Đường dẫn truy cập

Ấn Độ sẽ có hệ thống phòng chống phi đạn vào năm 2010


Các giới chức quốc phòng Ấn Độ cho hay quốc gia đông dân hàng thứ nhì này sẽ có một tấm chắn phi đạn vào năm 2010 để ngăn chận các loại phi đạn có thể do Trung Quốc hoặc Pakistan bắn tới. Tuy nhiên, các chuyên gia về an ninh quốc gia tỏ ý hoài nghi về kế hoạch này. Từ New Dehli, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Một trong các khoa học gia hàng đầu của Ấn Độ trong ngành nghiên cứu quốc phòng đã tiết lộ các kế hoạch nhằm xây dựng một hệ thống phòng chống phi đạn đạn đạo trong vòng 3 năm tới đây.

Các kế hoạch mà một giới chức cao cấp của Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Quốc phòng Ấn Độ, ông V.K. Saraswant, loan báo hồi đầu tuần này đã được các nhà phân tích quân sự đón nhận với thái độ hoài nghi.

Giáo sư Bharat Karnad, một chuyên gia về an ninh quốc gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Dehli, cho rằng vào thời điểm này Ấn Độ không nên phí phạm ngân quỹ cho một hệ thống như vậy.

Ông Karnad nói: "Trình độ kỹ thuật hiện giờ chưa đạt tới mức hoàn hảo. Một khi kỹ thuật hoàn hảo rồi thì việc xây dựng một hệ thống như vậy có lẽ sẽ hữu ích. Nhưng khi chưa tới giai đoạn đó, tôi nghĩ rằng nên dùng số tiền này cho những mục đích khác."

Hôm thứ ba vừa qua, Pakistan đã tiến hành cuộc thử nghiệm phi đạn Babur, một loại phi đạn cruise có tầm bắn khoảng 700 kilo mét. Chỉ một ngày sau đó, Ấn Độ loan báo kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ hai tầng trước năm 2010 để chống lại những vụ tấn công bằng phi đạn đạn đạo và phi đạn cruise bay thấp.

Trước đây, Ấn Độ đã thử nghiệm phi đạn Agni Ba, có tầm bắn khoảng 3,000 kilomét, để chống lại điều mà họ xem là mối đe dọa của Pakistan. Đồng thời, Ấn Độ cũng đang phát triển các loại phi đạn tầm xa, được đặt tên là Agni Bốn, có khả năng bắn tới những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc.

Các giới chức quốc phòng ở New Dehli nói rằng: trong lúc tiến hành công cuộc phát triển hệ thống phòng chống phi đạn của riêng mình, Ấn Độ cũng đang cứu xét tới việc mua những hệ thống có sẵn của Hoa Kỳ, Nga, và Israel.

Giáo sư Bharat Karnad cho rằng: nếu nhất định phải xúc tiến kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ phi đạn, thì Ấn Độ nên sử dụng các ngân quỹ để tự thực hiện công tác nghiên cứu phát triển thay vì để mua công nghệ từ một nước khác.

Ông Karnad nói: "Cho đến nay chưa có nước nào phát triển được các công nghệ hoàn hảo để đón bắt-nghênh cản phi đạn. Vì thế cho nên, Ấn Độ nên thực hiện công tác nghiên cứu phát triển của riêng mình, và cứ tiếp tục làm như vậy. Còn không, thì cần phải gia tăng số lượng phi đạn tồn trữ. Lý do là vì vào thời điểm này, việc phóng đi hàng loạt phi đạn để nghênh cản phi đạn của địch vẫn có hiệu quả hơn bất kỳ hệ thống phòng thủ phi đạn của bất kỳ nước nào."

Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ thực hiện một cuộc thử nghiệm phi đạn nghênh cản và các hệ thống liên hệ vào tháng 6 năm 2008.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG