Đường dẫn truy cập

Vấn đề định cư trẻ em lai tại Mỹ


Khi nước Mỹ hồi phục sau những chia rẽ và cay đắng vì cuộc chiến tranh Việt Nam, càng ngày càng có nhiều người đã Mỹ nghĩ đến những trẻ em lai cha Mỹ mẹ Việt còn bị bỏ lại ở Việt Nam. Do đó một đạo luật có tên là Homecoming Act nhằm hồi hương các trẻ em này đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 1988 và thực thi vào năm 1989. Hàng chục ngàn con lai đã được phép đến Hoa Kỳ theo đạo luật này, tuy nhiên đời sống của họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nơi quê hương mới.

Trần Nam của Ban Việt Ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA đã tiếp xúc với Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển để tìm hiểu thêm về công cuộc định cư các trẻ em lai Mỹ Việt tại Hoa Kỳ và các nỗ lực vận động để những người thuộc thành phần này tại Việt Nam có thể đến Hoa Kỳ.

Theo một cuộc nghiên cứu của Trường Đại Hội Tiểu Bang Ohio thì hơn 25 ngàn trẻ lai Mỹ Việt đã được định cư tại Hoa Kỳ và nếu tính luôn cả thân nhân cùng đi với họ thì tất cả là 77 ngàn người. Dù đến được Hoa Kỳ nhưng số phận của những người từng bị xã hội ruồng bỏ và sống như những trẻ bụi đời tại Việt Nam, vẫn chưa tìm được một cuộc sống mà họ từng mơ ước tại Hoa Kỳ. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, một tổ chức bất vụ lợi đã và đang có nhiều nỗ lực vận động cho thành phần này, nhận xét:

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Đối với những người con lai Mỹ Việt mà đã đến Hoa Kỳ rồi thì hiện nay chính phủ Hoa Kỳ không có một chính sách nào để giúp đỡ họ cả. Nói cách khác là họ gần như hoàn toàn bị bỏ rơi và không được ai chú ý đến bởi vì chính phủ Mỹ trước đây họ đinh ninh rằng khi họ đưa khoảng 27 ngàn anh chị em Việt lai Mỹ trong chương trình hồi hương các con lai Mỹ Việt thì xem như đã xong nhiệm vụ của họ, và những người này đã được hưởng một thời gian phúc lợi của chính phủ Hoa Kỳ tương đương với những phúc lợi mà những người tị nạn được hưởng, và sau đó thì họ xem như là phải tự mình hội nhập vào đời sống xã hội Hoa Kỳ

VOA: Thưa ông, có khoảng bao nhiêu người thuộc thành phần này còn ở tại Việt Nam, và chính phủ Mỹ hiện nay có chính sách nào mới đối với họ hay không?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Chúng tôi ước lượng có lẽ vẫn còn vài ngàn người lai Mỹ Việt vẫn còn ở Việt Nam. Mỹ thì cứ phỏng vấn đó nhưng số người được nhận cho định cư tại Mỹ thì vẫn còn rất nhỏ giọt. Và lý do mà chúng tôi được biết là chính sách bất thành văn của Mỹ là muốn đóng cửa chương trình hồi hương dành cho các trẻ em lai Mỹ Việt từ lâu rồi, từ năm 1994, 1995 vì quan niệm của họ là chương trình đã kéo khá dài, và những người kẹt lại là toàn những thành phần không xứng đáng để được tham gia chương trình này, hoặc là giấy tờ giả mạo hoặc là có những tì vết này kia ở trong hồ sơ thành ra họ ngăn chận từ năm 1995 chứ không phải mới đây. Nhiều cái hồ sơ mà tôi biết rõ ràng là con lai rất là chính đáng nhưng mà cho đến giờ này vẫn còn kẹt lại ở Việt Nam.

VOA: Thế thì Ủy Ban của ông có những nỗ lực nào nhằm cải thiện tình trạng này hay không?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Chúng tôi đã nhiều lần ngăn cản được những dự tính của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là chấm dứt luôn chương trình con lai Mỹ Việt từ Việt Nam vào Hoa Kỳ. Điển hình là đầu năm ngoái Bộ Ngoại Giao đã đưa ra một đề nghị với Quốc Hội Hoa Kỳ là hãy dứt điểm chương trình định cư ấy. Chỉ có một số dân biểu biết được, một số hội đoàn biết được, chúng tôi biết được, chúng tôi kịp chận lại trước khi nó trở thành ngôn ngữ của một dự luật, và cái đó gần như là cái điều hàng ngày, không biết chừng nào thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại đề nghị ngưng luôn cái chương trình ấy.

VOA: Ngoài việc ngăn chận, còn có những nỗ lực nào khác mà ông nghĩ là có thể giúp đỡ cho những người lai Mỹ Việt, thưa ông?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Vâng, hiện nay chúng tôi đang làm việc với một số quí vị dân biểu nhằm đưa ra một dự luật gọi là dự luật nhập tịch cho người lai Mỹ Việt. Dự luật này có lẽ khoảng vài tuần lễ nữa sẽ được đưa ra Hạ Viện. Lý do mà chúng tôi triển hạn vài tuần là để tìm thêm một vài vị dân biểu nặng ký từ 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đồng bảo trợ cho dự luật. Điều đáng tiếc là hiện nay chúng tôi chưa tạo được sự chú ý từ phía Dân Chủ cũng như Cộng Hòa.

VOA: Hiện nay thì đã có những dân biểu nào đã ủng hộ cho dự luật này?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Chúng tôi chỉ mới có được 4 người, hoặc là tác giả, hoặc là đồng bảo trợ. Thứ nhất là bà Dân Biểu Zoe Lofgren, tác giả của dự luật, người thứ hai thuộc đảng Dân Chủ như bà Zoe Lofgren là nữ Dân Biểu Loretta Sanchez ở vùng quận Cam. Bà Sanchez là người đã ủng hộ chương trình này từ nhiều năm nay. Hai người bên đảng Cộng Hòa là Dân Biểu Christopher Smith và thứ hai là Dân Biểu Tom Davis. Tất cả 4 người này đều là những người đồng bảo trợ đầu tiên nguyên thủy và mạnh mẽ nhất trong những năm trước đây khi dự luật này được đưa ra.

VOA: Thưa ông như vậy dự luật nhập tịch này đã được đệ trình trong những năm trước đây, thế thì tại sao bây giờ lại phải đệ trình một lần nữa?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Dự luật đã được đưa ra đầu tiên vào năm 2003, cũng do nữ Dân Biểu Zoe Lofgren là tác giả và cũng đã nhận được sự bảo trợ của các vị Dân Biểu như tôi vừa mới nói, nhưng dự luật năm 2003 đến năm 2004 đã chết đi và không hề được cứu xét, bởi vì theo các thể thức tại Quốc Hội Hoa Kỳ thì một dự luật mà trong nhiệm kỳ 2 năm không được cứu xét thì xem như dự luật đó chết. Năm 2005 dự luật lại đưa vào một lần thứ hai và rồi lại chết vào năm ngoái, và năm nay chúng tôi lại chuẩn bị để đưa vào lần thứ ba.

VOA: Thưa ông, nếu được thông qua thì dự luật này có thể giúp được gì cho những người lai Mỹ Việt?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Nếu mà dự luật được thông qua, thì xem như tất cả các trẻ em lai Mỹ Việt nào mà đã vào đến Hoa Kỳ qua cái chương trình hồi hương, tức là định cư hồi hương những người lai Mỹ Việt mà đã được quốc Hội thông qua năm 1988 thì đương nhiên được phép trở thành công dân Hoa Kỳ. Cái căn bản pháp lý là như thế này, theo cái luật hiện hành thì những ai mà sinh ra là con của một công dân Hoa Kỳ và được cha của mình đứng ra xác nhận thì đương nhiên trở thành công dân Hoa Kỳ.

VOA: Tiến sĩ muốn nói là không cần thi quốc tịch?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Vâng không cần thi quốc tịch, tuy nhiên điều trớ trêu là những con lai Mỹ Việt này đã không có cha đứng ra xác nhận trước khi các em đó quá tuổi vị thành niên. Ngược lại theo cái đạo luật năm 1988 mà các em được đưa vào đây thì không phải là cha chấp nhận mà chính là sở Di Trú chấp nhận thành ra các em đã được chấp nhận là con của một công dân Hoa Kỳ thành ra chúng tôi dựa vào lập luận đó mà nói rằng thay vì người cha thì bây giờ cũng làm ra một sự luật để mà chấp nhận cái việc xác nhận với chính phủ Hoa Kỳ rằng đây là những người con của công dân Hoa Kỳ và do đó được hưởng quyền là công dân Hoa Kỳ.

VOA: Theo như lời mà ông vừa trình bày thì chắc rằng các em cũng đã gặp khó khăn trong việc thi quốc tịch, có phải như vậy không?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Vâng, gặp khó khăn rất nhiều, mà đặc thù là vì các em lớn không được đi học nhiều tại Việt Nam, bị kỳ thị, bị hất hủi, phải lo kiếm sống, đây là những em trẻ bụi đời, không có nhà không có cửa, không được chăm sóc thành ra nhiều em không thể đọc và viết ngay cả tiếng Việt Nam, vì vậy rất khó khăn cho các em bây giờ lớn rồi mà phải học một ngôn ngữ mới như Anh văn để mà có thể thi nhập tịch Hoa Kỳ chưa kể là đời sống của các em rất là quần quật, nhiều em phải làm 2 jobs, 3 jobs, hai ba công việc một lúc để mà kiếm sống, chăm lo cho gia đình, con cái.

VOA: Ngoài khó khăn về vấn đề thi nhập tịch thì các em có còn gặp những khó khăn nào khác trong việc định cư tại Hoa Kỳ?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Gặp rất nhiều, thứ nhất là không rành ngôn ngữ, không đọc không viết được, đưa đến rất nhiều thiệt thòi về quyền lợi trong đời sống hàng ngày. Chưa cần nói đâu xa, ngay vấn đề tìm công ăn việc làm, nếu mà mình không rành ngôn ngữ thì khó mà tìm một công ăn việc làm ổn định, có bảo hiểm sức khỏe, do đó cái đời sống rất là cơ cực đối với nhiều em lai Mỹ Việt, chưa kể có những em không có cả bằng lái xe bởi vì không viết được thì làm sao thi lấy bằng lái xe, không bảo lãnh được cho thân nhân cũng như có cả ngàn trường hợp người Việt của chúng ta đang chờ để bị dẫn độ về Việt Nam vì lý do có một vài cái vi phạm đôi khi rất là nhỏ về luật pháp. Trong số vài ngàn người đó, thành phần lai Mỹ Việt rất là đông.

VOA: Xin được hỏi ông một câu chót, Ủy Ban của ông có những hoạt động nào để giúp đỡ các em lai Mỹ Việt trong thời gian tới hay không?

T.S. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG: Hiện nay chúng tôi đang đi rất nhiều nơi để mà tiếp xúc với các nhóm lai Mỹ Việt, khuyến khích họ tổ chức thành những nhóm tương trợ với nhau và đỡ đần nhau vì trong các nhóm đó thế nào cũng có những người rành rẽ ngôn ngữ hơn, thành công hơn người khác để nương tựa lẫn nhau. Chúng tôi thấy rằng nhiều nhóm đã tự phát từ trước đây nhưng mà bây giờ chúng tôi giúp bằng cách giúp đỡ họ hoạt động có qui củ hơn, xin được qui chế miễn thuế để mình nhận lãnh được sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ về pháp lý, về tài chính, về những kỹ thuật này kia. Việc thứ hai là chúng tôi cũng đã và đang tiếp tục tổ chức các phái đoàn gồm chính các trẻ em lai Mỹ Việt đến tiếp xúc với từng vị dân biểu của họ như tại Atlanta và Louisville họ đã lập phái đoàn đi tiếp xúc, và những nơi mà họ tiếp xúc đều nhận được sự hưởng ứng và hứa hẹn hỗ trợ của các vị dân biểu bởi vì không cái gì bằng chính họ thấy được tận mắt đây là những người cùng màu da cùng vóc dáng, cùng hình dạng với lại họ, các vị dân biểu đó, chỉ khác một điều là họ không phải là công dân Hoa Kỳ chỉ vì lý do ngoài cái sự kiểm soát của các em lai Mỹ Việt.

VOA: Xin cám ơn Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng Giám Đốc Điều Hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG