Đường dẫn truy cập

Trung Quốc 'tiến thoái lưỡng nan' vì Miến Ðiện


Trong lúc bày tỏ phẫn nộ trước vụ đàn áp đẫm máu của chính quyền quân nhân Miến Điện nhắm vào những tăng sĩ Phật giáo và những người biểu tình đòi dân chủ, cộng đồng thế giới đã liên tục yêu cầu Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để gây áp lực đòi tập đoàn quân nhân ngưng ngay các hành vi bạo động và tiến hành các biện pháp cải cách chính trị.

Nhiều nhà quan sát cho rằng yêu cầu này đã đặt chính phủ ở Bắc Kinh vào một tình thế rất khó xử - một mặt Trung Quốc không muốn làm hoen ố hình ảnh của mình trong lúc chuẩn bị đăng cai Thế Vận Hội 2008, nhưng mặt khác thì Trung Quốc cũng không thể khuyên chính quyền Miến Điện đừng làm những điều mà chính họ đã từng làm ở Quảng trường Thiên an môn năm 1989. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Trong số các cuộc biểu tình trên khắp thế giới để phản đối vụ đàn áp ở Miến Điện có cuộc biểu tình của khoảng 100 người diễn ra ở thành phố Houston của Mỹ hồi sáng thứ hai ngày mồng một tháng 10 vừa qua. Cuộc biểu tình này thu hút sự chú ý của dư luận vì đã diễn ra trước lãnh sự quán Trung Quốc, với những khẩu hiệu đòi chính phủ ở Bắc Kinh ngưng hỗ trợ cho chế độ độc tài quân phiệt ở Miến Điện. Những người biểu tình cũng tố cáo rằng Trung Quốc đang gây cản trở cho những nỗ lực quốc tế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm trừng phạt nhà cầm quyền Miến Điện vì những hành vi bạo ngược của họ.

Cũng trong ngày thứ hai, phát ngôn viên Tom Casey của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng Washington đang xem xét tới việc áp đặt thêm các biện pháp chế tài sau khi vừa nới rộng lệnh phong tỏa tài sản và không cấp thị thực nhập cảnh đối với khoảng 30 viên chức cao cấp của Miến Điện dính líu tới những vụ vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, ông Casey cũng nói rằng những biện pháp mà Hoa Kỳ áp dụng không đủ để buộc tập đoàn quân nhân Miến Điện thay đổi đường lối. Ông nói tiếp như sau:

"Đó chính là lý do tại sao các nước có ảnh hưởng nhiều nhất ở Miến Điện hiện nay - kể cả Trung Quốc, Ấn độ và các nước Asean, cần phải sát cánh với Hoa Kỳ trong một nỗ lực nghiêm túc để làm cho tập đoàn quân nhân thay đổi cung cách hành xử. Dĩ nhiên là chúng tôi mong muốn các nước vừa kể sử dụng mọi ảnh hưởng mà họ có để gây áp lực lên chính phủ Miến Điện, vì rõ ràng là các biện pháp chế tài tự nó đã không thể mang lại những thay đổi cụ thể mà chúng ta từng mong đợi."

Một số nhà quan sát cho rằng kỳ vọng mà cộng đồng quốc tế gởi gắm vào giới lãnh đạo Bắc Kinh là một mơ ước hão huyền. Ông Triệu Đạt Công, một nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc, giải thích như sau:

"Cộng đồng quốc tế đã làm một việc vô ích khi yêu cầu chính quyền Trung Quốc -- một chế độ độc tài từng nổ súng bắn chết dân chúng của mình hồi năm 1989, đi khuyên nhủ một nước đàn em "đừng có nổ súng." Chắc chắn là nước đàn em này sẽ hỏi lại rằng "Thế đại ca gặp trường hợp như em bây giờ, đại ca có nổ súng hay không?"

Giáo sư Hồ Bình, chủ biên tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh ở New York, tán đồng nhận định của ông Triệu Đạt Công. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng yêu cầu của cộng đồng quốc tế là một yêu cầu chính đáng và hợp lý. Sau đây là vài lời của ông Hồ Bình:

"Việc cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc gây áp lực lên chính quyền quân nhân Miến Điện là một việc hợp lý. Vì Trung Quốc và Miến Điện là hai nước láng giềng và Trung Quốc lại là nước có nhiều ảnh hưởng đối với Miến Điện. Từ nhiều năm qua, chính quyền Miến Điện đã nhận được rất nhiều hỗ trợ và hậu thuẫn của Trung Quốc. Trung Quốc cũng có rất nhiều quyền lợi rất lớn ở Miến Điện. Có thể nói trong số các cường quốc thế giới hiện nay, Trung Quốc là nước có ảnh hưởng nhiều nhất ở Miến Điện. Vì vậy cho nên yêu cầu Trung Quốc thay mặt cộng đồng quốc tế để gây áp lực đối với Miến Điện là một việc chính đáng."

Theo giáo sư Hồ Bình, yêu cầu này đã đặt Trung Quốc vào một tình huống khó xử vì cho đến nay giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường đối với vụ thảm sát Thiên An Môn và cho rằng họ đã phải đàn áp người biểu tình để duy trì ổn định xã hội. Ông nói thêm:

"Mọi người trong chúng ta ai nấy cũng đều biết rằng chính Trung Quốc đã công khai dùng xe tăng súng máy để giết chết những người dân biểu tình trong hòa bình ngay tại thủ đô. Cho nên yêu cầu một chính quyền tàn sát người dân của mình đi ngăn chận một chính quyền cũng độc tài như vậy đừng có tàn sát dân chúng của họ là một việc làm hết sức hoang đường. Nhưng nếu xét về một phương diện khác thì yêu cầu này đã đưa Trung Quốc vào một tình thế rất đỗi khó khăn, bối rối. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc không thể nào công khai tuyên bố ủng hộ cho hành động đàn áp của chính quyền quân nhân Miến Điện. Rõ ràng là họ không đủ can đảm để nói rằng Miến Điện giết người bừa bãi như thế là đúng, là cần thiết cho sự ổn định của Miến Điện. Nhưng chúng ta sẽ thấy là Bắc Kinh cũng không có hành động thiết thực nào để gây áp lực lên tập đoàn tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện."

Ông Hồ Bình nói thêm rằng chính phủ ở Bắc Kinh có phần chắc sẽ có một vài hành động hay tuyên bố nào đó để xoa dịu sự phẫn nộ của thế giới và tránh làm tổn thương hình ảnh của Trung Quốc trong lúc họ chuẩn bị tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 -- một dịp mà trong nhiều năm qua họ vẫn muốn dùng để khẳng định sự trỗi dậy trong hòa bình và gia nhập cộng đồng các quốc gia văn minh trên thế giới.

Bên cạnh Trung Quốc, các nước trong khối Asean cũng được nhiều người thúc giục để gây áp lực lên tập đoàn tướng lãnh Miến Điện. Một số người đã cảm thấy phấn khởi khi nghe ngoại trưởng George Yeo của Singapore -- nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Asean, đưa ra một tuyên bố cứng rắn bất thường tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để chỉ trích vụ đàn áp ở Miến Điện:

"Chắc chắn rằng đây là một thảm họa cho Miến Điện và là một tin dữ cho Asean. Uy tín của chúng tôi đang bị đe dọa, thanh danh chung của chúng tôi đã bị hoen ố. Trừ phi chúng tôi chỉnh đốn được mọi việc và đưa Miến Điện đi vào một đường hướng mới, tất cả các nước khác trong hiệp hội chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng và bị Miến Điện lôi kéo xuống vũng lầy."

Chính sách bất can thiệp mà Asean vẫn áp dụng từ bấy lâu nay khiến cho nhiều người tỏ ý nghi ngờ đối với những gì mà hiệp hội này sẽ làm để giúp giải quyết vụ khủng hoảng Miến Điện. Tuy nhiên có phần chắc là đề tài này sẽ là một trong các trọng tâm thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Asean diễn ra ở Singapore vào trung tuần tháng 11 năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG