Trong số những tin tức liên quan đến Việt Nam được các hãng thông tấn nước ngoài loan tải trong những ngày đầu năm 2008, người ta thấy có mẩu tin ngắn nói về các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các động vật hoang dã tại Việt Nam. Trong những năm qua nhiều vụ buôn lậu các loại thú rừng tại Việt Nam đã được khám phá, tuy nhiên tình trạng này dường như vẫn chưa được cải thiện và vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sinh thái học và bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới. Sau đây là một số sự kiện dẫn đến tệ nạn này và những nỗ lực của nhà cầm quyền địa phương cũng như các chuyên gia quốc tế nhằm bảo vệ các động vật hoang dã tại các nước Đông Nam Á, qua các chi tiết do Trần Nam lược thuật từ các nguồn tin khác nhau.
Việt Nam là nơi có nhiều loài thú lạ, trong đó có những giống thú vừa mới được giới khoa học phát hiện trong hơn một thập niên qua, tuy nhiên trừ phi những vụ buôn bán thú rừng bất hợp pháp được ngăn chận, nhiều loại thú hoang dã tại Việt Nam sẽ có thể bị tuyệt chủng. Đó là nhận xét của một số chuyên gia bảo vệ môi trường và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới.
Theo các nhà sinh thái học thì những khu rừng rậm ở Đông Nam Á, vốn được xem như là một kho tàng sinh thái, đã trở thành một mỏ vàng cho các tay buôn lậu các động vật hoang dã.
Các chuyên gia này cho rằng Việt Nam đã trở thành một giao điểm quan trọng ở Châu Á, nơi tập trung nhiều loại thú rừng được gửi từ Lào, Kampuchia, Miến Điện, Indonesia và cả từ Ấn Độ để bán tại địa phương và xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nam Triều Tiên và Hồng Kông.
Những tin tức liên quan đến việc phát hiện các hoạt động chuyển lậu các sản phẩm động vật hoang đã khiến cho các nhà bảo vệ môi trường trên thế giới trở nên quan tâm hơn đến vấn đề này tại Việt Nam.
Theo tin của các báo ở trong nước hôm thứ Tư thì nhà chức trách đã bắt giữ 2 hành khách trên một chiếc xe tắc xi đang trên đường từ Hà Nội đến một nơi gần thành phố Hà Đông vì họ có mang theo 2 con hổ sống được tiêm thuốc mê trên chiếc xe này. Sau đó, khi khám xét nhà của 2 đương sự trong vùng ngoại ô Hà Nội, nhà chức trách cũng đã tìm thấy 4 con hổ được đông lạnh, 7 con gấu còn sống, các bộ phận của gấu, sừng tê giác và ngà voi.
Một tháng trước đó, nhà chức trách tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt được 2 tay buôn lậu khác mang theo thịt hổ và thịt gấu trên một chiếc xe taxi để cung cấp cho một nhà hàng.
Nhà chức trách địa phương cho rằng đây là những người nằm trong đường dây buôn lậu các động vật hoang dã.
Một giới chức tại Đại Học Nông Nghiệp ở Hà Nội ước tính rằng có khoảng 3,000 tấn động vật hoang dã và sản phẩm được chế biến từ các loài thú này được chuyển lậu ra vào Việt Nam mỗi năm, trong đó chỉ có khoảng 3% bị chận bắt. Cũng theo lời giới chức này thì khoảng phân nửa số hàng vừa kể đã được tiêu thụ ở trong nước, số còn lại được xuất khẩu ra nước ngoài mà nhiều nhất là sang Trung Quốc qua các ngả Lạng Sơn và Móng Cái. Giới chức này cũng tin rằng có đến 3,500 kílô sản phẩm loại này được chuyển lậu qua các thị trấn biên giới này mỗi ngày, trong đó có rùa, tê tê, thằn lằn, rắn hổ, trăn, khỉ, gấu và hổ.
Các tay buôn lậu đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để qua mặt nhà chức trách, như sử dụng xe cứu thương, xe đám ma, đám cưới, để chở hàng quốc cấm, hoặc thuê mướn những người đi bộ tải hàng qua những kẻ trung gian để nhà chức trách không thể biết ai là kẻ chủ mưu khi hàng lậu bị chận bắt.
Tính đến cuối tháng 10 năm 2007 các nhân viên lâm nghiệp tại Việt Nam đã tịch thâu hơn 6,000 thú rừng bị buôn bán bất hợp pháp, trong đó có 856 con thuộc các loại hiếm quí.
Nhiều người Việt Nam tin rằng việc ăn thịt thú rừng sẽ có lợi cho sức khỏe cho nên họ bằng lòng trả giá rất cao cho các loại thịt hiếm quí. Ngoài ra, quan niệm cho rằng ăn thịt các loại thú rừng hiếm quí để chứng tỏ sự giàu sang của mình trong một xã hội đang phát triển như Việt Nam, cũng đã khiến cho việc tiêu thụ thịt rừng càng ngày càng trở nên phổ biến.
Một cuộc thăm dò trước đây tại thành phố Hà Nội của Quỹ Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã Thế Giới cho thấy rằng gần phân nửa cư dân tại thành phố này đã có dịp ăn thịt rừng.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, một cuộc khảo sát của nhóm có tên là Cứu Nguy Động Vật Hoang Dã tại 1,600 nhà hàng cho thấy rằng 15 loại thú hoang đã có tên trong thực đơn, trong đó có thịt nai, rắn và rùa.
Ngoài việc ăn uống người ta cũng tin rằng động vật hoang dã cũng có thể chế biến thành những phương thuốc trị bệnh hữu hiệu. Chẳng hạn như xương hổ, khi được nấu thành cao hổ cốt, có thể chữa lành các chứng bệnh về xương cho người già, do đó giá bán loại cao này có thể lên đến 5,000 đô la một ký lô trên thị trường chợ đen.
Sự kiện này đã khiến cho số lượng hổ tại Việt Nam bị giảm sút mạnh sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975 vì nạn phá rừng và săn bắn bất hợp pháp.
Theo sở Lâm Nghiệp Việt Nam thì hiện nay chỉ còn khoảng 100 con hổ sống trong các khu vực biên giới Việt Nam tiếp giáp với Lào và Kampuchia so với số lượng hàng ngàn con trong các khu vực này trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Một loại thú khác được lấy mật để làm thuốc là gấu. Mật gấu đã được bán tại nhiều nơi ở Việt Nam và được xem như là một loại dược liệu quí giá có thể trị được nhiều chứng bệnh.
Du khách đến Việt Nam lần đầu tiên đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy một số tư nhân nuôi gấu trong các chuồng chật hẹp ngay trong sân nhà. Khi hỏi ra thì mới biết là họ nuôi gấu để lấy mật.
Khi lấy mật gấu, người ta chích thuốc để làm cho con gấu gần như bất tỉnh rồi mới lôi ra khỏi chuồng và trói lại. Sau đó họ dùng máy để rà tìm nơi có túi mật và dùng một cây kim chích thật dài để hút mật ra.
Theo lời một giới chức Quỹ Bảo Vệ Động Vật Á Châu thì phương pháp lấy mật gấu như vậy rất đau đớn và nguy hiểm cho con vật. Các kim chích thường không được khử trùng vì vậy khi chích vào có thể hủy hoại các tế bào và gây nhiễm độc ở bên trong cơ thể của con vật.
Việt Nam đã có luật lệ cấm nuôi gấu tại các trại chăn nuôi tư nhân, tuy nhiên tính đến cuối năm 2007, vẫn còn ít nhất là 4000 con gấu được nuôi trong các chuồng trại tư nhân trên khắp nước, một phần là vì chính quyền vẫn chưa có đủ chỗ để chứa những con gấu được nuôi trái phép này.
Từ năm 1975 Việt Nam đã có lệnh cấm săn bắn và đánh bẫy các loại thú rừng mà không có giấy phép. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp ước với thế giới, trong đó có Công Ước Quốc Tế về bảo vệ các thực vật và động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của giới chức Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội thì việc thực thi các hiệp ước này vẫn còn yếu kém. Lợi tức trung bình từ những vụ buôn bán bất hợp phá các động vật hoang dã đã cao gấp 30 lần so với ngân khoản mà Nhà Nước chi tiêu để bài trừ các hoạt động này.
Các chuyên gia cũng đồng ý như vậy và nói rằng ngày nào mà nhu cầu tiêu thụ các loại thú rừng còn gia tăng thì ngày đó các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các động vật hoang dã sẽ gia tăng, và tiếp tục là một mối đe dọa cho di sản sinh thái của Việt Nam.
Trong hơn 15 năm qua các nhà sinh thái học đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng sau nhiều năm khép kín vì chiến tranh và tình hình chính trị, Việt Nam đã cho thế giới thấy rằng nước này vẫn còn có những khu rừng già với một số động vật và thực vật quí hiếm nhiều hơn là người ta nghĩ trước đây.
Tuy nhiên, một giới chức trong Quỹ Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã Thế Giới cảnh báo rằng Việt Nam đã nổi tiếng trong hơn 15 năm qua vì đã phát hiện được các loại thú quí hiếm, nhưng Việt Nam cũng sẽ có thể trở thành một nơi nổi tiếng vì sự tuyệt chủng của các loài thú đó.