Đường dẫn truy cập

'Thời Đại của Rembrandt' tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật New York


Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật thành phố New York sở hữu một trong những bộ sưu tập lớn nhất và phong phú nhất về hội họa của nước Hà Lan ở bên ngoài Châu Âu. Với hơn 200 bức tranh hầu hết được sáng tác từ thế kỷ thứ 17, bộ sưu tập của viện bảo tàng này phần lớn qui tụ những tác phẩm được những người Mỹ sưu tập tặng hay đặc biệt mua cho viện bảo tàng. Lá Thư Mỹ Quốc tuần này mời quí thính giả theo dõi câu chuyện sau đây của TTV Mona Ghuneim qua lời thuật của Lan Phương.

Tất cả 228 họa phẩm trong bộ sưu tập này được trưng bày cùng một lúc, lần đầu tiên, trong lịch sử của viện bảo tàng thành phố New York. Trong số này có 20 tranh của họa sỹ lừng danh của Hà Lan Rembrandt van Rijin. 11 bức của Frans Hals và 5 của họa sỹ được rất nhiều người yêu mến là Johannes Vermeer.

Người đặc trách cuộc triển lãm được đặt tên là Thời Đại của Rembrandt, nói rằng bộ sưu tập của Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Thành Phố New York được những người sưu tập vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20 chủ ý thu thập. Đây là những tay sưu tập rất thích thú với nghệ thuật hội họa của Hà Lan vào thế kỷ thứ 17. Người đặc trách tổ chức cuộc triển lãm, ông Walter Liedtkec cho biết đã có một mối liên hệ ngày càng đậm nét giữa xã hội Hà Lan và nước Mỹ vào thời trước.

Ông Liedtkec nói: "Vào thế kỷ thứ 19, nước Mỹ tự cho là 1 quốc gia dân chủ của giai cấp công nhân hùng mạnh hay của những cá nhân thuộc giới trung lưu đã tự lực tự cường để đạt được thành quả trong đời sống của họ., và họ tự so sánh với nước cộng hòa Hà Lan vào thế kỷ thứ 17."

Trong thế giới nghệ thuật, thế kỷ thứ 17 tại Hà Lan được coi là thời hoàng kim của ngành hội họa nước này và Rembrandt được coi là họa sỹ bậc thầy vào ngày đó. Theo người đặc trách cuộc triển lãm, ông Liedtke nói rằng thời kỳ đó của ngành hội họa Hà Lan vẫn tiếp tục là một trong thời đại được ưa chuộng nhất của nghệ thuật hội họa. Ông cho biết Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Thành Phố New York đã khởi công sưu tập các họa phẩm thế kỷ thứ 17 của Hà Lan vào năm 1871, chỉ 1 năm sau khi viện bảo tàng này được thành lập. Ông cho biết nền kinh tế phát triển mạnh của Hoa Kỳ, và sự kiện những nền kinh tế của Châu Âu không thể bắt kịp Hoa Kỳ vào lúc bước sang thế kỷ thứ 20 đã giúp cho Mỹ có thể mua được rất nhiều họa phẩm trong bộ sưu tập này.

Sử gia về nghệ thuật hội họa, bà Esmee Quodbach đồng ý rằng những giới chức và ủy viên quản trị lúc đầu của viện bảo tàng có chủ ý tạo dựng bộ sưu tập đó ; và lúc đó có một sự thúc bách là Hoa Kỳ phải xây dựng một viện bảo tàng đồ sộ tại thành phố New York để có thể sánh được với bất cứ viện bảo tàng tiếng tăm nào tại Châu Âu. Nhưng theo bà thì có lẽ nhiều nhà sưu tập tại New York cũng lại cạnh tranh với nhau nữa.

Bà Quodbach nói: "Họ cùng thích những họa sỹ đó. Họ thích những họa sỹ có tên tuổi lừng lẫy, và nếu như một tay sưu tập có được 1 họa phẩm của Rembrandt thì có lẽ bạn bè của ông hay 1 doanh nhân cạnh tranh với ông cũng lại muốn có một bức tranh do Rembrandt sáng tác. Và tôi có thể đoan chắc rằng những bộ sưu tập này sở dĩ mà có được là vì nguyên do đó."

Theo người đặc trách cuộc triển lãm, ông Walter Liedtke thì còn 1 lý do nữa mà người dân Mỹ, đặc biệt là dân thành phố New York, cảm thấy những bộ sưu tập này đầy sức hấp dẫn, đó là thiên nhiên. Rất nhiều họa phẩm trong bộ sưu tập vẽ phong cảnh đất đai, núi rừng, biển cả và những chủ đề khác về thiên nhiên.

Băng đĩa hướng dẫn khách đến xem cuộc triển lãm giới thiệu một họa phẩm của Meyndert Hobbema, một họa sỹ hàng đầu chuyên về phong cảnh trong thời đại hoàng kim về hội họa của Hà Lan, vẽ khung cảnh tĩnh mịch của đời sống làng quê ở nước này.

Đa số dân chúng Hà Lan sống ở nơi thị tứ. Họ rất ưa thích những khung cảnh thôn dã giống như trong những họa phẩm vì nó đem lại một cảm nghĩ an lành, và hơn 2 thế kỷ sau, những tay sưu tập tại New York cũng có cùng một cảm nhận như thế.

Ông Liedtke cho biết cuộc triển lãm cho thấy là những tay sưu tập tại New York, như Henry Marquand, J-P Morgan và Benjamin Altman, đã say mê nghệ thuật hội họa Hà Lan đến mức độ như thế nào và đã tạo nền tảng cho bộ sưu tập vĩnh viễn cho viện bảo tàng của thành phố. Ông giải thích rằng những họa phẩm này đã được liên kết chặt chẽ với lịch sử của viện bảo tàng, nhưng những tay sưu tập được những tranh này cũng là những người biết nhìn xa trông rộng.

Theo người đặc trách cuộc triển lãm thì không ở đâu lại hiển hiện rõ ràng hơn là trong các tác phẩm của Vemeer, một người mà đến ngày nay vẫn được coi là 1 trong những họa sỹ được ngưỡng mộ nhất, so với tất cả giới nghệ sỹ hội họa, cho dù là Hà Lan hay bất cứ đâu.

Trong lời hướng dẫn khách đến xem triển lãm bộ sưu tập, chúng ta được nghe nói về sự ái mộ của người Mỹ dành cho Vemeer:

"Những hình ảnh nên thơ chan hòa ánh sáng trong tranh của Vemeer đã tạo nên một sức lôi cuốn lạ thường đối với những tay sưu tập tranh ở duyên hải miền đông Hoa Kỳ. Họa sỹ này chỉ vẽ rất ít tranh, và đến ngày nay thì chỉ có chừng 35 bức được đích thực coi là tranh Vemeer. Vậy mà viện bảo tàng New York đã sở hữu được 5 bức, tức là nhiều hơn so với bất kỳ viện bảo tàng nào khác trên thế giới."

Trong số 35 tác phẩm của Vemeer thì 13 bức có mặt tại Hoa Kỳ, trong số này có 8 bức ở New York. Nhưng trong khi 5 bức do viện bảo tàng New York sở hữu được thực sự coi là tranh quí giá nhất trong bộ sưu tập của kho tàng hội họa Hà Lan thì người đặc trách cuộc triển lãm, ông Walter Liedke nói rằng tất cả mọi họa phẩm trong bộ sưu tập đều có sức hấp dẫn đối với người xem. Theo ông, một phần là vì những họa sỹ bậc thầy đã vẽ tranh mà không cẩn nhiều hiểu biết về lịch sử hay kiến thức học thuật và cũng không cần hiểu biết nhiều ngay cả về thánh kinh.

Ông Liedtke nói: "Những họa phẩm này thu hút được quần chúng một phần nhờ chúng mang tính tự nhiên. Những điều được công nhận và bất ứ ai cũng có thể ngưỡng mộ, như một phong cảnh đẹp hay một một người có những nét hấp dẫn chẳng hạn."

Theo ông Liedtke thì nhìn ngắm những tác phẩm hội họa này chẳng khác gì được thư thả nằm trên chiếc võng với một cuốn tiểu thuyết hay trong tay,hoặc giả như tại thành phố New York thì được thoát ra khỏi khung cảnh ồn ào, náo nhiệt và hối hả của thành phố vào thế kỷ thứ 21 để tìm về sự tĩnh lặng, êm đềm của nước Hà Lan thế kỷ thứ 17, cho dù chỉ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG