Đường dẫn truy cập

Cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng ở Trung Quốc


Các cuộc thăm dò mới về tài sản ở lục địa Trung Quốc cho thấy nước này có ít nhất 345 ngàn triệu phú tính bằng đôla, và 108 người được biết là tỷ phú. Giá chứng khoán và địa ốc tăng vọt là những yếu tố chính đưa đến sự giầu có ngày càng tăng này – đồng thời cũng góp phần chính vào sự cách biệt về thu nhập ngày càng tăng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại. Phái viên Kate Woodsome của đài VOA ở Hong Kong ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường trình sau đây:

Một người phụ nữ 26 tuổi được đánh giá tới 17 tỷ đôla là người giầu có nhất ở Trung Quốc, và ở toàn Châu Á. Bà Dương Huệ Nghiên đạt được vị thế cao sang này nhờ có cổ phần trong công ty Bích Quế Viên, một công ty phát triển địa ốc do thân phụ của bà sáng lập.Bản phúc trình Hurun ở Thượng Hải liệt kê bà Dương trong danh sách 800 người giầu nhất Trung Quốc.

Năm ngoái, bản phúc trình này chỉ liệt kê có 15 tỷ phú đôla Mỹ, nhưng năm nay, con số đó lên tới 108 người. Con số đó có nghĩa là hiện nay Trung Quốc có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, ngoại trừ Hoa Kỳ là nước có hơn 300 tỷ phú. Tạp chí Forbes, thường ghi nhận những sự kiện loại này, nói rằng có 36 tỷ phú ở Ấn Độ và 24 tỷ phú ở Nhật Bản.

Ông Rupert Hoogewerf, người công bố bản phúc trình, nói rằng bà Dương Huệ Nghiên và nhiều người cực kỳ giầu ở Trung Quốc đã làm nên cơ nghiệp nhờ niêm yết công ty của họ trên thị trường chứng khoán.

Ông Hoogewerf nói: “Thị trường chứng khoán trong năm ngoái đã tăng vọt lên hơn 100% ở Trung Quốc. Và lý do chính là những người có nhiều tiền ở nước ngoài đi tìm các cơ hội phát triển tốt. Nói về tình trạng trong nước, thì tình hình cũng tương tự như thế.”

Sự hiện đại hóa nhanh chóng ở Trung Quốc đã làm nẩy sinh một sự bộc phát trong ngành xây dựng. Các tòa nhà mới mọc lên ở các thành phố nhanh ngang với tốc độ phá bỏ các tòa nhà cũ. Ngân hàng Thế giới ước tính từ nay cho đến năm 2015, phân nửa các công trình xây dựng trên thế giới sẽ diễn ra ở Trung Quốc.

Theo ông Hoogewerf, tất cả những cơ sở địa ốc mới này đã giúp nhiều người làm giầu rất nhanh.Công nhân di trú từ vùng nông thôn nghèo khó của Trung Quốc là sức mạnh đứng sau sự phát triển đó, nhưng họ, cũng giống như 1 tỷ 300 triệu người dân Trung Quốc, lại nằm ở đầu bên kia của cán cân kinh tế so với những người như bà Dương Huệ Nghiên.

Có tới 200 triệu người Trung Quốc đã rời bỏ nhà cửa ở vùng nông thôn để đi làm việc tại các nhà máy và các công trường xây dựng tại những khu duyên hải phía đông và phía nam Trung Quốc. Các tổ chức nhân quyền nói rằng dân di trú được trả lương rất tồi tệ, hay đôi khi chẳng được trả gì cả.

Ông Paul Cavey, một kinh tế gia về Trung Quốc làm việc cho công ty chứng khoán Macquarie, nói rằng dân di trú chịu thiệt thòi vì những thay đổi nhanh chóng về chính trị và kinh tế có lợi cho các nhà kinh doanh nhiều thế lực hơn là cho tầng lớp công nhân.

Ông Cavey nói: “Điều ta thấy ở Trung Quốc là chủ nghĩa độc tài nhưng cũng là chủ nghĩa tư bản cực đoan. Nếu ta nhìn vào một nền kinh tế được thúc đẩy bởi thị trường nhiều hơn ở phương Tây thì những người bị thua thiệt vì hệ thống này được bảo vệ nhiều hơn. Có rất nhiều hạn chế về cạnh tranh và độc quyền. Ở Trung Quốc, không hề có điều ấy. Công nhân rất ít được bảo vệ.”

Cách đây 1 thập kỷ, chính phủ Trung Quốc sở hữu tất cả đất đai và các cá nhân không thể vay tiền. Cư dân ở thành phố làm việc cho các công ty quốc doanh và được ở nhà không mất tiền thuê.Vào cuối thập kỷ 1990, chính phủ tư nhân hóa gia cư và bắt đầu cho cá nhân vay tiền.

Chính phủ cũng cổ phần hóa nhiều cơ sở quốc doanh nắm phần lớn công việc sản xuất của Trung Quốc. Ông Robin Munro làm việc cho China Labor Bulletin, một tổ chức bảo vệ quyền công nhân ở Hong Kong. Ông cho biết giám đốc các công ty vừa kể lạm dụng các biện pháp cải tổ bằng cách cố ý để cho các công ty của họ phá sản rồi vay tiền ngân hàng để mua các công ty đó với giá rẻ.

Ông Munro nói; “Những người từng làm giám đốc các công ty quốc doanh biến thành những nhà kinh doanh tư nhân nắm những tài sản kếch xù trong tay. Họ sẽ cho phần lớn công nhân nghỉ việc rồi thay thế bằng lực lượng lao động rẻ từ nông thôn ra.”

Dân di trú dễ dàng bị khai thác và không được hưởng các dịch vụ xã hội bởi vì họ không có hộ khẩu ở thành phố. Nhiều người không xin hộ khẩu vì thiếu các giấy tờ bắt buộc phải có. Những người khác thì sợ mất đất đai ở nhà quê nên họ thường đi đi về về chứ không định cư hẳn ở một thành phố.

Nhà nước đã cắt giảm thuế nông nghiệp để giúp nông dân, nhưng ông Cavey cho rằng muốn thu hẹp sự cách biệt giầu nghèo, thì phải tôn trọng quyền sở hữu đất đai và quyền tự do đi lại. Đất đai và nhà cửa bị mất vào tay các dự án phát triển đã châm ngòi cho hàng ngàn cuộc biểu tình trong những năm gần đây.

Tình trạng bất ổn đã là một yếu tố đáng kể khiến chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra lời kêu gọi lập cái gọi là một 'xã hội hài hòa'. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo đã được ca ngợi vì thừa nhận có sự bất công đó.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 17 hồi tuần trước, ông Hồ đã vạch ra những kế hoạch phân chia các lợi ích phát triển kinh tế đều hơn, một phần bằng cách dành phần chi phí nhiều hơn cho các chương trình xã hội.

Theo ông Cavey, chính phủ Trung Quốc biết rằng cần có các biện pháp cải cách nào, nhưng không biết làm sao để phe Cộng sản cũ và phe tư bản mới đồng ý với nhau về những biện pháp đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG