Đường dẫn truy cập

Những khó khăn trong việc khởi tố các vụ vi phạm tác quyền, thương hiệu


Vụ một nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Trung Quốc bị cáo buộc đã vi phạm luật thương hiệu của Hoa Kỳ cho thấy những trở ngại trong quy trình khởi tố các vụ vi phạm liên quan đến tác quyền và thương hiệu. Cho đến nay chỉ mới có hai cá nhân bị dẫn độ về Hoa Kỳ vì tội danh vi phạm luật tác quyền. Ông Viên Hồng Vĩ, lãnh đạo của một hãng hóa chất ở Trung Quốc, mới đây đã không trở lại trình diện chính quyền Anh Quốc, sau khi đã đóng tiền xin tại ngoại, và đã trốn khỏi nước Anh ngày hôm trước khi phải ra khia lần cuối tại phiên tòa được mở tại London về yêu cầu từ phía Hoa Kỳ đòi giải giao nghi can. Thông tín viên Bill Rodgers của đài chúng tôi có bài tường trình sau đây.

Những người bạn của ông Viên có mặt tại tòa án ở London hôm thứ năm vừa qua rõ ràng đã không hay là ông Viên đã trốn khỏi Anh Quốc, bỏ lại hộ chiếu và số tiền đóng thế chân để tại ngoại rất lớn.

Ông Viên đã bị bắt giữ tại phi trường Heathrow hồi tháng chín năm ngoái theo yêu cầu dẫn độ của giới hữu trách Hoa Kỳ do đương sự bị cáo buộc là đã vi phạm luật thương hiệu của Hoa Kỳ.

Ông Viên đã được đưa ra hầu tòa tại Anh trong khi bị bắt giữ, và sau đó được cho đóng tiền thế chân để tại ngoại hầu tra. Ông Viên thực sự đã có mặt tại nhiều phiên tòa tiếp theo sau đó, tuy nhiên các biện pháp quản chế của tòa áp dụng chưa đủ chặt chẽ - như giải thích của ông David Campbell, một luật sư có liên quan đến vụ tố tụng này, như sau.

"Tòa án đã áp dụng nhiều biện phán quản chế gắt gao đối với đương sự, như buộc đương sự mỗi ngày phải đến trình diện tại đồn cảnh sát, thu giữa hộ chiếu của đương sự, và buộc đương sự phải đóng một số tiền thế chân rất lớn. Tuy nhiên, rõ ràng là các biện pháp này vẫn chưa đủ để ngăn chặn đương sự trốn thoát để về lại Trung Quốc."

Vụ án của ông Viên Hồng Vĩ cho thấy rõ hơn những khó khăn trong việc truy tố các vụ vi phạm luật tác quyền. Công ty của ông Viên ở tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc - có tên giao dịch bằng tiếng Anh là Hunan Magic Power Industrial Company - trong nhiều năm qua đã bán các loại keo hóa học và hóa chất mang thương hiệu của một công ty Mỹ mà không có giấy phép ủy quyền.

Công ty của Mỹ bị đánh cắp thương hiệu đó tên là ABRO Industries. Công ty này đã cố ngăn chặn việc hàng hóa giả thương hiệu của họ được bán ra các nước trên thế giới, trong đó có Cameroon, và ngay cả được bán tại thị trường nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng hóa ăn cắp nhãn hiệu của ABRO vẫn tiếp tục được bán ra thị trường, ngay cả sau khi chính quyền bang Louisiana ban hành lệnh bắt ông Viên tiếp theo sau vụ một chuyến hàng mang thương hiệu ABRO bất hợp pháp bị chính quyền bắt được vào năm 2006.

Ông Brad Huther, một giới chức đặc trách về các vấn đề thương hiệu và tác quyền của Phòng Thương Mại Mỹ, nói rằng ngăn chặn nạn đánh cắp thương hiệu và tác quyền cần phải đặt làm ưu tiên hàng đầu.

Ông Huther nói: "Mặc dù được công nhận là một ưu tiên, hoạt động nhắm ngăn chặn những hành động vi phạm tác quyền không có những nguồn tài lực được phân bổ ở tầm mức tương xứng để thực thi những cam kết đó như trong các hoạt động chống tội phạm khác, như các hình paht có liên quan đến buôn bán ma túy và các loại tội phạm khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nâng các biện pháp trừng phạt lên."

Ông Viên là một doanh gia nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam. Khi về đến Trung Quốc, ông đã phổ biến một thư ngỏ với nội dung cáo buộc Hoa Kỳ và và công ty ABRO đã vi phạm nhân quyền đối với ông. Ông cũng ngỏ lời cám ơn chính phủ Trung Quốc và người dân đã ủng hộ ông.

Tuy nhiên vụ này có thể để lại một hậu quả xấu cho Trung Quốc, vốn là một thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, và Trung Quốc phải tuân thủ các luật lệ của tổ chức quốc tế này. Ông Brad Huther nói tiếp như sau:

"Trung Quốc vốn được xem là nơi xuất phát chính của các loại sản phẩm giả mạo. Điều này có công bằng hay không, điều đó không quan trọng, vì đó là nhận thức của công chúng. Tôi tin rằng đây là một vụ rất tiêu biểu để chính phủ Trung Quốc chứng tỏ liệu họ có quyết tâm truy bắt và trừng phạt những kẻ ăn cắp tác quyền và thương hiệu của người khác hay không."

Các chủ doanh nghiệp ở Mỹ nói rằng nạn đánh cắp thương hiệu và tác quyền tiếp tục gây tác hại cho cả các doanh nghiệp lẫn người tiêu thụ. Nhiều người nói rằng vụ ông Viên Hồng Vĩ cho thấy sự cần thiết phải áp dụng những biện pháp nghiêm nhặt hơn trong quá trình thực thi luật pháp á chống nạn đánh cắp thương hiệu, bản quyền.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG