Đường dẫn truy cập

Tổ chức Kỹ Sư Không Biên Giới


Chúng ta đã có những tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới, rồi Ký Giả Không Biên Giới và hôm nay chúng tôi xin gửi đến quí vị những chi tiết về tổ chức có tên là Kỹ Sư Không Biên Giới, chuyên giúp các nước nghèo bằng những dự án kỹ thuật thấp nhưng đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Mời quí vị theo dõi bài viết của Jill Moss với Lan Phương sau đây.

Đôi khi, người ta phải cần đến một kỹ sư để giúp cho nguyên cả một làng. Tại những cộng đồng nghèo khó, sự giúp đỡ đó có thể xuất phát từ những tình nguyện viên thuộc tổ chức có tên là Kỹ Sư Không Biên Giới.

Một giáo sư chuyên dạy về ngành kỹ sư công chánh tại Hoa Kỳ, ông Bernard Amadei, đã thành lập tổ chức này vào năm 2000. Ông đã làm được chuyện này với sự góp sức của các sinh viên và bạn bè của ông tại đại học Colorado trong thành phố Boulder.

Giáo sư Amadei đã đưa các sinh viên của ông sang Belize để giúp xây một dự án cung cấp nước. Kể từ đó tổ chức Kỹ Sư Không Biên Giới đã lớn mạnh, trở thành một tổ chức quốc tế bất vụ lợi. Năm ngoái ngân khoản của tổ chức lên đến 4 triệu đô la. Hiện nay thì tổ chức này có đến khoảng 300 dự án tại 45 quốc gia.

Các kỹ sư thuộc tổ chức này thực hiện những đề án kỹ thuật thấp tại các quốc gia hầu hết là đang phát triển. Lấy ví dụ, trong rặng Himalaya ở Nepal, nhóm này đã thiết lập một máy điện toán chạy bằng năng lượng mặt trời để có thể liên lạc với một trường học ở thủ đô Kathmandu.

Tại Guatemala, các tình nguyện viên đã xây được 10 cây cầu cho những cộng đồng bị cắt đứt với các cộng đồng dân cư gần đấy vì mưa mùa. Tổ chức này đã xây những cối xay gió tại Kenya để giúp cải thiện sản lượng hoa màu. Tại Rwanda, Kỹ Sư Không Biên Giới đang tái thiết những khu vực bị tàn phá trong vụ diệt chủng năm 1994.

Bà Cathy Leslie là giám đốc chấp hành của tổ chức Kỹ Sư Không Biên Giới. Bà cho biết rất nhiều trong số 8 ngàn hội viên của tổ chức là các sinh viên tình nguyện phục vụ trong khuôn khổ của chương trình học tập tại đại học. Những nhà chuyên nghiệp hiện vẫn còn đi làm và những kỹ sư đã hồi hưu cũng đã giúp thành lập những chi hội địa phương trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Trong 5 năm tới, những người trong ban tổ chức hy vọng sẽ có trên 10% hội viên không phải là kỹ sư. Theo bà Cathy Leslie thì để phát triển cộng đồng người ta cần đến nhiều ngành nghề chuyên môn chứ không phải chỉ có ngành kỹ sư. Bà cho biết điều quan trọng không kém là phải giúp cho các xóm làng triển khai các kế hoạch kinh doanh và những phương cách để tài trợ và giám sát những dự án.

Kỹ Sư Không Biên Giới tới bất cứ nơi nào mà họ được mời. Các cộng đồng có thể đề nghị một dự án hay tìm cách vận động để được giúp đỡ qua một trong số những đối tác của tổ chức như Phù Luân Hội Quốc Tế. Một khi một đề nghị được chấp thuận thì các chi hội địa phương gồm sinh viên hoặc các nhà chuyên nghiệp sẽ dự tranh để được giao cho quyền thực thi đề án.

Các chi hội địa phương được khuyến khích làm việc với một cộng đồng trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm. Họ cũng được khuyến khích tự gây quĩ để thực hiện những dự án được giao phó.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG