Đường dẫn truy cập

Tướng lãnh Pakistan lo ngại về uy tín của quân đội


Trong lúc các đối thủ chính trị của Tổng thống Musharraf thông qua thủ tục pháp lý để ngăn không cho ông tái tranh cử, các tướng lãnh trong quân đội đã tỏ ý lo ngại về việc uy tín của quân đội đang bị sút giảm.

Pakistan đã nằm dưới sự cai trị của phe quân đội trong hơn phân nửa của khoảng thời gian 60 năm kể từ ngày độc lập.

Tướng Musharraf đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chánh năm 1999 lật đổ Thủ tướng Nawaz Sharif - là nhà lãnh đạo dân cử bị cho là tham nhũng. Tuy nhiên, sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Musharraf đã bị sút giảm khá nhiều sau khi ông không thực hiện lời cam kết vãn hồi thể chế dân chủ. Hiện nay tỉ lệ ủng hộ của ông chỉ ở vào mức 35%.

Ông Chaudhry Nisar Ali Khan, một nhà lập pháp thuộc phe đối lập, cho rằng ông Musharraf đã khiến cho uy tín của quân đội bị sút giảm.

Ông Khan nói: "Quân đội bắt đầu cảm thấy họ đang mất dần vị thế của một định chế quan trọng bảo vệ quyền lợi quốc gia. Họ đang mất đi uy tín và sự kính trọng của người dân. Và chỉ có một người duy nhất phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng này. Đó chính là ông Pervez Musharraf."

Theo ông Ali Khan, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan mà dân chúng nối kết quân đội với một vị tổng thống không được lòng dân và công khai bày tỏ thái độ thù nghịch với các tướng lãnh.

Ông Khan cho biết: "Đây không còn là một điều bí mật nữa. Các tướng lãnh trong quân đội đã bị dân chúng chặn lại trên đường phố để xỉ nhục và chửi mắng."

Các nhóm đối lập đã nộp đơn lên Tối cao Pháp viện để thách thức tính chất hợp pháp của việc ông Musharraf tái tranh cử tổng thống trong lúc vẫn giữ chức tư lệnh quân đội. Một luật sư của ông Musharraf nói rằng ông sẽ rời khỏi quân đội và nắm quyền cai trị như một người thuộc phe dân sự trước khi tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ thứ nhì.

Lâu nay, tướng Musharraf vẫn dựa vào sự hậu thuẫn trong quân đội để giữ chức Tổng thống. Nhưng hiện nay, nhiều tướng lãnh Pakistan, trong đó có tướng hồi hưu Talat Masood, tỏ ý lo ngại về tình trạng là ông Musharraf dân chúng không còn được kính nể và ủng hộ nữa. Nhà bình luận chính trị này cho biết thêm như sau:

"Nếu tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát thì có phần chắc là sẽ tới lúc giới lãnh đạo cao cấp trong quân đội sẽ nói với ông Musharraf rằng 'Thưa Tổng thống, chúng tôi đã hậu thuẫn cho ông, hỗ trợ cho ông. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng bây giờ là lúc ông nên tự nguyện ra đi. Nếu không thì chúng tôi sẽ phải hành động để bảo vệ cho đất nước và cho định chế này'"

Ông Masood nói rằng: những tướng lãnh mà ông quen biết ai nấy cũng muốn có bầu cử tự do và không muốn ông Musharraf ra tranh cử. Tuy nhiên, những hành động của ông Musharraf trong thời gian gần đây để tự phác họa tương lai chính trị của mình cho thấy rằng các đối thủ của ông trong quân đội và trên chính trường có thể sẽ phải thất vọng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG