Đường dẫn truy cập

So sánh đồ chơi Mỹ với Trung Quốc


Thị trường Hoa Kỳ chiếm lĩnh gần 1/3 con số ước tính khoảng 100 tỉ đô la mỗi năm mà thế giới chi ra để mua đồ chơi và các loại game giải trí. Trong khi những công ty sản xuất đồ chơi lớn nhất là của Hoa Kỳ thì có đến 80% đồ chơi được bán trên thị trường lại được chế tạo ở Trung Quốc. Nhưng lòng tin của giới tiêu thụ đối với những đồ chơi do Trung Quốc sản xuất mới đây bị lung lay vì người ta đã khám phá thấy sơn có chất chì và những nguy hiểm khác trong một số đồ chơi được bán trên thị trường.

Điều này có nghĩa là số bán của các công ty sản xuất đồ chơi ở nội địa Hoa Kỳ sẽ gia tăng, những công ty mà từ nhiều năm nay thị phần đã bị sụt giảm nhiều.

Khi những toa xe lửa đồ chơi của công ty RC 2 được sản xuất từ Trung Quốc vừa được lệnh dẹp khỏi các kệ hàng của các cửa tiệm tại Hoa Kỳ và khi mà hàng triệu món đồ chơi của công ty Mattel được sản xuất tại Trung Quốc bị thu hồi thì những công ty nhỏ sản xuất đồ chơi ở Mỹ thấy rằng mức cầu đối với những sản phẩm của họ gia tăng.

Ông Mike Whitworth làm chủ công ty Whittle Shortline Railroad, chuyên sản xuất các toa xe lửa đồ chơi bằng gỗ làm theo lối thủ công. Ông nói: "Chúng tôi làm ăn tương đối khấm khá."

Ông Witworth nói tiếp: "Vào tháng 6 khi các toa xe lửa đồ chơi của công ty RC 2 bắt đầu bị thu hồi thì chúng tôi thấy số bán của chúng tôi có tăng lên chút đỉnh. Thế nhưng đến khi công ty Mattel cho thu hồi sản phẩm của họ thì số bán của chúng tôi tăng lên đến 40%. Công ty của chúng tôi rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn có 36 người. Chúng tôi đang cuống cuồng thuê mướn thêm nhân công vì chúng tôi rất muốn thỏa mãn nhu cầu thị trường, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, trong lúc sản phẩm của chúng tôi chỉ mới bán ra ở trong nước mà thôi."

Đồ chơi sản xuất ở Trung Quốc có giá rẻ hơn là tại Mỹ, hầu hết là nhờ lao động ở đấy rẻ hơn. Và theo ông Whitworth thì các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ còn phải theo sát những luật lệ gắt gao về an toàn, khiến cho giá thành còn cao hơn nữa.

Ông Whitworth nói: "Và vì thế chúng tôi luôn luôn phải dùng loại sơn không có chất chì vì nó là loại sơn an toàn nhất cho sức khỏe và vì chính phủ và các công ty bảo hiểm của chúng tôi buộc chúng tôi phải tuân thủ điều lệ này. Bây giờ thì những đồ chơi nhập khẩu cũng phải tuân theo cùng một luật lệ như vậy. Chắc chắn là phải có những luật lệ áp dụng áp dụng cho các loại đồ chơi nhập khẩu."

Nhưng theo lời ông, nội cái khối lượng sản phẩm khổng lồ nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến cho việc kiểm định rộng rãi và thực thi những luật lệ đó trở thành điều không thực tế, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.

Ông Whitworth nói: "Con số những nhân viên kiểm định quá ít, nếu muốn kiểm soát cẩn thận thì phải kiểm soát từng container một, và người ta không cách gì có thể làm nổi chuyện đó. Theo tôi thì chính công ty nhập khẩu phải đích thân đến Trung Quốc để đảm bảo rằng những hàng hóa xuất phát từ đó nhập vào thị trường Mỹ thực sự an toàn. Và ít nhất là ngay bây giờ, họ rất thấu hiểu vấn đề."

Điều này cũng đã thuyết phục một số khách hàng của ông Mike Rainville hiểu rằng từ rày trở đi hãy “mua hàng của Mỹ”. Và điều này cũng giúp cho công ty Maple Landmark Toys, tức công ty của ông, ở Middlebury, bang Vermont, gia tăng thương vụ.

Ông Rainville nói: "Chúng tôi được nghe một số người nói với chúng tôi rằng họ thực sự liệng bỏ tất cả đồ chơi của con cái vào thùng rác và đi mua sắm lại từ đầu. Một số sẽ không bao giờ mua đồ chơi nhập từ Trung Quốc nữa. Mọi người rất quan ngại. Khi quí vị gây nguy cơ về sức khỏe cho con cái họ thì quí vị đang đụng tới một số những vấn đề nghiêm trọng không dễ gì có thể bỏ qua được."

Nhưng người ta cũng không dễ gì mà dẹp bỏ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cho dù có muốn dẹp đi chăng nữa. Chuyên gia phân tích ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi, ông Sean McGowan ghi nhận rằng những đồ chơi nhiễm chất chì mà người ta mới khám phá chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông tin tưởng rằng chuẩn mực chung về an toàn của Trung Quốc vẫn cao.

Ông McGowan nói: "Tôi không tìm cách hạ thấp mối nguy của những chất liệu độc hại hay chất chì hoặc bất cứ chuyện gì có thể xảy ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi thứ đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc là không an toàn. Rõ ràng là một số người nào đó đã được hối lộ để làm ngơ cho công ty sản xuất thủ lợi. Điều này có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ngay cả ở Hoa Kỳ lẫn các quốc gia tây phương. Vì thế, tôi không nghĩ tẩy chay bất cứ mặt hàng gì sản xuất tại Trung Quốc là giải pháp cho vấn đề. Giải pháp là chúng ta hãy tìm ra những kẽ hở trong hệ thống luật pháp, những kẽ hở này là chuyện có thể xảy ra ở bất cứ nước nào, rồi tìm cách lấp kín nó lại và bảo đảm rằng chúng ta phải thử nghiệm để chắc chắn rằng chúng ta sẽ khám phá được những kẽ hở đó, nếu có."

Và phải nói rằng vào giữa thế kỷ thứ 20, nhiều đồ chơi sản xuất ở Mỹ có chứa chì nguyên chất, hoặc những món đồ chơi có cạnh sắc có thể nguy hại cho sự an toàn của trẻ, hoặc có những mảnh nhỏ có thể làm cho trẻ bị hóc hay nghẹn. Nhưng theo bà Stevanne Auerbach, một chuyên gia về phát triển của trẻ và an toàn về đồ chơi, cho biết trải qua nhiều năm, đồ chơi được sản xuất trên thế giới đã an toàn hơn rất nhiều.

Bà Auerbach nói: "Đồ chơi đã an toàn hơn, có nhiều luật lệ ràng buộc các công ty sản xuất hơn. Và khi một tai nạn xảy ra thì đó là một lời cảnh báo. Đó là lúc tất cả chúng ta phải cùng nhau tìm ra một phương cách tốt hơn để sản xuất ra những món đồ chơi tốt hơn và an toàn hơn."

Công ty Mattel và RC 2 đang hành động nhanh chóng để đem những món đồ chơi có chất chì ra khỏi các kệ hàng. Để trấn an giới tiêu thụ, họ dồn nỗ lực kiểm tra các xưởng máy tại Trung Quốc. Nếu như chiến dịch này của họ thành công, và đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc vẫn có giá rẻ thì có vẻ như thương vụ của họ sẽ hồi phục, bởi lẽ, theo lời chủ nhân một công ty sản xuất đồ chơi tại Mỹ thì thiên hạ rất mau quên, và trên thương trường thì giá cả là điều quan trọng trên hết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG