Bộ phận thông tin của công ty Bloomberg cũng bàn tới đà phát triển kinh tế của Việt Nam – được coi là cao nhất trong vòng 10 năm nay – trong khi các công ty chế tạo đủ loại hàng may mặc ngày càng sản xuất thêm hàng xuất khẩu, lợi tức của dân chúng tăng gia và con số đông đảo du khách nước ngoài đã khích động ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ phát triển mạnh hơn nữa.
Nhà kinh tế thuộc Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc thường trú tại Hà Nội – ông Jonathan Pincus – nói rằng nhìn dưới bất cứ tiêu chuẩn nào thì người ta cũng thấy là Việt Nam đã tiến bộ vượt mức.
Theo ông, mục tiêu đưa cả nước tới vị thế trung lưu cấp thấp vào cuối thập niên nầy là điều hoàn toàn có thể thành tựu. Tuy nhiên, theo ông Pincus thì Việt Nam vẫn còn những khó khăn trước mặt bởi vì vẫn chưa thiết lập được những công ty tầm cỡ quốc tế, có đủ khả năng cạnh tranh trên thế giới.
Theo giới doanh nghiệp trong nước thì chính nhờ Việt Nam gia nhập được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới nên đã tăng tốc nền kinh tế của Việt Nam nhờ nước ngoài gia tăng đầu tư và nhờ đà phát triển của các ngành sản xuất.
Việt Nam nay là một trong 10 nước xuất khẩu nhiều quần áo vải vóc nhất thế giới. Còn các ngành công nghiệp dịch vụ - chiếm 38% nền kinh tế quốc gia - đã bành trướng ở tỉ lệ 8% rưỡi so với năm trước, trong khi khách sạn và nhà hàng ăn đã tăng tới 12,7%.
Nông lâm ngư nghiệp – chiếm 20% tổng sản lượng quốc dân – tăng được 3% so với năm trước mặc dù riêng ngành ngư nghiệp thì đã tăng tới 9%. Theo các số liệu thống kê thì Việt Nam hiện đứng thứ nhì thế giới về mặt xuất khẩu cà phê và lúa gạo.
Mặc dù ghi nhận sự kiện chính phủ Việt Nam đã dự định là trong năm 2008, Việt Nam sẽ phát triển kinh tế cao hơn cả tỉ lệ 8% rưỡi trong năm nay; một phúc trình do Standard Chartered công bố cho rằng tỉ lệ lạm phát, tăng tới 8,8% trong tháng 9 nầy so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn có thể tác hại cho thế quân bình của nền kinh tế Việt Nam về lâu về dài.