Đường dẫn truy cập

Miến Điện mưu toan xây dựng tính chất hợp pháp của chế độ quân phiệt


Ủy ban Soạn thảo Tân Hiến pháp của Miến Điện mới đây đã bắt đầu quá trình soạn thảo hiến pháp mới, là bước thứ ba trong 'lộ đồ 7 bước để tiến tới dân chủ' mà tập đoàn quân nhân đã đề xuất cách nay hơn 4 năm. Các nhà quan sát cho rằng: qua việc tuân hành bản lộ đồ này, tập đoàn tướng lãnh Miến Điện đang tìm cách xây dựng tính chất hợp pháp của họ; nhưng đây là một mục tiêu rất khó đạt được vì vụ đàn áp đẫm máu nhắm vào những người biểu tình đòi dân chủ. Duy Ái sẽ trình bày thêm một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Châu Á sau đây. Xin mời quí vị cùng theo dõi.

Hôm thứ hai vừa qua, Ủy ban soạn thảo tân hiến pháp Miến Điện -- với 54 thành viên do tập đoàn tướng lãnh bổ nhiệm, đã bắt đầu tiến trình soạn thảo một bản hiến pháp mới. Đây là bước thứ 3 trong "lộ đồ 7 bước để tiến tới một quốc gia dân chủ" do thủ tướng lúc đó là Trung tướng Khin Nyunt đề xuất vào cuối tháng 8 năm 2003. Bước thứ nhất của lộ đồ này -- tái triệu tập Đại hội Toàn quốc, đã được khởi sự trong năm 2003 và mãi đến đầu tháng 9 năm nay mới kết thúc.

Theo tường thuật của tờ Irrawaddy, một nhật báo của người Miến Điện lưu vong ở Thái lan, nhiều người vẫn chưa rõ là chính quyền Miến Điện đã làm những gì để thực hiện bước tiến thứ hai của bản lộ đồ: là 'thực thi một tiến trình để cho một hệ thống dân chủ thực sự và có kỷ luật có thể hình thành'. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nước ngoài ở Miến Điện cho rằng rõ ràng là tập đoàn quân nhân đã đi từ bước thứ nhất sang bước thứ ba mà bỏ qua bước thứ hai.

Các nhà quan sát cho rằng việc tỏ ra tuân hành bản lộ đồ dân chủ là một mưu toan của các tướng lãnh ở Nai Pyi Daw nhằm xây dựng tính chất hợp pháp của chế độ. Tuy nhiên, đây cũng là một mục tiêu khó lòng đạt được vì vụ đàn áp đẫm máu nhắm vào các nhà sư và dân chúng biểu tình đòi dân chủ hồi tháng 9. Tại cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ hôm thứ hai vừa qua, phó Chủ tịch Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, ông Richard Land đã phát biểu như sau về vụ đàn áp này:

"Sự đàn áp đẫm máu của quân đội đối với các cuộc biểu tình đó quả là một sự thoái bộ. Nhưng lịch sử gần đây cho chúng ta biết rõ là tự do rốt cuộc sẽ chiến thắng bạo ngược. Như bà Aung San Suu Kyi nhà lãnh đạo dân cử của Miến Điện, đã nói một cách rất hùng hồn là 'chúng ta sẽ thắng vì chúng ta có chính nghĩa, vì mục tiêu của chúng ta là chính đáng. Lịch sử đứng về phía chúng ta và thời gian cũng đứng về phía chúng ta'".

Đại đức Ashin Nayaka thuộc Tổ chức Tăng già Miến Điện Quốc tế là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Columbia ở thành phố New York. Vị tu sĩ người Miến Điện này đã trình bày với các nhà lập pháp Mỹ về tình hình ở nước ông hiện nay như sau:

"Nhiệm vụ tâm linh của chúng tôi là tranh đấu cho tự do, chứ không phải là im lặng hay thần phục. Ngày nay, chúng tôi biết rằng một số các tăng sĩ lãnh đạo Phật giáo ở Miến Điện đang phải trốn tránh. Chúng tôi không biết một cách đích xác là có bao nhiêu nhà sư đã bị sát hại, có bao nhiêu tăng ni đã bị buộc phải hoàn tục. Chúng tôi không biết có bao nhiêu nhà sư đang ở trong tù. Chúng tôi không biết có bao nhiêu nhà sư đã bị bắt giam ở những địa điểm bí mật. Điều mà chúng tôi biết rõ là Miến Điện đang bị bao phủ bởi một màn bí mật và sự yên lặng khủng khiếp."

Cũng tại cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ hôm thứ hai, các nhà tranh đấu cho dân chủ Miến Điện đã yêu cầu Hoa Kỳ và các nước khác trong cộng đồng quốc tế tiếp tục gây áp lực và áp dụng các biện pháp chế tài để đòi chính quyền Miến Điện thay đổi cung cách hành xử. Ông Aung Ding, Giám đốc Chiến dịch Vận động cho Miến Điện ở Mỹ, phát biểu như sau:

"Chúng tôi đang vận động cho một sự thay đổi chính sách của các chính phủ Trung quốc, Ấn độ và các nước Asean về Miến Điện trong lúc Hoa Kỳ đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy các quốc gia đó áp dụng một chủ trương có tinh thần trách nhiệm cao hơn. Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục dùng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc làm diễn đàn chính để thảo luận về tình hình Miến Điện. Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ gia tăng nỗ lực để các quốc gia đó có một tiếng nói chung và thực hiện những hành động có hiệu quả đối với Miến Điện, bắt đầu bằng một nghị quyết cưỡng hành của Hội đồng Bảo an để cấm vận vũ khí đối với Miến Điện."

Ông Jared Gensner, một thành viên của Hội đồng Đối ngoại Hoa Kỳ, đã tỏ ý tán đồng việc gây sức ép lên chính quyền Miến Điện. Vị luật sư nhân quyền này phát biểu như sau:

"Có phần chắc là tập đoàn quân phiệt Miến Điện sẽ không cảm thấy là họ cần phải làm những hành động có ý nghĩa, nếu các hội viên Hội đồng Bảo an không đồng ý với nhau về một phương cách để tiến tới. Dĩ nhiên, đây sẽ là một cuộc đấu tranh gay go, vì ghế hội viên của Trung quốc và Nga ở hội đồng này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước khác có thể gây áp lực để Liên Hiệp Quốc và các hội viên Hội đồng Bảo an ra sức thể hiện điều mà đặc sứ Ibrahim Gambari đã tuyên bố - đó là 'Liên Hiệp Quốc muốn có những kết quả nghiêm túc, cụ thể, và có hạn định về thời gian'".

Ông Surin Pitsuwan, cựu ngoại trưởng Thái lan và là người sẽ lên giữ chức Tổng thư ký Asean vào đầu năm 2008, cho biết rằng hiệp hội qui tụ 10 quốc gia Đông Nam Á này sẵn sàng trợ giúp Miến Điện để giải quyết vụ khủng hoảng chính trị hiện nay. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Thái Ngữ của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, ông Surin đã cho biết như sau về vấn đề Miến Điện:

"Tôi nghĩ rằng chính phủ Miến Điện biết là họ đang gặp phải những vấn đề như thế nào và trong thời gian gần đây họ càng nhận thức rõ ràng hơn về điều này. Trong quá khứ, họ không đề cập tới việc này. Nhưng tại hộïi nghị thượng đỉnh Asean mới đây chúng tôi đã trao đổi ý kiến với nhau. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Miến Điện, và tôi biết chắc rằng Miến Điện hiểu rõ là họ phải thay đổi. Họ phải tiến tới chứ không thể dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi. Họ có nói rõ là sẽ làm việc trực tiếp với Liên Hiệp Quốc dựa trên tiến trình mà đặc sứ Ibrahim Gambari đã phác họa. Asean chúng tôi sẵn sàng trợ giúp trong tiến trình này."

Cựu ngoại trưởng Surin cho biết như thế hôm thứ 5 vừa qua trong lúc Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền Miến Điện, ông Paulo Sergio Pinheiro, chuẩn bị nộp cho Liên Hiệp Quốc bản phúc trình về chuyến công tác của ông ở Miến Điện hồi trung tuần tháng 11. Theo bản phúc trình sẽ được nộp cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 11 tháng 12, số tử vong của vụ đàn áp hồi tháng 9 cao hơn 3 lần con số mà chính quyền Miến Điện thừa nhận. Phúc trình này còn cho biết đã có hơn 4 ngàn người bị bắt và hiện giờ còn khoảng 500 đến 1,000 người vẫn còn bị giam giữ. Đặc sứ Pinheiro còn cho biết thêm là chính quyền Miến Điện vẫn tiếp tục thực hiện những vụ lục soát ban đêm để bắt bớ những người bị nghi là có liên can tới các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG