Đường dẫn truy cập

Hơn 1 triệu nạn nhân bão lốc Bangladesh vẫn không nơi cư ngụ


Năm tuần sau khi một trận bão dữ dội ập vào Banglagesh làm nhiều người chết, trên một triệu người vẫn không có nơi cư trú đàng hoàng. Theo tường trình của TTV Anjana Pasricha từ thủ đô New Delhi của Ấn Độ, trận bão vừa kể đã tàn phá nặng nề các làng mạc ở ven biển Bangladesh và làm thiệt mạng trên 3,000 người.

Liên đoàn Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế nói rằng hàng trăm ngàn gia đình ở Bangladesh đang cần những nơi tạm trú cơ bản để có thể chịu đựng được mùa đông giá rét đang đến gần.

Liên đoàn này nói rằng ước tính đáng báo động này là kết luận của hơn 30 cơ quan đang làm nhiệm vụ giúp đỡ những người sống sót trong trận bão trong tháng trước xây dựng lại nhà cửa.

Ông Sanjay Mukherjee ở Dhaka là đại diện của các cơ quan này. Ông nói rằng hầu hết những người bị mất nơi ăn chốn ở đang sống trong những căn nhà tạm trú được xây dựng bằng những vật liệu thu nhặt được từ những ngôi nhà bị sụp đổ.

Ông Mukherjee nói: "Với những vật liệu nhặt nhạnh được từ những đống đổ nát như những mảnh ván, những cột tre, một số tấm ni-lông, rơm rạ...nghĩa là bất cứ thứ gì mà họ tìm thấy, họ đã xây đựng được một số nhà tạm trú. Các căn nhà này không thể được xem là thích hợp. Họ cần được bảo vệ đối với khí hậu, họ cần có áo ấm, họ cần có an ninh, cần có sự riêng tư kín đáo."

Trận bão ập vào vùng bờ biển tây nam của Bangladesh ngày 15 tháng 11 và san bằng hàng chục ngôi làng. Tuy lần này không xảy ra cảnh chết người hàng loạt như đã từng xảy ra trong những thiên tai tương tự trước đây, hàng triệu người đã bị mất công ăn việc làm và nhà cửa.

Theo ước tính của chính phủ Bagladesh thì có trên 1 triệu rưỡi ngôi nhà bị hư hại hay phá hủy hoàn toàn.

Bangladesh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 2 tỷ đôla để giúp xây dựng lại khu duyên hải đã bị tàn phá. Cho tới nay các nước và cơ quan viện trợ ngoại quốc đã cam kết đóng góp 1/4 số tiền đó—tức là vào khoảng 470 triệu đôla.

Các cơ quan viện trợ nói rằng phần lớn số tiền này đã được cam kết để sử dụng vào công tác dài hạn xây dựng lại đời sống của những người còn sống sót. Các cơ quan này đang kêu gọi các nước hảo tâm đóng góp thêm để giúp giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt.

Ông Sanjay Mukherjee nói rằng vấn đề nhà ở cần được lưu ý ngay lập tức.

Ông Mukherjee nói: "Vấn đề nhà ở cần được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu, bởi vì nó là vấn đề trọng tâm. Nó liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. Bao lâu mà họ không có nơi ăn chốn ở chắc chắn an toàn thì những người này không thể nghĩ đến chuyện gì khác hơn được."

Bangladesh là một quốc gia thuộc vùng trũng và thường bị cuồng phong và bão tố. Trận bão ngày 15 tháng 11 năm nay làm cho hơn 3 ngàn người thiệt mạng và là trận bão giết chết nhiều người nhất ập vào nước này tính từ năm 1991 đến nay. Trong năm đó, một trận bão khủng khiếp đã cướp đi mạng sống của hơn 140 ngàn người Bangladesh.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG