Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Thách thức về công nghệ thông tin sau WTO


Kỹ sư Lê Ngọc Điệp ở California vừa có bằng cao học về Công nghệ Thông tin vừa có bằng cao học về Quản trị Kinh doanh. Chị cũng là thành viên của Hiệp Hội Các Nữ Kỹ Sư Hoa Kỳ, và đã làm cố vấn về Công nghệ Thông tin cho các trường đại học và các công ty Hoa Kỳ từ hơn 20 năm qua. Trong buổi trao đổi hôm nay với Huy Phương, chị Lê Ngọc Điệp trình bày kiến về tình hình công nghệ thông tin tại Việt Nam nói chung, và những thách thức cho Việt Nam về mặt này, sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

VOA: Thưa chị, trong một cuộc hội thảo mới đây do hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ở California, chị có nói rằng sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, ngành công nghệ thông tin Việt Nam nhận được ba lợi thế; thứ nhất là hỗ trợ tài chính, thứ hai là tăng gia kinh tế và thứ ba là nâng cao dân trí. Xin chị đào sâu hơn một chút về ba lợi thế này.

LNĐ: Về phương diện tài chánh, Việt Nam được sự trợ giúp của các cường quốc trong những hợp tác thiết kế những đề án có tầm vóc quốc gia; ví dụ như với Hoa Kỳ, trong hệ thống wireless WIMAX do USAID, Intel và VDC thực hiện ở Lào Cay và những vùng phụ cận ở miền thượng du. Đứng về mặt kinh tế, Việt Nam tạo cơ hội cho các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam một cách thoải mái. Sự đầu tư này đem lại phồn vinh cho lợi tức quốc gia, giảm thiểu được nạn thất nghiệp, và gián tiếp trao đổi kiến thức, huấn luyện nghề nghiệp cho dân Việt Nam mà không có sự tốn kém cho ngân sách nhà nước. Thí dụ điển hình là sự thành lập công ty Intel tại thành phố Hồ Chí Minh gần đây, và đầu tư về đường giây cáp quang. Về phương diện dân trí, sự tiếp cận với những phương tiện thu thập nhanh chóng về công nghệ thông tin giúp người dân mở rộng kiến thức tổng quát và chuyên môn về khoa học, y tế, nông nghiệp, và nhất là cái nhìn khách quan về chính trị của nhà nước đối với thế giới bên ngoài. Đây cũng là một cách gián tiếp thúc đẩy Việt Nam đi đến con đường dân chủ một cách hữu hiệu.

VOA: Để đổi lại những lợi thế đó thì đương nhiên Việt Nam phải thực hiện một số cam kết mà Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã đặt ra. Theo nghiên cứu của chị thì Việt Nam phải cam kết những gì về mặt công nghệ thông tin, có cam kết nào được hoãn thi hành trong vòng một thời gian, để chiếu cố cho một thành viên mới như Việt Nam hay không?

LNĐ: Có những điều cam kết mà Việt Nam phải thực hiện theo chương trình gọi là “Schedule Of Specific Commitments On Trade And Services” (lịch trình cam kết cụ thể về thương mại và dịch vụ) theo giao ước của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Đặc biệt về mặt viễn thông, Việt Nam được miễn thuế nhập cảng những vật dụng về công nghệ thông tin nhưng sự miễn thuế này sẽ giảm dần, từ 2010 đến 2014. Vấn đề đầu tư: Việt Nam giới hạn quyền làm chủ của các công ty ngoại quốc từ 49%, có trường hợp ngoại lệ, đến 65%. Đó là những cam kết mà Việt Nam phải thực hiện nhưng cam kết gay go nhứt, đó là sự bảo vệ sở hữu trí tuệ.

VOA: Chị vừa nhắc đến cam kết của Việt Nam phải bảo vệ quyền tài sản trí tuệ, ví dụ như phải có luật pháp nghiêm túc để ngăn cấm chuyện sao chép phần mềm bất hợp pháp. Đây quả là một cam kết rất khó thực hiện vì một người dân Việt Nam bình thường không đủ khả năng tài chính để mua các loại phần mềm với cái giá chính thức. Theo chị thì làm thế nào để giải quyết cái thế kẹt này?

LNĐ: Việt Nam lâm vào tình trạng của những quốc gia phát triển yếu (Less Developed Countries – LCDs) vì lợi tức của người dân những nước này quá thấp, so với giá tiền của những nhu liệu và cương liệu của công nghệ thông tin. Do đó, Việt Nam phải có những biện pháp để bảo vệ một cách nghiêm túc.
Theo tôi có 3 giải pháp mà tôi tạm gọi là đề nghị. Thứ nhứt, chính phủ cần giáo dục người dân ý thức tầm quan trọng của việc bảo về quyền sở hữu trí tuệ, vì đó là điều then chốt tạo tin tường cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Thứ hai, nhà nước có thể điều đình một hợp đồng lớn với những công ty để mua những bản quyền của những nhu liệu gọi là “general public license” và phân phối lại cho dân. Thứ ba, nhà nước có thể hợp tác với các công ty ngoại quốc trong việc biên soạn các nhu liệu và chế tạo các cương liệu trong xứ để giá thành được rẻ hơn, hoặc tìm những nhu liệu có tính cách không giới hạn sử dụng về bản quyền (free open source software). Điều này rất gay go và tự mâu thuẫn với nhau, vì các nhu liệu ngày càng được cập nhựt hóa, nâng cấp; các cương liệu, computer, cũng cập nhựt hóa để có thể compatible (tương thích). Mỗi lần cập nhựt hóa rất tốn kém cả nhu liệu và cương liệu. Do đó, Việt Nam cũng như các nước chậm tiến khác sẽ lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà không thể tránh được.

VOA: Thưa chị, ở Việt Nam mới đây lại ồn ào về đề án 112, tức là đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước trong giai đoạn 2001-2005. Nếu không bị thâm lạm công quỹ, không bị đội giá, tham ô móc ngoặc, thì liệu Đề án 112 có phải là một đề án tốt, có tính khả thi không?

LNĐ: Đứng trên phương diện mục tiêu và tôn chỉ, đề án này rất có lợi và tốt đẹp vì đáp ứng nhu cầu cần thiết cho việc thiết kế một chương trình có thể thực hiện từ trung ương đến địa phương. Chương trình này cũng tương tự như một chương trình tôi có đề cập trong cuộc hội thảo vừa qua do hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hồi tháng 8 ở Quân Cam, California. Nói một cách tổng quát, mục đích rất tốt nhưng sự quản lý và nội dung của đề án qua sơ sài, không có đủ lý luận cụ thể một cách khoa học; và có những khái niệm lầm lẫn, chưa thể xem là một đề án khả thi, như giáo sư Phan Đình Diuệ đã trình bày trong một bức thơ gởi cho Thủ Tướng Phan Văn Khai mới được công bố hồi gần đây. Và tệ hại hơn nữa, đề án này được quản lý và thực hiện bởi người của văn phòng chính phủ, mà không phải là chuyên gia am hiểu việc ứng dụng công nghệ thông tin chỉ đạo và điều hành.

VOA: Thưa chị, là người đã từng hành nghề tư vấn về công nghệ thông tin cho các trường đại học ở Florida, ở California; và các công ty lớn của Hoa Kỳ như Boeing, HP, Oracle v.v… bây giờ nếu nói một cách tổng quát thì chị nhận định về trình độ công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay như thế nào?

LNĐ: Tôi có hai ý nghĩ: lạc quan và bi quan. Lạc quan vì Việt Nam sẽ hội nhập vào kỹ thuật tân tiến về công nghệ thông tin thế giới. Bi quan là làm sao Việt Nam có thể đối đầu được những thách thức cho chính mình để theo kịp trào lưu và nâng cao dân trí một cách hữu hiệu, mà không có sự ngăn cản về tự do ngôn luận, tự do tiếp thu những tin tức ngoại quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG