Đường dẫn truy cập

ADB: Các nước Á Châu cần cải thiện việc quản lý nguồn nước


Ngân hàng phát triển Á Châu nói rằng các chính phủ trong khu vực cần phải cải thiện việc quản lý các nguồn nước để tránh một cuộc khủng hoảng về tính chất an toàn của nước. Phái viên Claudia Blume tường trình từ trung tâm tin tức của VOA ở Hongkong về vấn đề này như sau:

Ngân hàng phát triển Á Châu cho biết sự gia tăng dân số nhanh chóng và việc đô thị hóa cũng như công nghiệp hóa trong vùng cùng với sự biến đổi khí hậu, sẽ thử thách kỹ năng quản lý nguồn nước trong khu vực này.

Ông K.E Seetthram, một chuyên gia kỳ cựu về nước tại ngân hàng, nói rằng mối lo ngại chính không phải là sự khan hiếm nước mà là cung cách quản lý nguồn nước.

Nước thải từ các thành phố thường đổ vào các sông ngoì và ao hồ mà không được xử lý. Nguồn cung cấp nước thì không đáng tin cậây và không phải luôn đến được mọi người dân. Một khối lượng lớn nước bị thất thoát vì rò rỉ.

Ông Setharam nói rằng phần lớn vấn đề xuất phát từ sự quản lý yếu kém. Tại nhiều nơi, việc cấp nước và quản lý nước thải không được điều hành như một dịch vụ chuyên nghiệp mà như là một dịch vụ miễn phí của chính quyền địa phương.

Ông Seetharam nói: “Cơ bản đây là một cái vòng lẩn quẩn về dịch vụ kém phẩm chất, đưa đến việc bảo trì kém các cơ sở, giá lệ phí rất thấp, do đó nhân viên thiếu sự động viên. Nhân viên không được động viên cao vì họ không có ngân khoản và không có điều kiện tốt để cung cấp nước. Dịch vụ tồi tệ đến nỗi nên người dân không muốn trả tiền và cứ loanh quanh như thế.”

Ông Seetharam nói rằng các chính phủ nên ấn định hệ thống giá cả rõ ràng. Theo ông, việc cung cấp nước uống và xử lý nước thải cần phải được điều hành như những dự án thương mại có trách nhiệm đối với khách hàng.

Ông nói rằng một số thành phố ở Châu Á đã cải thiện tình trạng này như thủ đô Manila của Philippines.

Ông Seetharam nói: “Cách đây 10 năm thành phố này không có nguồn cung cấp nước thích nghi, mỗi ngày chỉ có nước vài tiếng đồng hồ. Số nước thất thoát khoảng 70%. Bây giờ gần nửa thành phố có nước 24 trên 24 tiếng đồng hồ và số nước thất thoát chỉ vào khoảng 20%. Manila đã đạt được một thành tích ngoạn mục.”

Ông Seetharam nói rằng thủ đô Phnom-Penh của Kampuchia cũng đã thành công trong việc cung cấp nước. Trong 4 năm vừa qua, các giới chức điều hành nguồn nước đã giảm thiểu được đáng kể lượng nước bị rò rỉ, từ 90% xuống dưới mức 10%.

Các chuyên gia không lo ngại việc khu vực này có thể cạn nguồn nước trong tương lai.

Ông Seetharam nói: “Ngày nay chúng ta đang trong thời kỳ tiến bộ đến độ có thể biến nước thải thành nước sạch có thể uống được. Chúng ta cũng có thể xử lý nước biển thành nước uống được. Vì vậy chúng ta có tất cả những công nghệ để biến nước đã sử dụng trở lại thành nước sạch.”

Theo ông Seetham thì chìa khóa để cải tiến việc tiếp cận với nước sạch là thay đổi quan niệm của nhiều người ở Châu Á là dùng nước mà không phải trả tiền.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG