Đường dẫn truy cập

Nữ nghệ nhân Kristin Jones và dự án làm sạch dòng sông ở Ý


Hàng tuần VOA có bài viết về những người Mỹ nổi bật đã tạo được sự khác biệt trong lề lối suy nghĩ, sinh hoạt và hành động của mọi người. Câu chuyện Phụ nữ kỳ này chọn một bài viết của biên tập viên Nancy Greenleese về một nữ nghệ nhân Mỹ ở Roma, bà Kristin Jones, người sáng tạo nghệ thuật quần chúng với chủ đề thiên nhiên và thời gian.

Bà Kristin Jones có tư tưởng lớn. Bà đã giúp thiết kế một cái máy đếm nhịp khổng lồ ở thành phố New York, và đã thiết kế những bức đồ họa vĩ đại ở phi trường Tampa. Nay bà dồn sức vào một dự án có liên quan đến một trong những con sông lớn trên thế giới. Bà muốn lập một cái piazza, tiếng Ý chỉ một quãng trường, một công viên thành phố, dành cho nghệ thuật hiện đại dọc theo sông Tiber với hy vọng công trình sẽ khởi xướng việc làm sạch thủy lộ này.

Bà Jones còn nhớ khi mới nhìn thấy địa điểm này lần đầu tiên. Khi đó bà vừa đậu bằng cử nhân về Hội họa ở trường đại học Yale. Đó là năm 1983 và bà đã được học bổng Fulbright đến Roma.

Bà Jones nói: “Là một người đã sinh sống ở New York, tôi đã tự hỏi, Có điểm gì tương đồng ở đây không. Cái gì vậy?”

Thế rồi ý kiến đến với bà như một viễn tượng từ Tòa thánh Vatican ở gần đó. Con sông Tiber có thể biến thành một nơi mà người Ý có thể thưởng ngoạn những thú vui của đồng quê trong khi vẫn còn ở trong thành phố.

Bà Jones nói: “Đây giống như công viên một Central Park của New York. Central Park thực sự là một cảnh thiên nhiên giữa lòng thành phố và khi đi bộ ở đó ta thấy được những chiếc lá run rẩy, ta thấy được cỏ thực sự và thấy được một chú sóc thực sự. Ta còn có thể đi nhặt nấm ở Central Park nữa.”

Bà Jones có thể thu thập một sưu tập nhiều vô kể các loại chai bia dọc theo sông Tiber. Không khí đượm mùi xú uế, những bức tường đá đầy những hình vẽ bậy bạ. Đây là một dự án làm sạch mà chắc hẳn đã khiến Julius Ceasar đã khựng lại. nhưng bà Jones, với một ý chí sắt đá, không chịu thua. Bà đã thuyết phục những người Mỹ sống ở Roma và những người ủng hộ các nỗ lực của bà. Đó là một điều rất lạ ở một nước không có truyền thống làm việc thiện nguyện. Người nghệ sĩ trong bà đã cảm thấy nguồn hứng khởi từ con sông như một biểu tượng của thời gian ở Thành phố Muôn đời này, trong khi con người tranh đấu trong bà nhìn thấy cái giá trị lịch sử của nó.

Bà Jones nói: “Nếu bạn nghĩ về nó thì có lẽ bạn có thể coi nó là một cái đài kỷ niệm cổ kính ở Roma.”

Thành phố được lập lên dọc theo hai bên bờ sông vào thế kỷ thứ 8 trước Tây lịch và nước vẫn luôn đóng một vai trò trong lịch sử của thành phố này. Các con kênh của Đế quốc La Mã đã cách mạng hóa sự chuyên chở bằng thủy lộ. Cổ thành đã được đổ tràn nước để tập các trận thủy chiến. Lại còn những vòi nước phun của Roma nữa. Có tất cả tới 280 cái vòi nước.

Bà Jones nói: “Các vòi nước này ở khắp thành phố lịch sử này vẫn là một thứ yếu tố khoa trương sức mạnh, nhiệt tình và sự vui thú, thế mà nguồn huyết mạch chính lại hoàn toàn bị xao lãng.”

Ở Roma, con sông Tiber không được mấy người yêu mến. Sông thường gây ngập lụt thành phố, khiến phải xây những bức tường lớn hồi thập niên 1800 nay còn ngăn, và che dấu con sông. Tuy nhiên, bà Jones thì lại muốn bầy nó ra.

Vào một buổi tối mới đây, dân địa phương và du khách thả bộ dọc theo quảng trường được đề nghị xây. Nhóm Tevereterno – hay Dòng Sông Vĩnh Cửu – một tổ chức thiện nguyện nhằm phục hồi con sông Tiber của bà Jones đã tổ chức buổi sinh hoạt này để quảng bá việc làm sống lại khu vực này. Họ mơ ước được tổ chức các buổi sinh hoạt với chủ đề về nước, từ các buổi triển lãm hội họa cho đến các hội nghị, ngay cả những buổi hòa nhạc trên một sân khấu nổi. Đêm nay, các nhạc sĩ trình diễn trong lúc hơn 100 ngọn nến lấp lánh ở hai bên bờ sông.

Cô Allegra Zapponi đã đến xem cảnh tượng này và suy ngẫm về ý nghĩa của con sông Tiber đối với người dân Ý.

Cô Zapponi nói: “Tôi nghĩ rằng trong 50 năm của thế kỷ vừa qua, chỗ này giống như một nơi để rác rưởi. Mọi thứ muốn vứt đi, đều được thẩy xuống sông.

Một người ủng hộ nghệ thuật ở địa phương, anh Luca Bergamo khâm phục sự nhiệt thành của bà Jones và tán đồng dự án nhưng thừa nhận rằng có những trở ngại đáng kể về văn hóa.

Anh Bergamo nói: “Cái khó nhất là không tìm được những người đầu tư vào những thứ nhiều rủi ro ở nước này. Đây không phải là rủi ro mà chỉ là không biết và không thông cảm được.”

Sự thay đổi thường bị cưỡng lại ở Ý, một quốc gia sống với quá khứ lịch sử của mình. Thêm nữa, các nhà chính trị không biện minh được việc tiêu tiền cho con sông Tiber vào lúc mà tài nguyên hạn hẹp cho những đền đài khác nổi tiếng hơn.

Tuy nhiên, chiều hướng có thể thay đổi khi những cặp trai gái say sưa thưởng ngoạn một nhạc phẩm chơi bằng đàn điện tử. Thành phố đã thêm dự án Piazza Tevere được đề nghị vào kế hoạch mới của thành phố. Bà Jones sẵn sàng trở về New York ở luôn và nói rằng đã đến lúc bàn giao dự án lại cho người Ý.

Bà Jones nói: “Họ đều tán dương tôi và tìm cách giữ tôi lại để tiếp tục công tác đó. Còn tôi thì cứ tìm cách thoái thác và nói rằng, đó là con sông của các bạn. Hãy nhìn vào tiềm năng, nhìn vào tiềm năng. Tôi thấy được cái tiềm năng đó.”

Những người khác cũng có thể thấy điều đó. Bà Jones đã kín đáo trưng các bảng đánh dấu bằng đá bên bờ sông giống như những bảng chỉ các quảng trường và đường sá ở Roma. Các bảng đó đề là “Piazza Tevere” mà lẽ ra cũng có thể để là Piazza Jones.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG