ninh quốc gia hoặc tiết lộ bí mật quốc gia.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) nước ngoài bị cấm hoạt động. Các chủ tiệm internet phải giữ ảnh nhận dạng của khách hàng để cung cấp cho những ISP Việt Nam. Các ISP được yêu cầu cài đặt phần mềm có chức năng xác định những cá nhân dùng internet và các công việc trên mạng của họ. Các ISP cũng phải như lưu trữ thông tin trong vòng 1 năm. Chính phủ kiểm soát các hoạt động trên internet và khóa các trang web quảng bá các thông tin về nhân quyền, về tự do tôn giáo, về các nhóm dân chủ hay về các phương tiện truyền thông độc lập khác. Những chủ web phải được phê chuẩn của chính phủ về nội dung của trang web.

Nhiều người sử dụng Internet, như Trương Quốc Huy nhân vật sắp được đưa ra tòa vào cuối năm, đã bị cầm tù và bị tình nghi có hành đông làm tổn thương đến an ninh quốc gia khi tham gia vào một số diễn đàn tranh luận về dân chủ hoặc khi sử dụng internet để quảng bá các quan điểm không được chính phủ tán thành.

Vào tháng 2, công an đã bắt giữ và tra khảo hai linh mục Chân Tín và Phan Văn Lợi, chủ nhiệm tập san Tự Do Ngôn Luận. Tháng 4, công an bắt giữ Trần Khải Thanh Thủy, biên tập viên của bán nguyệt san đối kháng mang tên “Tổ Quốc”. Tháng 9, chính phủ đã buộc đóng Intellasia, một trang nhà của chủ nhân người Úc tại Hà Nội vì tội quảng bá những tư liệu bị xem là phản động.

Sắc lệnh 38 cấm dân chúng tụ tập trước cửa những nơi chính phủ, đảng, và các hội nghị quốc tế đang được nhóm họp. Sắc lệnh đòi hỏi những người đứng ra tổ chức phải được chính phủ cho phép trước khi tụ tập. Tháng 7, tại thành phố Hồ Chí Minh, công an đã giải tán một cuộc biểu tình ôn hoà của hàng trăm nông dân phản đối việc chính phủ chiếm đất của dân - rất nhiều người trong sô họ là phụ nữ và người lớn tuổi.

TÔN GIÁO

Pháp luật Việt Nam bắt buộc các nhóm tôn giáo phải đăng ký hoạt động. Chính phủ Việt Nam nghiêm cấm các hoạt động tôn giáo mang nguy cơ gây mất trật tự xã hội, làm hại an ninh quốc gia cũng như gây chia rẽ.

Trong năm 2007, giáo phái Minh Ly tại miền nam Việt Nam và các tín đồ Mennonite thân thiện với chính quyền đã được thừa nhận. Trong khi đó các tín đồ Mennonite khác ở Việt Nam, gắn bó với Mục sư Nguyễn Hồng Quang ở thành phố Hồ Chí Minh, một cựu tù nhân tôn giáo, vẫn tiếp tục bị quấy rối.

Trong khi phần lớn các tín đồ Công Giáo được hành đạo thì những tín đồ tranh đấu cho quyền công dân và tự do chính trị đều bị quấy rối, bỏ tù và đe dọa bắt giữ.

Các nhà sư thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (giáo hội UBCV) bao gồm các lãnh đạo hàng đầu như Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đã bị giam giữ ngay tại chùa. Sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã lên tiếng tại cuộc biểu tình của dân oan vào tháng 7 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, chính phủ càng tăng cường đàn áp và kiểm soát chặt chẽ giáo hội UBCV. Tháng 3, Thượng Toạ Thích Thiện Minh, người sáng lập tổ chức Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo ngay sau khi ông được phóng thích vào năm 2005 (sau 26 năm bị giam giữ), đã bị công an thẩm vấn vì bị buộc vào tội hoạt động chống đối chính phủ.

Bốn vị thuộc giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo ở Đồng Tháp bị bỏ tù từ 4 đến 6 năm vào năm 2007 với tội danh gây mất trật tự công cộng, sau khi họ phản đối việc bỏ tù các thành viên của giáo hội Hoà Hảo vào năm 2006.

Tháng 2 năm 2007 vài trăm nhà sư Khmer (được biết đến như người Campuchia Krom) ở Sóc Trăng đã biểu tình trong ôn hòa cho tự do tôn giáo. Công an đã giải tán cuộc biểu tình và bắt giữ các nhà cầm đầu. Năm nhà sư bị kết án từ 2 đến 4 năm tù với tội “gây mất trật tự”. Tim Sakhorn, một nhà sư người Campuchia Krom đã bị lột áo cà sa và bị chính quyền Campuchia trục xuất về Việt Nam vào tháng 6. Ngài bị tòa Việt Nam kết án tù 1 năm vào tháng 11 với tội âm mưu phá hoại và gây chia rẽ dân tộc.

Một số những tín đồ Cơ Đốc thuộc các giáo hội độc lập tiếp tục bị đàn áp và bị ép buộc gia nhập vào các giáo hội của nhà nước hay bị bắt giữ. Phần lớn các giáo phái có nỗ lực ghi danh hoạt động đều bị loại bỏ hoặc đơn không được giải quyết. Ở tỉnh Phú Yên một nhà thờ theo giáo phái Phúc Âm báo cáo về trường hợp một người Cơ Đốc giáo đã chết hồi tháng 4 năm 2007 sau khi bị bắt giam và bị công an đánh đập vì không chịu từ bỏ tôn giáo của mình. Tháng 7, công an và lính Việt Nam đã đuổi đánh một số tín đồ Cơ Đốc giáo Stieng ở Bình Phước, đánh đập một số dân làng và san bằng đồng ruộng và nhà cửa của họ.

Một bản báo cáo độc lập, được sự hậu thuẫn của UNHCR, vào năm 2007 đã phát giác “nhiều hình thức trừng phạt tôn giáo nghiêm trọng” đối với những tín đồ Cơ Đốc giáo ở vùng cao nguyên. Trong năm 2007, đã có ít nhất 13 người sắc tộc bị bỏ tù, cộng thêm hơn 350 tín đồ người Thượng đã bị công an bỏ tù từ năm 2001 vì tham gia ôn hòa các hoạt động chính trị và tôn gíáo: Một số bị bắt trong lúc tìm cách tị nạn qua Cam Bốt. Một số những người Montagnard đã trốn được tới Campuchia, nhưng đã bị công an biên phòng Campuchia buộc phải trở về Việt Nam. Các cơ quan quốc tế thường gặp khó khăn khi được đến giám sát tình hình tại vùng cao nguyên: Sau khi một phái đoàn UNHCR đã tới thăm Dak Lak vào tháng 6, công an đã bắt giữ và đánh đập một người miền núi vì đã giúp phiên dịch cho phái đoàn này.

LAO ĐỘNG

Thành viên của những công đoàn độc lập bị bắt giữ và đàn áp : Có ít nhất 6 thành viên thuộc tổ chức Liên Hiệp Công-Nông đã bị bắt từ năm 2006.

Năm 2007, lần đầu tiên trong suốt 6 năm qua, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ tăng lương tháng tối thiểu cho công nhân làm việc tại các công ty có vốn nước ngoài. Tuy nhiên, một số lượng công nhân lớn chưa từng thấy tại Việt Nam vẫn tiếp tục đình công đòi tăng lương và nâng cao điều kiện lao động. Phần lớn, họ là công nhân của các xí nghiệp có vốn đầu tư Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore.

Một luật dự thảo mới sẽ phạt vạ những công nhân nào tham gia vào các cuộc đình công trái phép mà không được chấp thuận của Tổng Liên Đoàn Lao Động, nghiệp đoàn ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam. Các sắc lệnh được ban hành vào năm 2007 cho phép những cán bộ địa phương ép buộc công nhân trở lại làm việc, và cấm đình công tại các bộ phận chiến lược bao gồm các khu chế xuất điện, nhà ga, phi trường, bưu điện và các khu vực sản xuất dầu khí, ga và lâm nghiệp.

PHỤ NỮ

Trong khi tỉ lệ các đại biệu phái nữ tại quốc hội Viet Nam cao nhất trong các tỷ lệ của bất kỳ quốc hội Châu Á nào, trong khi luật pháp nghiêm cấm phân biệt nam nữ và buôn bán phụ nữ, thì thực trạng thiếu kỷ cương hành pháp đã đưa đến hậu quả là người phụ nữ bị tước đoạt quyền công dân, trở thành nạn nhân của bạo lực trong gia đình, của tện nạn buôn bán phụ nữ, của thảm trạng vô gia cư, của nhiễm khuẩn HIV/AIDS và của tê đoan thất học.

Việt Nam tiếp tục trở thành môi trường mầu mỡ và ngã tư đường cho nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, bị buộc mãi dâm, bức hôn và bị bán làm nô lệ tại Trung Quôc, Cam Bốt, Đài Loan, Mã Lai và Nam Hàn. Nạn nhân của mãi dâm, buôn bán người và tình trạng vô gia cư - những hiện tượng mà chính phủ liệt kê như “tệ nạn xã hội” - thường bị bắt giữ trái phép và bị bỏ vào những trung tâm cải tạo. Tại đây, các nạn nhân thường bị đánh đập và bị lạm dụng tình dục.

NHỮNG ĐỐI TÁC QUỐC TẾ MẤU CHỐT

Những tổ chức tài trợ quốc tế, gồm Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, và Nhật Bản, đã cho Việt Nam vay $4.4 tỉ Mỹ Kim trong năm 2007, tương đương với 15% ngân sách quốc gia hàng năm. Những đối tác thương mại chính của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Singapore.

Tháng 3 năm 2007, 33 quốc gia đã phản đối việc chính phủ Việt Nam bắt giữ những nhà đối kháng. Tháng 5, Hiệp Hội Châu Âu đã kêu gọi trả tự do cho những nhà đấu tranh dân chủ bất bạo động. Tiếp đó tháng 7, một nghị quyết của Quốc Hội Âu Châu đã lên án đợt đàn áp này.

Quan hệ với Hoa Kỳ đã tiến triển tốt đẹp hơn khi Hoa Kỳ ký kết hiệp ước bình thường hóa quan hệ thưong mại vào cuối năm 2006 và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo. Tuy nhiên, Tổng thống Bush đã tỏ ra rất quan ngại về vấn đề nhân quyền trong một cuộc hội đàm với chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Nhà Trắng vào tháng 6 năm 2007.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG