Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN và Liên hiệp Châu Âu đã phê chuẩn một kế hoạch 5 năm tăng cường quan hệ an ninh và thương mại giữa hai khối, và hai bên đã kêu gọi giới cầm quyền Miến Điện tăng tốc các cải cách dân chủ và chấm dứt việc quản thúc tại gia lãnh tụ đối lập bà Aung San Suu Kyi. Phái viên Luis Ramirez của đài VOA gửi về bài tường thuật từ Singapore, nơi cuộc họp 5 ngày vừa kết thúc với vấn đề Miến Điện bao trùm hội nghị.
Chính thức thì cuộc họp thượng đỉnh lẽ ra định tập trung vào kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập ASEAN và việc ký kết một hiến chương đề ra các mục tiêu của nhóm có liên quan đến việc hòa nhập kinh tế, dân chủ và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bao trùm gần như mọi khía cạnh của cuộc họp là vấn đề Miến Điện, và bạo lực mà giới quân nhân cầm quyền đã áp dụng đối với các tăng sĩ Phật giáo và những người biểu tình ôn hòa hồi tháng 9.
Các nhà lãnh đạo đã kết thúc 5 ngày hội nghị thượng đỉnh bằng một bữa tiệc trưa và các cuộc họp với Liên hiệp Châu Âu, mà khối ASEAN muốn mở rộng quan hệ mậu dịch. Hai khối này đã đồng ý tăng tốc các cuộc đàm phán về một thỏa hiệp mậu dịch tự do nối liền 37 quốc gia và 1 tỷ người.
Tại một cuộc họp báo hôm nay, đương kim chủ tịch ASEAN, thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, tuyên bố ASEAN sẽ không để cho vấn đế Miến Điện gây trở ngại cho các cuộc đàm phán mậu dịch với Liên hiệp Âu Châu.
Ông Lý nói: “Mặc dầu Miến Điện chắc chắn là một vấn đề quan trọng, không nên để cho quan hệ giữa ASEAN và EU bị vấn đề này giữ làm con tin. Có nhiều lãnh vực chúng ta có thể hợp tác vì lợi ích chung và EU phải có một sự quan tâm sách luợc rộng rãi hơn đối với ASEAN.”
Liên hiệp Âu Châu đã áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với Miến Điện kể từ sau vụ đàn áp hồi tháng 9 và đã kêu gọi các tổ chức khác cũng làm như thế. Thủ tứơng Bồ Đào Nha, ông Jose Socrates, người đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu Châu, đã không công khai đưa ra lời kêu gọi đó tại cuộc họp báo chung ngày hôm nay. Thay vì thế, ông nhấn mạnh rằng các bất đồng giữa EU và ASEAN về Miến Điện không có tính cách cơ bản.
Ông Socates nói: “Chúng ta có một đường lối chung: đó là Miến Điện phải trở thành một nền dân chủ và phải tôn trọng nhân quyền. Cả hai tổ chức đều muốn làm những gì tốt nhất để đạt tới mục tiêu đó. Đồng ý là chúng ta có điểm bất đồng. Chúng tôi nghĩ rằng những bất đồng là quan trọng để xúc tiến, nhưng điều quan trọng nhất là nhấn mạnh đến điểm là cả hai tổ chức cùng cố gắng hết sức để xúc tiến những bước cụ thể và quan trọng hướng tới dân chủ và bảo vệ nhân quyền.”
Miến Điện là nước mới gia nhập ASEAN sau này. Miến Điện được thu nhận vào năm 1997, khi các nước láng giềng nhận thấy rằng sự hòa nhập thay vì sự cô lập sẽ đem lại cải cách chính trị tại nước này.
Tuy nhiên, với nền kinh tế đổ nát và dưới ách cai trị khắc nghiệt của quân đội, Miến Điện khác hẵng với các đối tác trong ASEAN, đa số đều đã tiến hành các cải cách dân chủ và đã có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh.
Bất kể những cách biệt đó, tuần này, ASEAN đã bác bỏ những lời kêu gọi của Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương khác đe dọa trục xuất Miến Điện ra khỏi tổ chức ASEAN nếu nước này không chịu thực hiện những cải cách dân chủ có ý nghĩa.