Đường dẫn truy cập

Nhận định về hai ứng cử viên cho chức thủ tướng Nhật Bản


Vào ngày chủ nhật tới đây đảng Dân chủ tự do đương quyền của Nhật Bản sẽ chọn người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe vừa đệ đơn từ chức trong tuần trước. Cuộc bầu cử này sẽ là cuộc tranh đua giữa ông Taro Aso, nhân vật bảo thủ đứng đầu đảng Dân chủ tự do và một người có chủ trương ôn hòa hơn từng giữ chức chánh văn phòng nội các, là ông Yasua Fukuda.

Ông Taro Aso, năm nay 66 tuổi, từng nắm giữ một số chức vụ trong chính phủ, trong đó có chức Bộ trưởng ngoại giao và hiện nay ông là Tổng thư ký của đảng Dân chủ tự do. Ông đã tìm cách lên làm thủ tướng hai lần, nhưng đã bị thất bại trước ông Junichiro Koizumi và sau đó chức này lại lọt vào tay ông Shinzo Abe.

Ông Aso nổi tiếng là một người nóng nẩy, trực tính và hay chống đối. Ông Tomohito Shinoda, Giáo sư môn chính trị tại viện đại học quốc tế Nhật nói rằng ông Aso sẽ theo một đường lối cứng rắn đối với vấn đề các công dân Nhật bị Bắc triều Tiên bắt cóc trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Ông Shinoda nói: “Thời gian ông Aso giữ chức ngoại trưởng Nhật ông giữ vững lập trường cứng rắn đối với Bắc triều Tiên và ông mạnh mẽ tin rằng gây áp lực là phương cách tốt nhất để buộc Bình nhưỡng phải đàm phán với nước Nhật cũng như với các nước khác.”

Ông Fukuda, 71 tuổi, từng giữ chức chánh văn phòng nội các, được mọi người coi là một nhà chính trị ôn hòa hơn, mưu tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc, và theo giáo sư Shinoda thì cá tính của hai nhân vật này khác nhau rất xa:

“Ông Fukuda là một người quân bình có lý trí mạnh -một cá tính mà nhiều chính trị gia Nhật không có được.”

Hai chính trị gia vừa kể cũng khác biệt nhau trong nhiều lãnh vực khác về chính sách đối ngoại. Ông Rei Shiratori, Chủ tịch học viện nghiên cứu chính trị, một học viện nghiên cứu ở Tokyo, cho rằng trọng điểm chính sách đối ngoại của ông Abe là mối bang giao vững mạnh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản và có thể ông Aso sẽ tiếp tục đường lối này.

Ông Aso cũng ủng hộ lập trường tự quyết của Nhật Bản đối với Trung quốc, là một cường quốc kinh tế khác ở Đông Á.

Ông Shiratori nói rằng tuy ông Fukuda cũng ủng hộ các liên hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ nhưng ưu tiên hàng đầu của ông lại là mưu tìm mối quan hệ nồng ấm với Trung quốc và các quốc gia láng giềng khác.

Ông Shiratori nói: “Chính ông Fukuda từ lúc ban đầu đã tìm cách tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản với các nước Á Châu. Sự khác biệt chính là ở điểm này.”

Cả hai ông Aso và Fuku đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục sứ mạng của Nhật trong việc tiếp tế nhiên liệu cho các tàu của Hoa Kỳ ở Ấn Độ dương để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo tại Iraq và Afghanistan.

Nhưng ông Shinoda nói rằng có phần chắc là ông Fukuda, hơn là ông Aso, sẽ thảo luận với đảng Dân chủ đối lập, là đảng chống đối sứ mạng này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG