Đường dẫn truy cập

Câu chuyện về nữ tổng thống Argentina Cristina Fernandez


Lần đầu tiên, Argentina đã bầu một người phụ nữ lên làm Tổng thống. Bà Cristina Fernandez de Kirchner, hiện là đệ nhất phu nhân và là một thượng nghị sĩ, sẽ tiếp thu quyền lực từ tay phu quân là tổng thống Nestor Kirchner sắp xuất nhiệm vào tháng chạp năm nay. Câu chuyện Phụ nữ kỳ này chọn bài viết của biên tập viên Michael Bowman của đài VOA về người phụ nữ được một số người so sánh với cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Hillary Clinton.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, Argentina đã sản sinh ra một nữ nhân vật trong chính trường nổi tiếng hay có thể nói là khét tiếng nhất châu Mỹ Latinh. Đó là bà Eva Peron, vợ ông Juan Peron, từng giữ chức tổng thống hai lần. Ngày nay, bà Cristina Fernandez, 54 tuổi, đã đạt được một thành tích mà bà Eva Peron, còn có biệt danh là Evita, khó lòng mường tượng được.

Bà Fernandez nói: “Một nữ tổng thống! Tất cả mọi người hãy làm quen với sự kiện này. Một người phụ nữ. Tôi biết rằng quý vị vẫn quen thấy những người lãnh đạo thuộc nam giới, nhưng bây giờ thì quý vị cũng phải quen với các nhà lãnh đạo phái nữ nữa chứ.”

Nhiều người dân Argentina, nhất là phụ nữ, rõ ràng là hài lòng với kết quả cuộc bầu cử.

Một người dân Argentina nói: “Đây là một cơ hội lớn cho Argentina, bởi vì cho đến nay những người đàn ông cai trị chúng ta chưa làm nên tích sự gì.”

Những người khác thì có thái độ chờ xem. Nhiều người nhận xét rằng trong thời gian vận động bầu cử, bà Fernandez không hề nói rõ bà có ý định làm những gì trong tư cách tổng thống, mà chỉ nói chung chung là đẩy mạnh sự thịnh vượng và hết sức phục vụ cho công bằng xã hội.

Một người Argentina nói: “Tất cả đều phụ thuộc vào những gì bà sẽ làm khi lên nắm quyền. Nếu bà ấy có khả năng, thì không phải là vấn đề nam nữ. Nếu bà ấy có khả năng thì chúng tôi hoan nghênh sự lãnh đạo của bà ấy.”

Trong một quốc gia mà nam giới vẫn ngự trị mọi mặt trong địa hạt chính trị và thương mại, việc bà Fernandez đắc cử quả là mang tính cách lịch sử, tuy chưa biết hay dở ra sao. Một số người cho rằng việc bà lên nắm quyền là do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2001 ở Argentina. Cuộc khủng hoảng này đã dọn đường cho việc chồng bà lên nắm quyền và châm ngòi cho những thay đổi về xã hội vào lúc các gia đình Argentina chật vật để sống còn trong tình trạng kinh tế suy sụp.

Một cư dân ở thủ đô Buenos Aires, bà Claudia Solana bầy tỏ ý kiến:“Vậy là các ông phải chấp nhận để vợ mình ra khỏi nhà để đi làm và phụ nữ bắt đầu chiếm lĩnh các chức vụ trong những công ty và bây giờ cả những chức vụ trong chính phủ, trong chính trường. Kết quả là, phụ nữ nay được nam giới chấp nhận nhiều hơn trong các chức vụ có quyền thế.”

Bà Cristina Fernandez xuất thân từ đảng theo chủ nghĩa Peron của Argentina. Giống như bà Eva Peron, bà thích mặc quần áo mang các nhãn hiệu nổi tiếng, và lúc nào trông cũng chải chuốt trước công chúng. Khác với bà Peron, bà Fernandez xuất thân từ một gia đình trung lưu, dường như thích dùng các từ ngữ thực tiễn hơn là huênh hoang khoa trương, và bà không được coi là một người tích cực ủng hộ cho giới nghèo.

Một số người nói rằng lợi thế chính trị lớn nhất của bà Fernandez là tổng thống Kirchner, cũng lại là điểm bất lợi lớn nhất cho bà. Nhà tham vấn chính trị Sergio Berensztein giải thích:

“Bà có được quyền lực là nhờ thời gian chồng bà tại chức, một thời kỳ kinh tế tăng trưởng trở lại, công ăn việc làm nhiều hơn, và quyền hạn của tổng thống được khôi phục. Đồng thời, các khó khăn chính của bà cũng lại là những việc mà chồng bà đã làm – hoặc đã không làm được, ấy là kiểm soát lạm phát, chống tham nhũng, bành trướng các nguồn năng lượng và chống tội phạm.”

Bà Fernandez cùng với bà Michelle Bachelet là hai nhà nữ lãnh đạo duy nhất của châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, còn một người phụ nữ nữa có thể được nhiều người cho là sẽ lên nắm quyền vào năm tới ở châu Mỹ, đó là bà Hillary Clinton. Cũng giống như tổng thống tân cử của Argentina, bà Clinton đã từng là đệ nhất phu nhân và hiện là một thượng nghị sĩ, đại diện cho tiểu bang New York của Hoa Kỳ. Nhưng trong khi bà Cristina Fernandez được chồng ủng hộ ra tranh cử, thì bà Hillary Clinton đang phải cạnh tranh với các ứng viên khác để được đảng Dân chủ đối lập đề cử ra tranh chức tổng thống.

Một số quan sát viên nói về một liên minh lớn có thể có giữa hai người phụ nữ này, nếu như bà Hillary Clinton đắc cử. Nhưng chuyên gia phân tích chính trị của Argentina Rosendo Fraga không chắc lắm về điều này.

Bà Rosendo nói: “Tôi không biết liệu sẽ có một tình thân hữu lớn giữa hai nhân vật này hay không. Nhưng tôi cho rằng bà Cristina tin là một chính phủ Mỹ do bà Hillary lãnh đạo sẽ đem lại một cơ hội thiết lập một quan hệ song phương thân thiện hơn với Hoa Kỳ.”

Trong khi tổng thống Kirchner giữ một thái độ tương đối kín đáo trên chính trường thế giới, thì bà Fernandez đã tỏ ý muốn du hành và giao tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Bà nói rằng một trong các mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại của bà là thu hút thêm đầu tư quốc tế vào Argentina.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG