Đường dẫn truy cập

ASEAN cực lực lên án Miến Ðiện


Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tức ASEAN đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ bất thường để lên án vụ đàn áp những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Miến Điện - một nước thành viên của hiệp hội này. Việc đả kích kịch liệt này đi ngược với thái độ do dự cố hữu của ASEAN khi đề cập tới công việc nội bộ của các nước thành viên.

Hôm nay, khối ASEAN bày tỏ cảm nghĩ mà họ gọi là 'kinh tởm' đối với việc đã có ít nhất 10 người biểu tình bị sát hại ở Rangoon trong hai ngày qua. Tổ chức khu vực này yêu cầu chính quyền quân nhân Miến Điện chấm dứt các hành vi bạo động và trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, kể cả bà Aung San Suu Kyi - lãnh tụ phe dân chủ và là người từng đoạt giải Nobel Hòa bình.

Trước đây, khối ASEAN cũng từng thúc giục Miến Điện gia tăng tiến độ của công cuộc cải cách dân chủ và thực hiện hòa giải với các lực lượng dân chủ trong nước. Tuy nhiên, lời chỉ trích của ASEAN nhắm vào chính quyền quân nhân Miến Điện ngày hôm nay được nhiều người chú ý vì tính chất thẳng thắn và có nhiều kịch tính.

Singapore hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Phát biểu bên lề phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Bộ trưởng ngoại giao Singapore, ông George Yeo nói rằng uy tín của các nước khác trong khối ASEAN sẽ bị thiệt hại nặng nếu Miến Điện không từ bỏ đường lối bạo động.

Ông Yeo nói: "Chắc chắn rằng đây là một thảm họa cho Miến Điện và là một tin dữ cho ASEAN. Uy tín của chúng tôi đang bị đe dọa, thanh danh chung của chúng tôi đã bị hoen ố. Trừ phi chúng tôi chỉnh đốn được mọi việc và đưa Miến Điện đi vào một đường hướng mới, tất cả các nước khác trong hiệp hội chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng và bị Miến Điện lôi kéo xuống vũng lầy."

Những cuộc biểu tình phản đối vụ đàn áp phong trào dân chủ Miến Điện đã được tổ chức ở nhiều thành phố trong vùng Đông Nam Á và các nơi khác trên thế giới.

Tại thủ đô Canberra của Úc, những người biểu tình đã xô xát với nhân viên công lực khi họ tìm cách xông tới đại sứ quán Miến Điện. Có vài người bị bắt giữ.

Tại Jakarta, thủ đô của Indonesia, những người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Miến Điện đã hô to các khẩu hiệu đòi Miến Điện chấm dứt bạo động và trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Những người biểu tình đã mặc áo màu đỏ sậm để hưởng ứng lời kêu gọi quốc tế nhằm bày tỏ tình liên đới với các tăng sĩ Phật giáo ở Miến Điện.

Trong khi đó, các nhân viên làm việc tại bộ ngoại giao Indonesia đã cử hành một phút mặc niệm để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ đàn áp ở Miến Điện.

Tại Tokyo, chính phủ Nhật nói rằng họ sẽ quyết định xem có nên ngưng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Miến Điện hay không sau khi kết thúc cuộc điều tra về việc một ký giả người Nhật bị các lực lượng an ninh ở Rangoon bắn chết hôm thứ năm.

Các hãng thông tấn quốc tế cho hay: đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, ông Ibrahim Gambari, đã tới Singapore hôm nay và đang chờ nhận thị thực nhập cảnh Miến Điện.

Ông Gambari được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon phái đến Miến Điện để điều giải giữa chính phủ và người biểu tình. Tin tức báo chí cho biết các giới chức bộ ngoại giao Singapore đã tiếp kiến ông Gambari và bày tỏ hậu thuẫn cho công tác của ông.

Những cuộc biểu tình phản đối vụ đàn áp ở Miến Điện cũng diễn ra ở các thành phố khác ở Á châu, Hoa kỳ, và Âu châu. Các nhà lãnh đạo chính phủ trên khắp thế giới đã lên án giới lãnh đạo Miến Điện.

Hoa kỳ và Liên hiệp Âu Châu đã áp đặt các biện pháp chế tài Miến Điện từ nhiều năm nay, và hồi đầu tuần này, Tổng thống George W Bush Mỹ cũng đã loan báo thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tướng lãnh Miến Điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG