Đường dẫn truy cập

Mối liên hệ kinh tế Trung Quốc-Trung Đông


Trung Quốc hiện nay phải nhập khẩu hơn phân nửa tổng số dầu lửa và khí đốt từ vùng Trung Đông. Trong khi đó, các nước sản xuất dầu ở khu vực này cũng dùng những khoản thu nhập từ dầu lửa để đầu tư vào các dự án mang lại nhiều lợi nhuận ở Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng mối liên hệ ngày càng mật thiết hơn giữa hai khu vực có nhiều tiền mặt này đang tạo ra những thay đổi quan trọng về địa chính trị và kinh tế thế giới. Duy Ái sẽ trình bày thêm một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng tiền bạc của cải trên thế giới hiện nay có hai dòng chảy quan trọng. Dòng chảy thứ nhất đổ vào các nước trong vùng Vịnh Ba Tư, nơi mà số tiền thặng dư từ công cuộc mua bán dầu lửa đã tăng lên tới mức 800 tỉ đô la mỗi năm. Dòng thứ hai đổ vào Trung Quốc, là nước có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,5% mỗi năm trong hơn hai mươi năm qua. Xu thế này mang lại những cơ hội kinh doanh rất lớn cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc và Trung Đông.

Trong năm 2006, lượng mậu dịch giữa Trung Quốc với các nước vùng Vịnh - bao gồm Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập, Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar, Oman, và Bahrain, đã lên tới mức 135 tỉ đô la. Các khoản đầu tư của những nước vừa kể vào Trung Quốc cũng đang trên đà gia tăng -- Kuwait đang xây một nhà máy lọc dầu ở tỉnh Quảng Đông với kinh phí 5 tỉ đô la, Ả Rập Saudi đang xây nhiều cơ sở tồn trữ dầu thô trên đảo Hải Nam, và đại công ty dầu khí Aramco của Ả Rập Saudi cũng đang có kế hoạch hợp tác với công ty dầu khí Sinopec của Trung Quốc để xây thêm một số các nhà máy lọc dầu ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Một số nhà phân tích cho biết công cuộc hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với các nước vùng Trung Đông vượt khỏi giới hạn của những dự án liên quan tới dầu khí.

Ông Charles Freeman, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Trung Đông ở Washington, từng giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ ở Ả Rập Saudi và là một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc. Ông cho biết như sau.

Ông Freeman nói: "Các dự án đầu tư này không chỉ giới hạn vào những cơ sở hạ tầng ngành hóa dầu, các nhà máy lọc dầu hay những kho chứa dầu, mà còn là đầu tư trong ngành địa ốc, lập các quĩ đầu tư và những nguồn vốn tư nhân để mua các công ty hiện đang hoạt động. Những hoạt động đầu tư bao trùm mọi lãnh vực như thế đang giúp Trung Quốc thu hút các nhà đầu tư ở vùng Vịnh Ba Tư."

Theo nhận xét của Đại sứ Freeman, một số yếu tố về chính trị cũng đã góp phần siết chặt mối liên hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Trung Đông.

Ông Freeman nói: "Có thể nói rằng sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ, nhiều nhà đầu tư tư nhân ở vùng Vịnh đã có một số lo ngại về công cuộc đầu tư ở Mỹ, vốn là trọng tâm của họ từ nhiều năm qua. Sự lo ngại này phát sinh từ tình cảm bài xích Hồi giáo và một số điểm trong Đạo luật Ái quốc của Hoa Kỳ có vẻ như khiến họ bị tước đoạt quyền được đối xử công bằng theo đúng thủ tục pháp luật. Do đó, họ đã quay sang tập trung đầu tư ở Trung Quốc vì ngoài Hoa Kỳ thì Trung Quốc là thị trường duy nhất có tầm cỡ lục địa và có đủ khả năng để hấp thu những khoản tiền lớn."

Trong vòng 5 năm tới đây, các nền kinh tế vùng Trung Đông dự kiến sẽ chi tiêu khoảng 500 tỉ đô la cho các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và công nghệ thông tin. Các công ty của Trung Quốc đang tích cực tham gia cuộc bùng phát xây dựng ở vùng này và ra sức mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của họ, kể cả những mặt hàng đắt tiền như xe hơi chẳng hạn.

Trung Quốc cũng có những mối liên hệ thương mại rất mật thiết với Iran. Trung Quốc nhập khẩu 15% tổng số dầu lửa và khí đốt từ Iran, và các công ty Trung Quốc đang tích cực trù hoạch để nắm giữ một vai trò quan trọng trong các công nghiệp hóa dầu và năng lượng của quốc gia Hồi giáo này. Hiện nay, có hơn 100 công ty Trung Quốc đang xây dựng các hải cảng và phi trường ở Iran.

Những mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với Iran khiến cho chính phủ Trung Quốc trở thành một chướng ngại đối với những nỗ lực do Hoa Kỳ cầm đầu để vận động Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, theo ông Graham Hutchings -- một chuyên gia của công ty tư vấn quốc tế Oxford Analytica, Trung Quốc vẫn có lập trường hơi nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Ông Hutchings nói: "Đối với Trung Quốc, các mối liên hệ với Hoa Kỳ về thương mại, và ngay cả liên hệ về chiến lược, có tầm quan trọng hơn Iran rất nhiều. Vì vậy, họ có thể nói với Tehran rằng mặc dù họ vẫn mua bán làm ăn với chính phủ và doanh nghiệp Iran nhưng họ vẫn không thể né tránh tất cả các trách nhiệm của mình, đặc biệt là những trách nhiệm do Liên Hiệp Quốc đòi hỏi."

Ngoài các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, Trung Quốc còn có một đối tác quan trọng trong khu vực này là Israel. Quốc gia Do thái này đã trở thành nước cung cấp vũ khí và công nghệ quốc phòng chủ yếu của Trung Quốc sau năm 1989, là năm Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu quyết định giảm thiểu những hoạt động mua bán vũ khí với Bắc kinh vì vụ đàn áp ở Quảng trường Thiên an môn. Israel cũng cung cấp cho Trung Quốc các kỹ thuật nông nghiệp và những loại công nghệ khác.

Ông David Lampton, giáo sư chính trị học của Đại học Johns Hopkins cho biết rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách đối ngoại lấy các quyền lợi kinh tế làm căn bản.

Ông Lampton nói: "Nguyên tắc chủ đạo của chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày nay là xây dựng một môi trường có lợi cho sự phát triển nội bộ càng nhiều càng tốt. Theo quan điểm này Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì cần thiết để phát triển kinh tế và duy trì ổn định trong nước. Trung Quốc đang ra sức phát triển những mối quan hệ có tính chất xây dựng với bất kỳ nước nào, bất kỳ tổ chức quốc tế nào, bất kỳ xã hội nào có thể phục vụ cho mục đích đó."

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng mối liên hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc với vùng Trung Đông không phải là một mối đe dọa đối với các nước Tây phương. Lý do mà họ nêu lên là Trung Quốc không phải là nước chủ yếu cung ứng trang thiết bị quân sự hay huấn luyện quân sự cho các quốc gia Trung Đông và cũng không có sự hiện diện quân sự ở vùng này.

Ông William Overholt, Giám đốc Trung tâm Chính sách Á châu Thái bình dương của tổ chức nghiên cứu Rand ở Washington, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rút tỉa những bài học thành công của các nền kinh tế vùng Đông Á.

Ông Overholt nói: "Nhật bản đã thành công nhờ vào việc hầu như không có quân đội trong vòng 50 năm. Nam Triều Tiên vốn là nước có nền kinh tế rất yếu kém vì tập trung quá nhiều vào lãnh vực quân sự trong thập niên 1950. Tướng Phác Chính Hy đã lên nắm quyền năm 1961, rồi cắt giảm ngân sách quốc phòng và dồn hết mọi nỗ lực vào việc phát triển kinh tế. Giờ đây Nam Triều Tiên có nền kinh tế lớn gấp 22 lần nền kinh tế của Bắc Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo có chủ trương cải cách của Trung Quốc đã nhìn vào những bài học đó; và họ nói rằng: đó chính là cách để trở thành một quốc gia thành công trong thế giới hiện đại, chứ không phải là tranh đoạt lãnh thổ của các nước láng giềng như cách thức thường dùng trước kia."

Một số chuyên gia và chính phủ các nước, đặc biệt là những lân bang của Trung Quốc ở Á châu, cảm thấy lo ngại về việc Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh của mình như thế nào. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng trong những thập niên tới đây quốc gia khổng lồ này có phần chắc là sẽ tập trung nỗ lực để khắc phục những thách thức trong công cuộc phát triển kinh tế.

.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG